MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xem xét thận trọng hiệu quả của nhiệt điện than

Song hành với sự phát triển của nhiệt điện than là sự phát thải lớn các chất nguy hại ra môi trường, đặc biệt là các chất thải rắn như tro xỉ...

Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn từ nay đến 2030, nhiệt điện than vẫn đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, nhiệt điện than đang gây nguy cơ ô nhiễm rất cao và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Tại buổi tọa đàm "Nhiệt điện than và vấn đề an ninh năng lượng, môi trường và sức khỏe con người" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) đưa ra một con số đáng báo động, theo tài liệu có uy tín được công bố vào tháng 1/2017 số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than sẽ tăng từ 4.300 ca năm 2011 lên đến 15.700 ca năm 2030.

Dẫn chứng cụ thể hơn, ông An cho biết, tại xã Hải Hà, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, cạnh nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn toàn bộ xã và 18 - 20 km xung quanh nằm trong cột khói cao 200 m, tình trạng sức khỏe, số người tử vong do ung thư phổi, gan, ung thư dạ dày của xã chiếm số lượng cao nhất trong tổng số những cái bệnh tật người chết hàng năm.

Tiếp đến là đột quỵ, các bệnh về phổi, số người dân mắc bệnh tâm thần những năm gần đây trong xã cũng tăng cao. Số ca tử vong của xã trong 5 năm liền từ 2013 - 2017, số người tử vong do ung thư hàng năm từ 8 - 15 ca, chiếm 30 - 40% trong tổng số tử vong chung. Nhưng đặc biệt bắt đầu từ năm 2014 tăng vọt, chiếm gần 45%, tức 15 người tử vong do ung thư phổi, gan, dạ dày trên 34 - 55 người tử vong của xã trong 1 năm.

Vậy vì sao Việt Nam vẫn gia tăng phát triển nhiệt điện than? PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, nguyên nhân là do giá thành thấp, vốn đầu tư huy động không quá cao, khả năng huy động công suất lớn, xây dựng nhà máy không quá phụ thuộc vào địa điểm như thủy điện và thời gian xây dựng không quá lâu, chỉ khoảng 3 năm.

Theo đó, điện than cho giá thành điện thấp, khoảng 7 cent/kWh, vốn đầu tư không cao khoảng 1.500 USD/ kWh, thấp hơn nhiều so với thuỷ điện, điện mặt trời, điện gió, hay điện hạt nhân. Ngoài ra, giá bán điện than ở Việt Nam rẻ do hưởng thụ nhiều yếu tố bao cấp. Giá than không theo giá thị trường là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tất nhiên, song hành với sự phát triển của nhiệt điện than là sự phát thải lớn các chất nguy hại ra môi trường, đặc biệt là các chất thải rắn như tro xỉ.

Theo ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đối với tro xỉ, theo tính sơ bộ, khi đốt 10 tấn than sẽ có 3,3 tấn xỉ và với tính toán tới năm 2030 chúng ta có 120-130 triệu tấn than sẽ có 50 triệu tấn xỉ, đây là một hệ quả phải tính toán.

Đưa ra nhiệt điện than gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ông Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cho biết, bụi ở trong khói và bụi trong xỉ than chứa rất nhiều bụi độc, đặc biệt là loại bụi siêu nhỏ mà ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng chỉ cần 10 hạt bụi loại siêu nhỏ, tức kích thước chỉ bằng 1/30 sợi tóc này có trong 1m3 không khí trong vòng 24h là ngưỡng, quá ngưỡng đó là nguy hiểm vì bụi này gây ra rất nhiều loại bệnh thông qua sự tiếp xúc, đặc biệt nó nhỏ quá nên sẽ chui qua cuống phổi, phế quản, tiểu phế quản vào phế nang gây ra rất nhiều bệnh như huyết áp, tim mạch, viêm phổi tắc nghẽn, hen, nhồi máu cơ tim, và kể cả bệnh về tâm thần thần kinh, giảm trí nhớ.

Và gần đây một báo cáo đưa ra là vấn đề thai chết lưu và quái thai ở trẻ em cũng do các loại bụi. Do vậy, làm thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng thì chúng ta phải đặt vấn đề an toàn sức khỏe con người lên đầu tiên.

Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, vấn đề an ninh năng lượng và phát triển kinh tế đất nước gắn kết chặt chẽ với nhau. Một nền kinh tế không phát triển được thì rất khó có thể bảo đảm an sinh xã hội. Đấy là mối quan hệ tương tác qua lại.

"An ninh năng lượng với sức khỏe của người dân có sự gắn bó mật thiết, vấn đề là chúng ta chọn phương án nào trong an ninh năng lượng để bảo đảm môi trường và sức khỏe cho nhân dân. Ở đây, chúng ta không thể hy sinh bất kỳ một vế nào", ông Mai nhấn mạnh.

Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt xác định, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm hơn 49% điện sản xuất. Năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất. Năm 2030 đạt khoảng hơn 55.000 MW, chiếm tỷ trọng hơn 53%.

Trong khi đó, theo số liệu từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310 MW. Dự kiến, đến năm 2030 sẽ tăng lên 65 nhà máy. Như vậy, nhu cầu về năng lượng than ở Việt Nam trong vòng 10 - 15 năm nữa vẫn sẽ tăng.

Vì vậy, để tránh rủi ro ô nhiễm gây tổn hại cho sức khỏe người dân, các chuyên gia đã nêu ra một loạt kiến nghị, trong đó kiến nghị được đưa ra hàng đầu là Chính phủ cần xem xét, đánh giá lại một cách cẩn trọng Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo nguyên tắc không đánh đổi môi trường và sức khỏe cộng đồng lấy dự án, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và tham vấn rộng rãi với các bên liên quan để huy động các sáng kiến, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững.

Đồng thời đề xuất Chính phủ dừng các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch chưa xây dựng để xem xét kỹ lưỡng hiệu quả lợi ích và tác động, tổn thất đối với toàn xã hội và nền kinh tế.

Theo Mạnh Đức

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên