MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xét tuyển đại học 2023: Coi chừng mất cơ hội trúng tuyển vì lơ mơ không nắm rõ quy định

28-07-2023 - 09:30 AM | Sống

Có phụ huynh cho biết con mình đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm 15 trường. Tuy nhiên, vẫn lo trượt trong bối cảnh có quá nhiều cơ hội vào đại học và phụ huynh chưa hiểu rõ các quy định để cùng con thực hiện đúng.

Từ 1 đến 100 nguyện vọng

Tính tới ngày 27/7, hệ thống xét tuyển đại học của Bộ GD-ĐT có hơn nửa triệu thí sinh đã đăng ký nguyện vọng, với tổng số khoảng 2,4 triệu nguyện vọng. Hệ thống này sẽ đóng vào 17g00 ngày 30/7.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD-ĐT) thì trong số những thí sinh đã đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT có hàng chục ngàn thí sinh chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng. Trong khi có những thí sinh đã đăng ký 100 nguyện vọng. Trong số những thí sinh đã đăng ký lên hệ thống, trung bình mỗi thí sinh có 4,6 nguyện vọng.

Theo dự đoán của Bộ GD-ĐT từ 27/7 đến hết thời hạn mới là thời điểm nhiều thí sinh đăng ký lên hệ thống. Mặc dù Bộ GD-ĐT khuyến cáo thí sinh không nên dồn về cuối mới đăng ký nhưng tâm lý trì hoãn thời gian để tính toán, hoặc tâm lý lo âu khiến nhiều thí sinh chờ tới gần phút cuối mới đăng ký.

Theo bà Thủy, với việc không khống chế số lượng nguyện vọng xét tuyển và hiện các trường được giao chủ động áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau tạo thuận lợi cho thí sinh so với trước. “Nếu thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ mặc dù đủ điều kiện trúng tuyển nhiều nguyện vọng khác thì trường hợp thí sinh không đỗ nguyện vọng duy nhất đó, cơ hội sẽ không còn. Giống như chuyện “bỏ trứng vào một giỏ”. Vì thế không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng nhưng cũng không nên đăng ký quá nhiều đến cả trăm nguyện vọng”, bà Thủy chia sẻ.

Việc xác định lĩnh vực phù hợp với sở trường, năng lực, điều kiện sống, khả năng tài chính… là các yếu tố được các chuyên gia tuyển sinh lưu ý với thí sinh để “khoanh vùng” nguyện vọng xét tuyển. Theo bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo - Trường ĐH Ngoại thương thì sau khi xác định lĩnh vực, thí sinh nên lập danh mục nguyện vọng theo 2-3 nhóm khác nhau. Trong đó có nhóm nguyện vọng thí sinh yêu thích và nhóm “vừa sức” (khả năng đỗ cao). Có thể mỗi nhóm nên có 2-3 lựa chọn.

Với quy định xét tuyển đại học năm nay, các trường chủ động có các phương thức xét tuyển và quy định riêng trong tuyển sinh mà thí sinh cần nắm thông tin để đáp ứng (nộp hồ sơ đúng hạn, đủ yêu cầu, minh chứng đi kèm). Những thí sinh đã trúng tuyển sớm, được các trường thông báo trúng tuyển nhưng vẫn phải đảm bảo đạt điểm tốt nghiệp THPT bằng với ngưỡng quy định của các trường tùy theo các tổ hợp. Các trường hợp xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cũng cần nắm thông tin về “điểm sàn” của các trường đã công bố. Nếu đủ điều kiện thì mới nên đăng ký xét tuyển bằng phương thức này.

Và “chốt” việc xét tuyển là thí sinh vẫn phải đăng ký chính các nguyện vọng (bao gồm cả nguyện vọng đã trúng tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT) lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Đây là khâu quan trọng, nếu thí sinh quên, sẽ không được xác nhận đỗ nguyện vọng nào, cho dù trước đó đã có thông báo trúng tuyển sớm của các trường.

“Nên để nguyện vọng 1 thế nào?”

Đây là câu hỏi của rất nhiều phụ huynh thí sinh trong các sự kiện tư vấn tuyển sinh gần đây.

“Trường con tôi đã có thông báo trúng tuyển sớm nói nên đặt nguyện vọng vào trường là nguyện vọng 1. Nhưng gia đình lại muốn con vào học ngành khác bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp nếu trúng tuyển. Vậy nếu tôi đặt ngành con tôi yêu thích là nguyện vọng 1 và trượt thì cháu có mất cơ hội trúng tuyển vào ngành đã xét tuyển sớm nếu tôi không để nó là nguyện vọng 1 như được khuyến cáo không?”, đây là một câu hỏi của một bà mẹ cho rằng “đại diện cho nhiều phụ huynh có chung băn khoăn”.

Xét tuyển đại học 2023: Coi chừng mất cơ hội trúng tuyển vì lơ mơ không nắm rõ quy định  - Ảnh 1.

Một phụ huynh đặt câu hỏi tại chương trình tư vấn lựa chọn xét tuyển năm 2023 mới đây

Cũng khá nhiều phụ huynh khác chưa hiểu “cùng tuyển vào một ngành, trường có ưu tiên xét tuyển nguyện vọng 1 xong mới xét nguyện vọng 2 không? Vì nếu có ưu tiên thì  cơ hội cho nguyện vọng 2 sẽ không cao. Trường hợp này thí sinh sẽ phải cân não để chọn ngành yêu thích hay ngành dễ đỗ, chắc đỗ là nguyện vọng 1.

Khẳng định nhiều lần trong một sự kiện tư vấn tuyển sinh, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng: Không có trường nào được bắt buộc thí sinh phải đặt nguyện vọng 1 với các trường hợp trúng tuyển bằng xét tuyển sớm. Khi đăng ký lên hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ cần nhớ một nguyên tắc: Ngành nào thích nhất đặt là nguyện vọng 1. Các ngành thí sinh mơ ước, thấy phù hợp được xếp lên trước. Hệ thống xét tuyển khi chạy lọc ảo sẽ chỉ cho phép thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất, nên nếu đủ điều kiện trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng ở đó không xét tiếp.

“Thứ tự ưu tiên nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh, còn các trường sẽ xét đồng thời các nguyện vọng bình đẳng như nhau theo nguyên tắc xét điểm từ trên xuống cho tới hết chỉ tiêu. Vì thế thí sinh không lo nguyện vọng mình chắc chắn đỗ xếp ở cuối thì bị lép vế. Vì nếu thí sinh không đỗ tất cả các nguyện vọng xếp trước đó thì chắc chắn thí sinh sẽ trúng tuyển với nguyện vọng xét tuyển sớm đã được trường thông báo”, bà Thủy tư vấn.

Nhớ nộp lệ phí, rà soát kỹ để tránh điền sai

Theo quy định của Bộ GD-ĐT từ 31/7 đến 17g00 ngày 6/8, thí sinh sẽ nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Thí sinh đăng ký bao nhiêu nguyện vọng sẽ phải nộp đủ lệ phí của bấy nhiêu nguyện vọng. Nếu không hoàn tất việc này, các nguyện vọng đã đăng ký của thí sinh sẽ không được chấp nhận.

Từ thực tế đã đăng ký nguyện vọng của thí sinh, cũng có nhiều vấn đề khác có thể khiến thí sinh bị mất cơ hội trúng tuyển vào trường mình mong muốn, thậm chí rớt oan chỉ vì lỗi kỹ thuật.

Theo ông Lê Trung Đạo - Phó hiệu trưởng Trường đại học Tài chính – Marketing (TPHCM) cho biết, có nhiều thí sinh nhầm giữa mã trường và tên viết tắt của trường.

Mã trường dùng để tuyển sinh là dãy ký tự khác và tên viết tắt ít phổ biến, không phải tên viết tắt của trường dùng để truyền thông đã được phổ biến trước đó. Các chuyên gia khuyến cáo nếu thí sinh không nắm và điền chính xác, tên trường sẽ không hiện lên khi gõ mã. Nhưng cũng có thể có trường hợp định đăng ký trường này nhưng do gõ mã sai mà hệ thống lại đưa ra những gợi ý khác và tiếp tục không xem xét cẩn thận, thí sinh có thể tích nhầm vào trường mình không định xét tuyển.

Bà Vũ Thị Hiền thì cho biết mặc dù cuối cùng thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT nhưng thí sinh vẫn cần theo dõi thường xuyên để thực hiện các yêu cầu riêng của các trường theo đề án tuyển sinh của mỗi trường. Ví dụ như thí sinh đăng ký xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ phải đăng ký lên cổng xét tuyển của trường trước (nếu đạt ngưỡng điểm quy định) sau đó mới đăng ký lên cổng Bộ GD-ĐT.

Bà Thủy cũng lưu ý thí sinh khi xét tuyển với các dữ liệu khác với dữ liệu điểm thi tốt nghiệp (đã được cập nhật sẵn trên hệ thống của Bộ) thì thí sinh cần tích cả vào ô dữ liệu điểm thi tốt nghiệp và ô “dữ liệu khác”. Căn cứ vào đó hệ thống sẽ xử lý để xác định các điều kiện trúng tuyển cho thí sinh.

Theo quy định của Bộ GD-DT, trước thời hạn 17g00 ngày 30/7, thí sinh đã đăng ký xét tuyển lên hệ thống của Bộ vẫn có thể chỉnh sửa (thay đổi thứ tự ưu tiên các nguyện vọng, bổ sung thêm nguyện vọng). Nhưng sau thời hạn trên, khi hệ thống đã đóng, thí sinh không còn quyền được sửa chữa, bổ sung nữa.

Theo Hà Lê

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên