MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xe nhập khẩu ồ ạt tràn về, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô sẽ ra sao?

03-07-2019 - 07:25 AM | Thị trường

Với việc thực hiện cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu với ô tô và linh phụ kiện đã giảm theo lộ trình; xe nhập khẩu từ ASEAN ồ ạt tràn về Việt Nam hơn 1 năm qua. 7-10 năm nữa, thuế ô tô nhập từ châu Âu cũng giảm về 0%. Các doanh nghiệp nội, liên doanh đang phải nghiên cứu các chiến lược phát triển mới để cạnh tranh với dòng xe nhập miễn thuế này.

Xe nhập khẩu giảm giá cả tỷ đồng

Ô tô nhập khẩu (NK) từ châu Âu (EU) đã và đang bị đánh thuế rất cao khi về Việt Nam. Thuế NK với ô tô con dung tích xy-lanh trên 3.000cc là 74% và dưới 3.000cc lên tới 78%. Xe tải (gồm cả bán tải) bị đánh thuế NK 65%.

Tuy nhiên, sau khi EVFTA có hiệu lực, các khoản thuế về NK ô tô và phụ tùng liên quan sẽ được giảm theo lộ trình. Cụ thể, với phụ tùng, linh kiện ô tô, khoản thuế này về 0% sau 7 năm nữa. Trong khi đó, ô tô con dung tích dưới 3.000cc sẽ được miễn thuế NK sau 10 năm (loại trên 3.000 cc là 9 năm).

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, do ảnh hưởng của thuế NK nên trị giá xe NK bình quân từ EU nằm ở phân khúc cao nhất tại Việt Nam. Trong đó, bình quân ô tô NK từ Đức giá hơn 72.500 USD/xe (chưa tính thuế); Anh 68.000 USD/xe; Pháp 100.000 USD/xe. Xe nhập từ 2 thị trường lớn nhất hiện nay là Thái Lan và Indonesia giá chỉ trên dưới 20.000 USD/xe.

Như vậy, việc giảm thuế NK đối với ô tô, xe máy và phụ tùng, linh kiện theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ giúp cho giá xe nhập giảm xuống, cạnh tranh quyết liệt giữa các thương hiệu. Lấy ví dụ một chiếc BMW X7 có giá tại Đức là 100.000 euro (khoảng 2,64 tỷ đồng), thuế NK hiện tại đối với mẫu xe này là 74%, tương đương 74.000 euro (1,96 tỷ đồng). Nếu thuế NK về 0%, các loại thuế, phí khác không thay đổi, giá xe này lúc đó tại Việt Nam sẽ giảm cả tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, trước EVFTA, Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã giúp thuế NK ô tô nguyên chiếc trong khu vực về 0% từ năm 2018, lượng xe nguyên chiếc nhập từ 2 quốc gia trong khối là Thái Lan và Indonesia tăng lên chóng mặt và chiếm ưu thế chủ đạo về sản lượng xe NK của cả nước kể từ đấy đến nay.

Hướng đi nào cho các doanh nghiệp nội?

Đứng trước “cơn lốc” xe NK, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam liệu có trụ vững? Tại VinFast, nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện rộng 335ha ở Khu Công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), chỉ trong vòng 21 tháng, VinFast bàn giao 650 chiếc xe đầu tiên - VinFast Fadil cho khách hàng đặt cọc sớm nhất vào ngày 17/6 vừa qua. Theo kế hoạch, các mẫu xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 sẽ được VinFast bàn giao cho khách hàng vào cuối tháng 7 này.

Trước đó không lâu, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) khánh thành nhà máy sản xuất dòng xe Peugeot ở Chu Lai, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Với vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, cụm nhà máy có diện tích 7,5ha này sẽ xuất xưởng 200.000 xe/năm. Như vậy, sau Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật) thì Peugeot (Pháp) là dòng xe du lịch thứ 3 Thaco lắp ráp trong nước. Năm 2017, Thaco cũng đã đầu tư 2.000 tỷ đồng để khánh thành nhà máy sản xuất, lắp ráp xe buýt lớn và xe buýt nhỏ với công suất 20.000 xe/năm.

Còn Hyundai Thành Công, sau thời gian NK xe của Hyundai, Liên doanh này đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng để sản xuất ôtô Hyundai với mục tiêu xe du lịch đạt 160.000 xe/năm (bước đầu 40.000 xe/năm); xe khách, xe buýt 18.000 xe/năm; xe tải nhẹ: 30.000 xe/năm. Nhà máy sản xuất thứ 2 của Hyundai Thành Công dự kiến khánh thành vào năm nay.

Theo các chuyên gia ô tô, ngoài thị trường tiêu thụ lớn, Việt Nam còn nhiều lợi thế từ ATIGA về nhân công giá rẻ, chính sách ưu đãi cho ngành sản xuất ô tô.

Ông Nguyễn Minh Đồng, một chuyên gia thiết kế và tư vấn về công nghệ ô tô đã có thời gian sống và làm việc 38 năm ở Đức cho rằng, với ngành công nghiệp ô tô, thời gian giảm thuế theo EVFTA 7-10 năm không phải dài, thậm chí trôi qua rất nhanh. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hơn 20 năm qua không phát triển được và giá bán xe trong nước cao hơn nhiều so với xe trong khu vực.

Nguyên nhân theo ông Đồng là ngành công nghiệp sản xuất linh kiện phụ trợ kém, bảo hộ dài nhưng doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, chính sách thuế không ổn định (đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao)... Do đó, ông Đồng bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp như VinFast, Thaco, Hyundai Thành Công sẽ có những chiến lược đúng để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa xe nhập và xe lắp ráp, thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng, dù giá xe vẫn khó giảm sâu.

Theo Tuấn Nguyễn

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên