Xé rào chuyển đổi đất rừng: Doanh nghiệp ở Gia Lai “tiền trảm hậu tấu”
Nhiều doanh nghiệp ở Gia Lai đã xé rào, tự ý chuyển đổi đất trồng cao su sang đất nuôi bò, trồng cây ăn quả, thậm chí cho thuê.
- 17-12-2018Hà Nội có chỉ đạo mới về việc xử lý vi phạm đất rừng Sóc Sơn
- 05-12-2018Vụ xẻ đất rừng Sóc Sơn: Mỹ Linh cũng là công dân, sai đến đâu xử lý đến đấy
- 30-11-2018Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội xử nghiêm vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn
Đại dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su tại Gia Lai đã có tuyên cáo thất bại, khi hơn 30% diện tích cao su đã chết hoặc không cho khai thác. Đa số diện tích còn lại cho năng suất chỉ bằng một nửa mức thông thường. Để gỡ bàn thua do trồng cao su, nhiều doanh nghiệp đã xé rào, tự ý chuyển đổi đất trồng cao su sang đất nuôi bò, trồng cây ăn quả, thậm chí cho thuê.
Việc sử dụng đất sai mục đích của dự án không chỉ khiến mục tiêu đảm bảo độ che phủ rừng của Gia Lai thêm xa vời mà còn tạo những biến tướng, có thể gây khó cho công tác quản lý đất đai trong thời gian tới.
Hai năm nay, gia đình bà Bùi Thị Nhường, ở thôn 3, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định thuê đất thuộc dự án trồng cao su của Công ty CP trồng rừng và cây công nghiệp Đức Long Gia Lai (thuộc công ty TNHH Tập đoàn Đức Long Gia Lai) tại xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh để trồng dưa hấu.
Công ty CP Cao su Trung Nguyên (Thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) đã tự ý trồng cây ăn trái trên đất dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su cách đây vài năm.
Bà Nhường cho biết, giá thuê đất là 5 triệu đồng/ha/3 tháng. Sau khi nhận đất, bà Nhường chi thêm 1 triệu đồng nữa để nhân viên doanh nghiệp cày, san phẳng đất. Người thuê chỉ việc vun luống và xuống giống. So với giá thuê đất ở các huyện Đông Nam Gia Lai thì thuê đất tại đây rẻ hơn gấp nhiều lần. Chính vì thế, số người thuê đất dự án cao su của Đức Long Gia Lai ngày càng tăng nhanh.
“Từ năm 2017, nhiều người Bình Định lên đây thuê đất trồng dưa và họ chỉ mình lên chòm rừng này. Mọi người lên xem đất, nếu thấy được sẽ phá rừng ra làm. Công ty cho máy cày phá lên mọi người sẽ trả tiền, ai muốn làm và muốn thuê bao nhiêu đất họ cho thuê bấy nhiêu”, bà Nhường cho biết.
Trong các năm từ 2008 - 2011, Công ty CP trồng rừng và cây công nghiệp Đức Long Gia Lai được giao hơn 2.000 ha rừng nghèo thuộc địa phận xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai để trồng cây cao su. Sau 10 năm triển khai dự án, tới nay, 1.200/1700 ha cao su trồng mới của doanh nghiệp đã chết và bị cháy vì thiếu sự chăm sóc. Diện tích cao su còn sống đã gần chục năm tuổi, nhưng chưa thể khai thác mủ vì kém phát triển.
Ông Lê Ngọc Minh, Quản lý dự án cao su, Công ty CP trồng rừng và cây công nghiệp Đức Long Gia Lai tại xã Ia Blứ xác nhận, ngoài việc cho người dân ngoại tỉnh thuê đất canh tác, doanh nghiệp còn nuôi bò trong vùng dự án. Hiện, dự án cao su của Tập đoàn Đức Long Gia Lai hoạt động rất èo uột, với vỏn vẹn 10 nhân sự, trong đó chỉ có 2 nhân viên kỹ thuật chăm sóc cao su.
“Với diện tích còn trống công ty tạo điều kiện cho người dân thuê trồng dưa, từ đó lấy chi phí trang trải cho anh em trong công ty. Người dân trồng dưa cải tạo đất, diệt có và sau này công ty có trồng cây khác cũng sạch đất. Nếu cứ bỏ đất như trước khi muốn triển khai dự án lại phải chặt cây bụi và cày xới, tốn công rất nhiều”, ông Minh phân trần.
Tháng 5 năm nay, Chính phủ chính thức đồng ý chủ trương cho các doanh nghiệp thất bại trong dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp khác trên diện tích cao su chết. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi doanh nghiệp phải trồng rừng thay thế với định mức chuyển đổi 1 ha đất dự án sẽ phải trồng thay thế 3 ha rừng. Chính phủ cũng chỉ chấp nhận chuyển đổi khi đã có kết quả trồng thử nghiệm và có kiểm tra, phê duyệt của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, không quan tâm đến việc trồng rừng thay thế, từ vài năm trước, nhiều doanh nghiệp đã xé rào, tự ý trồng hàng trăm ha cây nông nghiệp trên đất rừng. Trong đó, thực hiện rầm rộ nhất là công ty cổ phần cao su Trung Nguyên (Thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), đã tự ý chuyển đối 250 ha sang trồng mít và xoài. Công ty CP Đầu tư và xây dựng 194 trồng nhiều ha xà cừ trên diện tích đất trồng cao su không hiệu quả.
Tình trạng tùy ý sử dụng đất dự án cao sai mục đích đã được HĐND tỉnh Gia Lai phát hiện trong đợt giám sát giữa năm 2015. Cách đây vài tháng, UBND huyện Chư Pưh tiếp tục gửi báo cáo tình trạng này tới thường trực HĐND tỉnh. Sở NN&PTNT tỉnh đã tiến hành kiểm tra thực tế. Tuy nhiên, sự việc chỉ dừng lại mức nhắc nhở.
Cao su tại dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở huyện Chư Pưh chậm phát triển, kém hiệu quả. |
Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai còn cho rằng, đây là chuyện nhỏ, vì các đơn vị có xé rào trồng thí điểm trên một vài ha là không có vấn đề gì.
“Tỉnh cũng chỉ đã đạo các ngành đi kiểm tra xem các doanh nghiệp trồng bao nhiêu ha? Trồng những cây gì? Tại sao chưa được phép lại mở rộng diện tích? Sở NN&PTNT đã kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh chấn chỉnh doanh nghiệp giữ nguyên hiện trạng, không được phép mở rộng”, ông An quả quyết.
Để thực hiện chủ trương chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su, từ năm 2008 - 2011, tỉnh Gia Lai đã cho 16 doanh nghiệp triển khai 44 dự án. Hơn 35.000 ha đất rừng nghèo đã bị xóa sổ, thay vào đó đa số là cao su còi cọc, kém phát triển, hàng chục nghìn ha bị chết, bị cháy do thiếu chăm sóc.
Doanh nghiệp không những không thực hiện cam kết về an sinh xã hội với các địa phương mà còn đang tạo những biến tướng phức tạp. Sự nương nhẹ của chính quyền địa phương rất có thể sẽ khiến những biến tướng này thêm khó giải quyết, khó buộc được doanh nghiệp phải trồng rừng thay thế cho diện tích chuyển đổi theo chỉ đạo của Chính phủ./.
VOV