Xe tay ga Honda lắp Smartkey gặp sự cố bất thường, kỹ sư nói gì?
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Tiền Giang, vừa qua có một số trường hợp chìa khóa của những xe Honda tay ga không điều khiển được do bị nhiễu sóng camera không dây của shop chuyên bán sỉ và lẻ quần áo trẻ em Elsa cách đó khoảng 50m.
- 27-11-2018Đem xe máy điện VinFast Klara lội nước “lụt” sau bão tại Sài Gòn và cái kết
- 26-11-2018Xe máy điện VinFast Klara sắp tăng giá?
- 21-11-2018Ứng dụng kết nối với xe máy điện Vinfast Klara bất ngờ xuất hiện
Dắt bộ vì xe bỗng dưng không đề được máy
Ngày 3/12, xác nhận với Tiền Phong, đại diện Honda Việt Nam cho biết, đơn vị đang chuyển thông tin cho bộ phận kỹ thuật kiểm tra liên quan vụ hàng loạt xe tay ga sử dụng chìa khóa thông minh gặp sự cố bất thường khi dừng đèn đỏ trên phố, địa bàn tỉnh Tiền Giang. “Sau khi có kết luận và được tổng duyệt, Honda Việt Nam sẽ cung cấp tới báo chí để người tiêu dùng cùng nắm rõ. Dự kiến trong 2-3 ngày tới có kết quả”, vị đại diện này cho biết.
Ngày 30/11, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Tiền Giang đã vào cuộc, tiến hành nhiều thí nghiệm và có kết luận về việc hàng loạt xe tay ga của Honda gặp sự cố bất thường khi đang lưu thông trên đường phố.
Trước đó, nhiều người đi xe tay ga có lắp chìa khóa thông minh (Smartkey), khi dừng tại đoạn đường Lý Thường Kiệt, TP Mỹ Tho, Tiền Giang, xe bỗng nhiên bị chết máy. Sau đó, người dân dắt xe tìm tiệm sửa để kiểm tra. Lạ thay, dắt bộ được khoảng 100m thì bất ngờ xe lại nổ máy.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Tiền Giang, chìa khóa của những xe này không điều khiển được do bị nhiễu sóng camera không dây của shop chuyên bán sỉ và lẻ quần áo trẻ em Elsa cách đó khoảng 50m.
Hiện sở này và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu chủ shop Elsa tạm thời tắt camera và thay camera mới để tránh gây nhiễu sóng cho các xe tay ga của người dân đi qua đoạn đường này.
Kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng, hệ thống điều khiển chìa khóa thông minh đang được trang bị trên nhiều dòng xe máy và ô tô hiện đại. “Loại chìa khóa này dùng sóng điện từ để kích hoạt. Nếu xe ở vị trí có thiết bị nào đó trang bị dải tần số tương tự hoặc gần bằng sẽ làm mất tín hiệu điều khiển chìa khóa thông minh của xe”, Kỹ sư Tạch cho hay.
Theo Kỹ sư Lê Văn Tạch, Honda Việt Nam cần kiểm tra kỹ và có giải pháp khắc phục nhược điểm này để đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện.
Smartkey có an toàn?
Smartkey mới được Honda áp dụng lên mẫu xe SH từ năm 2015. Sau đó, loại chìa khóa thông minh này bắt đầu được phổ biến trên những mẫu tay ga giá thấp hơn như PCX, SH mode, Lead và Air Blade.
Smartkey không cần sử dụng chìa cơ để vặn ổ khoá. Người dùng có một thiết bị điều khiển FOB, và chỉ đặt trong người là có thể khởi động được xe. Trộm xe không thể dùng thiết bị bẻ khóa chuyên dụng thông thường. Do đó, khả năng chống trộm được đánh giá cao hơn.
Theo các kỹ sư chuyên về điện tử viễn thông, những chiếc xe được Honda lắp smartkey nguyên bản từ nhà máy sẽ có kết nối giữa bộ khóa với ECU. Muốn thay khóa phải thay ECU của xe. Những trường hợp mất cắp xe có thể bởi không khóa cổ và bị dắt đi, hoặc không vặn núm về OFF trước khi rời xe.
Với một số thông tin về việc dò sóng smartkey trong phạm vi gần để sao chép chìa, các chuyên gia cho rằng những thiết bị như vậy cực kỳ đắt tiền. Việc kẻ gian tại Việt Nam sử dụng để đánh cắp xe là trường hợp rất khó xảy ra.
Thiết bị FOB luôn phát sóng và ổ khóa luôn nhận. Trong phạm vi cách chìa 2m, ổ khóa cho phép mở điện và sử dụng như bình thường. Một khi đã mở điện xe, không cần chìa khóa chiếc xe vẫn vận hành bình thường.
Trước khi rời xe, người dùng nhớ phải vặn núm ổ khóa sang vị trí OFF (tắt máy). Nếu cẩn thận hơn, có thể tắt bằng nút hình chìa khóa trên FOB. Khi đó, thiết bị này sẽ không phát sóng, và ngay cả khi để gần xe, ổ khóa cũng không thể bật.
Với mỗi thiết bị FOB có một thẻ ghi mã đi kèm. Người dùng phải luôn nhớ giữ thẻ này cẩn thận, đề phòng trong trường hợp mất chìa cần dùng mã này để mở xe khẩn cấp hoặc mang đến HEAD làm chìa mới. Hơn nữa, tránh để lộ mã chìa ra ngoài để tránh bị kẻ gian lợi dùng sao chép.
Hiện nay, Honda đang trang bị 2 loại smartkey. Loại 3 nút cho SH, SH mode và PCX, trong khi loại 2 nút cho Lead và Air Blade. Nguyên lý hoạt động tương tự nhau nhưng thao tác có một chút khác biệt. Loại chìa 3 nút có thêm tính năng báo động khi có tác động ngoại lực vào xe.
Anh Hiệp, một chuyên gia về ô tô – xe máy cho biết, xe máy thông minh có rất nhiều bộ phận liên quan đến sóng, có thể bị các sóng lạ làm nhiễu. Do đó, cần phải đo đếm, kiểm tra cụ thể mới biết chính xác có phải bộ phận smartkey hay mạch điều khiển của xe bị nhiễu sóng. Khi sóng của chìa khóa thông minh xe máy bị trùng bước sóng, cùng dải tần số hoặc tương tự với một số thiết bị khác xung quanh có thể khiến chiếc chìa khóa xe máy không thể điều khiển được. “Mỗi chìa khóa thông minh của xe máy và ô tô có một dải tần số, mã số khác nhau. Loại chìa này có độ bảo mật rất cao. Do đó, khi bị nhiễu một mã khác hay dải tần khác tương tự thì người dùng điều khiển không thể đề nổ máy để di chuyển”, anh Hiệp phân tích. Theo anh Hiệp, sự việc vừa qua cho thấy công tác quản lý băng tần của Việt Nam chưa đảm bảo. Về nguyên tắc, các băng tần mới đều phải đăng ký với Cục Tần số. Ở đây, anh Hiệp cho rằng băng tần chìa khóa thông minh của Honda có thể đã được đăng ký, trong khi chiếc camera của cửa hàng kia chưa đăng ký nên sau khi nhà chức trách kiểm tra đã yêu cầu ngắt sóng camera. Dẫu vậy, theo anh Hiệp, Honda Việt Nam cũng cần khẩn trương kiểm tra kỹ để tránh xảy ra các trường hợp tương tự, đảm bảo an toàn cho người lưu thông trên đường.
Chinhphu.vn