MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xe ôtô giá rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam: Giấc mơ liệu có thật?

16-02-2017 - 13:29 PM | Thị trường

Xe ôtô giá rẻ được nhập khẩu từ các nước Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam trong đầu năm 2017 nhờ vào được giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Xe ôtô giá rẻ được nhập khẩu từ các nước Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam trong đầu năm 2017 nhờ vào được giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, giá ôtô có thực sự giảm sâu với kỳ vọng để người dân dễ dàng sở hữu những chiếc xe hơi vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào các liên doanh ôtô, nhà lắp ráp đồng thời độc quyền nhập khẩu các dòng xe, chưa kể các khung về thuế, phí và đăng ký trước bạ của Nhà nước có thể thay đổi.

“Sân chơi” của ASEAN và Ấn Độ

Một con số thống kê của Tổng cục Hải quan đã cho thấy dấu hiệu “lên ngôi” của các dòng xe nhỏ dung tích dưới 2.0L đó là ngay trong tháng 1/2017, lượng xe dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu từ khu vực ASEAN đạt 3.408 chiếc, chiếm 62,8% lượng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu của cả nước.

Cụ thể, lượng xe có xuất xứ Thái Lan đạt 1.585 chiếc, trị giá 31 triệu USD, tăng 55% về lượng và tăng 209% trị giá so với cùng kỳ năm trước. Có mức tăng đột biến là xe có xuất xứ Indonesia khi đạt 1.823 chiếc, trị giá 35 triệu USD. Mỗi loại xe nhập về nước ta chưa bao gồm thuế, phí tại Việt Nam tính trung bình 19.00-19.500 USD/chiếc (khoảng 400 triệu đồng/chiếc).

Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhập khẩu khoảng 1.000 ôtô từ thị trường Ấn Độ với tổng giá trị 3,7 triệu USD. Như vậy, nếu chưa tính các loại thuế, mỗi chiếc xe Ấn Độ có giá nhập khẩu trung bình là 3.708 USD/chiếc (tương đương 84 triệu đồng).

Theo lý giải của một số đại lý nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, xe nhập khẩu tăng từ các nước ASEAN - thị trường xe nhập khẩu chính về Việt Nam như Thái Lan, Indonesia là do chính sách thuế đã và đang giảm như thuế nhập khẩu (giảm từ 40% xuống còn 30% từ ngày 1/1/2017), thuế tiêu thụ đặc biệt (giảm 5% từ tháng 7/2016 đến 31/12/2017) sẽ tác động trực tiếp, dẫn đến giá bán lẻ của mỗi chiếc xe giảm 6-7% so với trước thời điểm giảm thuế.

Chưa kể, từ năm 2018, thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN sẽ về mức 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm từ 5-15% thì lượng xe nhập khẩu về Việt Nam sẽ tiếp tục là sân chơi của xe giá rẻ của các thị trường ASEAN và các nước khác.

Theo ghi nhận của phóng viên, các dòng xe nhỏ giá rẻ như Kia Morning, Hyundai i10, Chevrolet Spark... chỉ có mức giá 350 triệu đến 480 triệu đồng/chiếc (tùy theo phiên bản, đã bao gồm thuế) có doanh số bán cao nhất tại nhiều cửa hàng được khá nhiều người lựa chọn do giá cả phải chăng, trong khi cũng đầy đủ tính năng nội thất tiện nghi đẩy đủ của một chiếc ôtô.

Bổ sung thêm về việc ôtô giá rẻ ồ ạt về Việt Nam “lên ngôi”, nhiều doanh nghiệp nhập xe trong nước cho rằng, nếu trước kia chỉ có một vài hãng xe hơi nhập vào Việt Nam thì nay hầu hết các hãng có sản xuất, lắp ráp trong nước đều đã nhập một hoặc nhiều dòng xe khác nhau nhằm đa dạng phân khúc, khai thác tối đa lợi nhuận. Đây là nguyên nhân khiến số lượng xe nhập về Việt Nam nhiều hơn, đa dạng hơn về chủng loại và sự lựa chọn cho người tiêu dùng.


Ảnh minh họa. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

“Các showroom ôtô được các nhà nhập khẩu xe, đại lý hỗ trợ giá, chiết khấu sâu giá bán trong thời gian đầu và chính sách trợ giúp các nhà phân phối tư nhân của các hãng nhập khẩu xe hiện rất tốt, cạnh tranh trực tiếp với hệ thống phân phối xe lắp ráp trong nước,” đại diện một doanh nghiệp nhập xe cho hay.

Giá xe ôtô có giảm sâu?

Vừa qua, Toyota Việt Nam đã thông báo giá mới được áp dụng từ tháng Hai với dòng xe nhỏ Yaris G là 642 triệu đồng, giảm 47 triệu đồng; Yaris E có giá bán 592 triệu đồng, giảm 44 triệu đồng. Đây là mẫu xe được Toyota Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan. Và với mức thuế giảm từ 30% về 0% vào ngày 1/1/2018, dòng xe này sẽ được giảm thêm khoảng 130-140 triệu đồng nữa. Khi đó, giá xe Yaris sẽ về nước ta dưới 500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các dòng xe bán tải cũng được dân chuộng hơn vì có đủ 5 chỗ ngồi, máy khoẻ, gầm cao phù hợp nhiều kiểu địa hình Việt Nam. Hiện nay thị trường trong nước nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN chủ yếu là các mẫu xe bán tải (pick-up) như Toyota Hilux, Ford Ranger, Nissan Navara, Chevrolet Colorado, Isuzu D-Max, Mitsubishi Triton...

Tuy nhiên, những năm qua các mẫu xe bán tải chỉ chịu thuế nhập khẩu là 5%, do đó việc giảm thêm 10% thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc trong năm nay sẽ không ảnh hưởng gì đến loại xe pick-up. Giới phân tích dự báo, có khả năng từ ngày đầu năm 2018, khi thuế nhập khẩu về 0% sẽ có nhiều mẫu xe được nhập khẩu từ khu vực ASEAN.

Dù sức nóng của xe giá rẻ đang “phả vào gáy” các nhà sản xuất trong nước, thế nhưng, trên các diễn đàn xe và nhiều phân tích chỉ ra rằng sẽ không có nhiều mẫu ôtô nhập khẩu từ khu vực ASEAN đến tay người tiêu dùng được giảm giá trong năm 2017 bởi các liên doanh ôtô hiện nay là nhà lắp ráp nhưng đồng thời cũng là nhà độc quyền nhập khẩu các thương hiệu tương ứng sẽ không nhập các mẫu xe có tiềm năng cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước.

Hơn nữa, các dòng xe phổ thông với các thương hiệu Toyota, Ford, Honda, GM,... đang bán chạy tại thị trường Việt Nam đều được lắp ráp trong nước bởi thuế nhập khẩu bộ linh kiện những dòng xe này chỉ khoảng 15-25%, thấp hơn đáng kể so với thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Chỉ khi vào năm 2018, thuế nhập khẩu về 0% thì sẽ có nhiều mẫu xe được nhập khẩu từ khu vực này. Giá xe nhập khẩu vì thế sẽ thấp hơn giá xe lắp ráp trong nước. Do đó, nếu các mẫu xe lắp ráp trong nước không giảm giá sẽ khó cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Tuy nhiên, nhiều người muốn sở hữu xe hơi cũng lo ngại và hoài nghi với thực tế ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn nhằm thúc đẩy phát triển vận tải công cộng, cơ quan quản lý Nhà nước đã nhiều lần đưa ra Đề án quản lý phương tiện cá nhân trong đó có ôtô đồng thời cảnh báo đưa ra một loại các biện pháp như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, phí trước bạ, thu phí nội đô… thì thị trường xe giá rẻ cần phải được “cởi trói” mới có thể khởi sắc./.

Theo Đức Hùng

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên