'Xe vua' lộng hành: Cơ quan chức năng Hà Nội bất lực?
Tình trạng “xe dù bến cóc”, “xe vua” hoạt động bát nháo ở Hà Nội nhưng việc xử lý sai phạm của các đơn vị chức năng TP. Hà Nội vẫn chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa”. Thậm chí, những đợt ra quân rốt ráo của sau khi báo chí phản ánh cũng chỉ “đánh trống bỏ dùi”, dư luận đặt ra nghi vấn bảo kê của chính các đơn vị chức năng Hà Nội.
- 05-07-2018Clip 'xe vua' lộng hành tuyến Hà Nội – Sapa
- 19-04-2018Lộ nhiều uẩn khúc trong vụ án đường dây buôn logo "xe vua"
- 19-04-2018Đường dây buôn logo "xe vua" ở Sài Gòn: CSGT bị tố nhận hối lộ số tiền khủng
- 19-04-2018Những thế lực bí ẩn trong đường dây bảo kê logo "xe vua" ở Sài Gòn
Xử phạt kiểu ‘đánh trống bỏ dùi’
Dù UBND Hà Nội, Tổng cục đường bộ, Sở GTVT Hà Nội, Công an TP. Hà Nội rốt ráo vào cuộc xác minh thông tin phản ánh trên báo Tiền phong về tình trạng "những chiếc xe vua" hoạt động đón trả khách và hàng hóa bát nháo tại các văn phòng bán vé, các tuyến phố cổ, khách sạn trung tâm Thủ đô. Đồng thời, cam kết xử lý nghiêm tình trạng báo Tiền phong phản ánh.
Nhưng thực tế, việc xử phát chỉ là “đánh trống bỏ dùi”. Số liệu của Thanh tra giao thông TP. Hà Nội về việc xử phạt các nhà “xe vua” mà báo Tiền phong phản ánh qua 6 tháng đầu năm (từ 1/1/2018 – 12/7/2018):
Nhà xe vua Hà Sơn – Hải Vân, hệ thống văn phòng được phân bố rộng khắp Hà Nội gồm: nhà N2A, đường Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm; nhà 677, đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, Hoàng Mai; 70 Ngô Gia Khảm, Phường Ngọc Lâm, Long Biên; 78, Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm; Km0+300, Quốc lộ 2 Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn.
Tại nhiều văn phòng, xe giường nằm 40 chỗ của hãng xe đón khách ngay tại văn phòng. Ngoài ra, nhà xe xử dụng lòng đường Võ Văn Kiệt (chỗ tập kết đối diện tòa nhà Thăng Long A1, thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội - PV) làm chỗ đưa đón khách thường xuyên.
Với 40 chuyến xe chạy ngày thường, 50 chuyến xe vào cuối tuần. Việc nhà xe này ngang nhiên lập điểm bắt khách trái phép trong thời gian dài, ảnh hưởng đến việc phân luồng, tuyến, gây ách tắc giao thông khu vực nội đô Hà Nội.
Nhưng trong 6 tháng đầu năm ra quân, lực lượng TTGT Hà Nội chỉ xử phạt: 1 lỗi dừng xe không sát mép ở đường Võ Văn Kiệt: 350.000 nghìn đồng. 2 lần dừng trả khách không đúng quy định ở đường Giải Phóng và Phạm Hùng với mức phạt 3.000.000 đồng. 2 lần dừng đỗ xe sai quy định với mức phạt 1.400.000 đồng. Tổng các mức xử phạt các lỗi khác ở bến xe, việc không đóng cửa xe khi đang chạy, không có nhân viên phục vụ... là 10.800.000 đồng.
Tương tự, với nhà xe Sao Việt chạy tuyến cố định, liên tục hàng ngày Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Sapa, Sapa – Thanh Hoá, Hà Nội – Bảo Hà,… đóng lốt ở bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, nhưng hoạt động đón trả khách và hàng hoá lại diễn ra chính tại 2 văn phòng đặt tại 789 đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) và số 7 Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy). Tại 2 văn phòng này, nhà xe Sao Việt hàng ngày tổ chức đón, trả khách vào nhiều khung giờ trong ngày từ 5h30 sớm đến 23h với tần suất 30 phút – 60 phút/chuyến.
Nhưng 6 tháng qua, lực lượng TTGT Hà Nội chỉ xử phạt 5 lỗi đón khách không đúng quy định trên những tyến đường đã xác định nơi đón khách (tại số 7 Phạm Văn đồng) với số tiền 7.500.000 đồng; 1 lỗi đón khách tại nơi cấm đỗ 789 Giải phóng với số tiền 1.500.000 đồng.
Tổng tất cả các lỗi vi phạm khác ở bến xe,việc đóng mở cửa, nhân viên nhà xe với tổng số tiền là: 15.540.000 đồng.
Clip: Xe "vua" lộng hành tuyến Hà Nội - Sapa nhưng chỉ bị xử phạt kiểu "trấn an dư luận".
Dư luận đặt ra nghi vấn việc xử phạt các doanh nghiệp vận tải có nhiều “bến xe cóc” trá hình, với hàng trăm chiếc “xe vua” hoạt động bát nháo mỗi ngày như trên đã đủ sức răn đe? Hay việc xử phạt chỉ để trấn an dư luận…
Bất lực trước những ‘xe vua’ Phố cổ
Việc hoạt động bát nháo của hàng trăm nhà xe, với hàng vạn xe hợp đồng đội lốt xe hợp đồng, xe du lịch hoạt động công khai trên khu vực Phố cổ Hà Nội nhưng 6 tháng đầu năm, TTGT Thành phố chỉ xử phạt được 70 trường hợp.
