'Xẻ thịt' đất rừng phòng hộ Hoàng Liên Sơn xây 50 biệt thự 'khủng'?
Trước thông tin UBND tỉnh Lai Châu cho phép xây dựng hàng chục biệt thự nghỉ dưỡng trên đỉnh Ô Quy Hồ, thuộc đất rừng phòng hộ của đèo Hoàng Liên Sơn (Tam Đường, Lai Châu), phóng viên Tiền Phong đã đi tìm hiểu làm rõ thực hư câu chuyện này.
Có mặt tại đỉnh Ô Quy Hồ (còn gọi Cổng Trời) nằm ở độ cao hơn 2.000m, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp hùng vĩ của một trong Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc. Người dân ở đây rỉ tai nhau về một dự án quy mô chưa từng có, mang tầm đẳng cấp quốc tế, sẽ làm thay da đổi thịt một địa danh trước nay đang ngủ quên khi đi vào hoạt động.
Đứng tại đỉnh Ô Quy Hồ phóng xa tầm mắt mới thấy từng thùng xi măng, vật liệu đang được ròng rọc tời lên trên đỉnh núi đá cao hàng trăm mét. Nhìn từ dưới lên giống như những chấm nhỏ li ti đang chuyển động. Tiếng gõ cạch cạch vang vọng khắp núi, phải lấy ống kính cỡ lớn phóng cận cảnh mới nhìn rõ, một vài chiếc máy cẩu đang san bằng bề mặt núi đá.
Những cụm từ quảng cáo “bạn sẽ được thử cảm giác nhảy từ Cổng Trời xuống hạ giới”, “tắm tiên trên Cổng Trời”, “biệt thự trên Cổng trời”, “ngủ trên nóc nhà Hoàng Liên”… đang cuốn hút sự tò mò của không biết bao nhiêu du khách.
Phối cảnh dự án đang được quảng cáo
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao trên đỉnh núi lại xuất hiện biệt thự nghỉ dưỡng và những công trình hoành tráng đến như vậy?
Theo đó, vào ngày 31/3/2017, UBND tỉnh Lai Châu có quyết định 291/QĐ – UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Du lịch Thác Trắng đèo Hoàng Liên Sơn do Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn làm chủ đầu tư. Mục tiêu sẽ xây dựng khu du lịch, vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn, kết hợp phát triển du lịch và các dịch vụ thương mại, tạo khu vui chơi du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với thể thao, giải trí lành mạnh cho du khách.
Dự án bao gồm các hạng mục: Hệ thống thang máy lồng kính trong suốt, cầu kính, hồ điều hòa, bể bơi vô cực, nhà bungalow, biệt thự nghỉ dưỡng….và nhiều trò chơi mạo hiểm như nhảy bungee, cáp trượt… từ độ cao 1000m so với độ cao của khe núi. Tổng diện tích dự án là 8ha với mức đầu tư khoảng 165 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến thu hút khoảng 5000-50.000 du khách mỗi năm.
Từng thùng xi măng, vật liệu đang được ròng rọc vận chuyển lên núi đá độ cao hàng trăm mét
Đây cũng là dự án được UBND tỉnh Lai Châu kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng du lịch cho tỉnh này, tiến tới hình thành tour du lịch khép kín theo tuyến vòng cung Sapa – Lai Châu – Điện Biên.
Theo tiến độ, dự án được khởi công tháng 10/2017, hoàn thiện và đưa vào khai thác vào tháng 9/2019. Sau thời điểm phê duyệt 6 tháng, đến tháng 9/2017, UBND tỉnh Lai Châu ra quyết định 1136/QĐ-UBND điều chỉnh một số hạng mục trong đó có nội dung chuyển tên gọi từ 50 biệt thự nghỉ dưỡng thành 50 nhà nghỉ với diện tích 4000m2 và bổ sung hạng mục nhà hàng 3 tầng.
Đến tháng 2/2018, UBND tỉnh Lai Châu ra quyết về việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất với tổng diện tích 80.000m2 đất tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường.
Theo đó, trong số đất thu hồi, hơn 79.000m2 là đất rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường quản lý. Gần 800m2 là đất sông suối do UBND xã Sơn Bình quản lý. UBND tỉnh Lai Châu cho phép chuyển đổi gần 63.000m2 đất rừng phòng hộ và 800m2 đất sông suối sang đất thương mại dịch vụ. Chuyển đổi khoảng 16.500m2 đất rừng phòng hộ sang đất giao thông.
Dự án chủ yếu xây dựng trên núi đá trơ trọi
Tuy nhiên, trước đó, trong quá trình khảo sát dự án, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn được xác định đã xâm phạm rừng phòng hộ với số diện tích cây bị ảnh hưởng khoảng 2.200 m2. Lỗi tự ý chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép làm thiệt hại 8.700m2.
UBND huyện Tam Đường và Hạt Kiểm lâm Tam Đường đã ra quyết định xử phạt hành chính tổng cộng hơn 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Biển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lai Châu cho biết, nguyên nhân xảy ra vấn đề này là do khi cấp phép, UBND tỉnh chỉ mới cấp phần xây dự án, mà chưa tính phần đường lên. Do đó, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư có làm đường lên lấn vào đất có cây gỗ rải rác của rừng phòng hộ. Tuy nhiên, chủ yếu là cây tống quá sủ trắng, chỉ để phủ xanh đồi núi trọc chứ không có giá trị kinh tế.
Theo ông Biển, khu vực Cty Hoàng Liên Sơn xây dựng dự án là đất trống lâu năm, chỉ có núi đá trơ trọi. Phần diện tích dự án nằm trong giới hạn được pháp luật cho phép chuyển đổi. Do đó, Chi cục Kiểm lâm Lai Châu cũng đã yêu cầu chủ đầu tư lập phương án trồng lại diện tích trên theo quy định.
Ông Hà Trọng Hải, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lai Châu cũng xác nhận vấn đề trên và cho biết đây là dự án được xây dựng trên phần lớn núi đá, nên chủ đầu tư phải trải qua quá trình thăm dò, lập phương án. Khi thực hiện có vi phạm một số lỗi, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý. Nhưng trong các hạng mục của dự án, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu chủ đầu tư trồng cây xanh với tổng diện tích 3,4ha, việc làm này giúp bảo đảm về cảnh quan và hệ sinh thái.
Đoạn đường lên đỉnh núi của dự án
Khi phê duyệt một dự án, UBND tỉnh có cân nhắc đến các yếu tố được, mất. Tỉnh đã xem xét kỹ báo cáo đánh giá tác động môi trường, các yếu tố địa chất, an toàn giao thông .Từ những căn cứ trên, UBND tỉnh nhận thấy dự án này mang lại được nhiều lợi ích về kinh tế và du lịch.
Còn về việc xây biệt thự nghỉ dưỡng, ông Hà cho hay, lúc đầu phía chủ đầu tư có xin xây biệt thự nghỉ dưỡng nhưng sau đó, để tránh gây hiểu nhầm trong dư luận, UBND tỉnh đã điều chỉnh lại tên gọi.
“Thực chất đây cũng chỉ là nơi lưu trú cho du khách, tham quan trong khu du lịch, chứ không mang tính chất phân lô, bán nền. Để tránh gây hiểu nhầm, UBND tỉnh đã nghiên cứu lại không đồng ý cho xây biệt thự nghỉ dưỡng mà điều chỉnh chỉ cho xây nhà nghỉ”, ông Hải nói.
Tiền phong