Xe sang vắt chân lo chạy thuế
Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được áp dụng từ 1/7 tới đây khiến giá các dòng xe ô tô dung tích xilanh trên 2.500 cm3 sẽ bị đẩy thêm từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/xe. Đây chính là lý do khiến thị trường ô tô đột nhiên nóng trước “giờ G”, dẫu lộ trình tăng thuế TTĐB đã công bố cả năm nay.
- 21-05-2016Xe sang sắp “gánh” thêm phí bảo vệ môi trường?
- 15-05-2016“Chạy” thuế tiêu thụ đặc biệt, xe sang bán chênh hàng tỉ đồng
- 21-04-2016Chờ đợi tăng thuế xe sang, dân buôn găm hàng sẽ lãi 1 tỷ đồng mỗi xe?
Sốt sình sịch lo chạy thuế
Từ 1/7 tới đây, theo quy định của Luật thuế TTĐB, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe có dung tích xilanh trên 2.500 cm3, thuế suất tăng từ 50 lên 55%, trên 3.000m cm3 là 90%. Các xe có dung tích từ 4.000 cm3 đến hơn 6.000 cm3 dao động tăng thuế lên 130-150%. Mức thuế này được áp dụng với cả xe trong nước và nhập khẩu. Hiện, nhiều thương hiệu ô tô nhập khẩu đã có những thông báo điều chỉnh về giá. Các mức tăng đều khá cao, thậm chí với một vài dòng xe siêu sang, mức tăng “chóng mặt”. Đơn cử giá bán của chiếc Rolls – Royce Phantom Series II sẽ tăng giá tới 20 tỷ đồng, từ 53,65 tỷ đồng lên 83,8 tỷ đồng từ ngày 1/7.
Ngày 27/5, PV khảo sát nhanh tại showroom chuyên bán các dòng ô tô dung tích lớn như Camry, Land Cuise (Toyota), Lexus….Theo quan sát, lượng khách đến xem xe có đông song hỏi kỹ thì được biết, họ chủ yếu tham khảo giá. So sánh giá thuế mới và cũ, tại một showroom trên đường Lê Văn Lương, một nhân viên phòng kinh doanh hãng xe Lexus cho biết, hiện giá xe Lexus 350, 460, 570 sẽ có giá chênh lên tới 1,5 tỷ đồng. Xe Lexus 570 giá gốc 5,7 tỷ đồng, sắp tới sẽ bán với giá 7,2 tỷ đồng.
Anh Đức Hùng, nhân viên bán hàng một đại lý Toyota tại quận lớn ở Hà Nội kể: Hiện các dòng xe được “săn lùng” mua chủ yếu là xe xịn phải “áp” thuế TTĐB từ 1/7 tới. Anh Hùng nhẩm tính: giá 1 chiếc xe Land Cuise khoảng 2,8 tỷ đồng; sau ngày 1/7 lên tới 3,6 – 3,7 tỷ đồng do chênh lệch của mức thuế mới.“Thuế TTĐB đã tạo ra cơn sốt xe sang hiện nay. Khách hàng tìm mua để “chạy thuế” còn người bán thì “găm” hàng chờ thuế lên để hưởng phần chênh lệch. Thậm chí có đại lý còn tìm cách “đánh tháo”, phá hợp đồng đặt mua xe trước đó để giữ xe, chờ hưởng chênh lệch”, anh Hùng cho biết.
Cụ thể hơn, anh Hùng lí giải, với các dòng xe sang, thông thường khách phải đặt tiền trước và chờ đợi 3 - 4 tháng, mới có xe nhập về Việt Nam. Đại lý phải đặt trước với nhà máy ở nước ngoài sản xuất và nhập về Việt Nam, không phải thích nhập bao nhiêu và nhập lúc nào cũng được. Mỗi đại lý có bảng dự kiến ngày nhập xe về Việt Nam nhưng khi khách hàng ký hợp đồng chờ nhập xe, nhân viên bán hàng thường không hứa chính xác, cụ thể mà chỉ cho thời gian ước chừng. Nhiều đại lý lợi dụng yếu tố này để “đánh tháo” hợp đồng đã ký.
Xài sang phải đóng thuế cao
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế Bộ Tài chính, mục tiêu của chính sách thuế TTĐB ngay từ khi trình Quốc hội thông qua, đó là đánh thuế cao đối với một số mặt hàng hạn chế tiêu dùng vì ảnh hưởng tới sức khỏe như rượu, bia thuốc lá hay một số mặt hàng có giá trị cao như ô tô sang, sân golf nhằm điều tiết tiêu dùng trong nước và mọi việc đã có lộ trình và công khai rõ ràng.
Một lãnh đạo Bộ Tài chính từng kể với PV: Trong tổng số nguồn thu ngân sách của Bộ, nguồn thu từ thuế ô tô tuy không chiếm tỷ trọng cao như thu thuế đất hay dầu thô nhưng luôn là “nguồn” thu nhập rất ổn định của đất nước. “Thuế tiêu thụ đặc biệt luôn đánh vào những mặt hàng có giá trị cao chủ yếu do những người có tiền, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, đây cũng là một nguồn thu đáng kể” vị này khẳng định.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc đánh thuế TTĐB cho các dòng xe hạng sang là một cố gắng của Bộ Tài chính nhằm điều tiết của người giàu vào ngân sách để tác động đến hành vi tiêu dùng của họ. “Động thái này ở các nước đều thực hiện. Ở Việt Nam có lẽ chưa quen nhưng dần phải tập thói quen, anh xài sang thì phải đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Như vậy điều tiết hành vi của người tiêu xài sang thì phải chi rất nhiều cho xã hội”, ông Doanh nói.
Nhìn nhận về việc đánh thuế TTĐB, một lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho rằng, Việt Nam đang trong tình trạng thu không đủ chi, sản phẩm như ô tô đương nhiên sẽ là “mục tiêu” để tính thuế và không bằng cách này thì cách khác. “Đây cũng là cách để đảm bảo nguồn thu cho đất nước và bảo hộ ngành sản xuất ô tô trong nước”, vị này chia sẻ.
Thị trường xe sang đang trong giai đoạn “nóng” với tâm lý cố mua bằng được để “chạy” thuế. Thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA ), số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 4/2016, tăng vọt tới 29% với mức 6.225 chiếc trong khi xe sản xuất trong nước lại giảm (2,5%).“Đây là giai đoạn, các doanh nghiệp và người tiêu dùng tranh thủ mua ô tô trước khi chịu cảnh đội giá”, một thành viên VAMA cho biết.
Tiền phong