Clip: Xe vua lộng hành phố cổ Hà Nội.
Trong đó, điển hình các nhà ‘xe vua’ được báo Tiền Phong điểm tên: Nhà xe Hưng Thành (162 B - Trần Quang Khải) cũng sử dụng văn phòng làm bến xe riêng. Việc mua bán vé, đưa đón khác ngay trước cửa văn phòng đón khách. Dù xe hợp đồng nhưng nhân viên vẫn thu tiền trực tiếp từ hành khách với giá 210.000 đồng/người. Trong 6 tháng, nhà xe chỉ bị xử phạt 3 lần với lỗi đón khách sai quy định với tổng số tiền là 2.100.000 đồng.
Đặc biệt, với nhiều nhà xe vua hoạt động lộng hành nhiều năm, nhưng TTGT TP. Hà Nội chỉ xử phạt khi báo Tiền Phong khi báo phản ánh như:
Nhà xe Sapa Express cũng ngang nhiên sử dụng văn phòng ngay tại phố cổ để làm “bến xe” riêng. Việc tổ chức bán vé, đón trả khách ngay tại văn phòng 12 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Việc nhà xe trực tiếp xếp ghế cho khách ngay tại trước cửa văn phòng, hoạt động nhộn nhịp, công khai. Có thời điểm, 2 – 3 xe của hãng Sapa Express đồng loạt đón, trả khách, cộng thêm hàng chục chiếc taxi các hãng luôn đậu cạnh văn phòng đưa đón khách khiến giao thông trên đường Lý Thái Tổ ách tắc nghiêm trọng. 6 tháng đầu năm, nhà xe chỉ mới bị TTGT xử phạt 1 lỗi đỗ xe sai quy định với số tiền 700 nghìn đồng.
Nhà xe Green Bus mỗi ngày nhà xe này có 3 chuyến cố định chạy Hà Nội - Sa Pa vào 7h, 13h30 và 22h. Việc đưa đón, bán vé khách của yếu diễn ra ở Khách sạn Boss Legend ở 21 Hàng Thùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhưng 6 tháng chỉ bị xử phạt 2 lần đỗ xe sai quy định khi báo phản ánh với số tiền 1,4 triệu đồng.
Ra quân xong “xe dù” vẫn bát nháo
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền phong, ngay sau khi xử phạt các doanh nghiệp vẫn tải vẫn phớt lờ cơ quan chức năng, hoạt động “xe dù, bến cóc” công khai ngày đêm. Trong khi lực lượng chức năng dường như bất lực.
Còn trên phố cổ, tối 16/7 xe gường nằm 40 chỗ của hãng xe GREEN BUS, BKS: 29B - 608.09 vẫn ngang nhiên xếp khách tại văn phòng là Khách sạn Boss Legend ở 21 Hàng Thùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khách ra vào tấp nập, hoạt động mua bán vé ở văn phòng diễn ra công khai. Chiếc xe dừng bắt khách ngay lòng đường 1 chiều, phố Hàng Chĩnh trong khi đó lực lượng chức năng gần như không có động thái kiểm tra, xử lý.
Tương tự với các nhà xe: Thiên Thảo Nguyên; Sapa Shuttle Bus; Limousine Luxury Van; Queen Cafe VIP; Hà Lan Limousine, X.E Việt Nam; Phúc Xuyên; Hưng Thành, Sapa Fansipan, Inter Bus Lines … mọi việc đưa đón vẫn diễn ra tại các văn phòng, bến cóc trá hình, công khai giữa ban ngày nhưng hoàn toàn vắng bóng lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh gia giao thông và chính quyền địa phương cũng không có động thái xử lý.
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt để dẹp loạn "Xe vua” “xe dù, bến cóc" mà các nhà xe vẫn ngang nhiên hoạt động và ngày càng công khai? Liệu có tình trạng bảo kê của cơ quan chức năng Hà Nội?
Clip: Chiêu trò trùm xe dù ‘Limousine’ qua mặt cơ quan chức năng Hà Nội
Những cán bộ thuộc lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông và chính quyền các cấp nhận lương bằng tiền thuế của nhân dân nhưng hoạt động thờ ơ, vô trách nhiệm, để “xe vua” hoành hành, công khai bất chấp chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội liệu người đứng đầu có phải chịu trách nhiệm?
Nội bộ không "sạch", khó làm
Đại tá Trần Quốc Trung, Phó cục trưởng Cục CSGT (C67 - Bộ Công an) đề nghị thành lập ngay một đoàn kiểm tra, trước mắt làm điểm ở Hà Nội. Ngay tại Hà Nội cũng cần khoanh vùng, chọn địa điểm để làm. Cục CSGT sẽ chỉ đạo các lực lượng xử lý, tuyệt đối không chấp nhận các trường hợp xin cho. "Phải quán triệt lực lượng đi làm riêng chuyên đề này. Khi vào làm không cấn cá bất kỳ vấn đề gì. Kinh nghiệm qua rất nhiều chiến dịch cho thấy, nếu nội bộ không "sạch", không thể làm được", Đại tá Trung nói rõ quan điểm tại buổi làm việc với Bộ GTVT, Uỷ ban ATGT quốc gia về xử lý xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình vừa qua.
Tiền Phong