Xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,...
Chiều 29/5, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai sẽ tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng cùng 15 bị cáo.
- 28-05-2024Bộ Chính trị chuẩn y Trưởng Ban Nội chính giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy
- 23-05-2024Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai bị đề nghị mức án đến 6 năm tù
- 20-05-2024Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh hầu tòa
Theo kế hoạch, chiều 29/5, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai sẽ tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai) cùng 16 bị cáo khác trong vụ án khai thác quặng trái phép xảy ra ở địa phương này.
Trước đó, chiều 24/5, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cùng các bị cáo trong vụ án Công ty Lilama, Công ty Apatit Việt Nam khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng đã khép lại phần tranh tụng. Các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án.
Trước tòa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng nói: “Tôi năm nay đã gần 70 tuổi, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt là 73.
Sau hơn 1 năm trong quá trình điều tra, tôi phát sinh bệnh tật nhiều. Tôi chỉ mong muốn duy nhất lúc này là sớm được đoàn tụ với gia đình”.
Trước đó, tự bào chữa, bị cáo Hưởng cho biết giai đoạn còn làm lãnh đạo tỉnh, khối lượng công việc tại địa phương rất nhiều; và ngay sau ký văn bản liên quan hoạt động thu gom khoáng sản, đã ký một văn bản khác để ngăn chặn những hành vi tiêu cực có thể phát sinh sau đó.
Tuy nhiên, bị cáo Hưởng phân trần, những văn bản ngăn chặn sau đó đã chưa được nghiêm túc thực hiện, dẫn đến những hậu quả như hôm nay.
Bị cáo Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai) thì đề nghị HĐXX xem xét việc, bản chất là toàn bộ số khoáng sản được khai thác trái phép không bị tuồn ra ngoài, được chế biến và cung cấp hàng triệu tấn phân bón, phục vụ địa phương và các vùng lân cận.
Ngoài ra, đơn vị chế biến, sản xuất đã nộp số tiền lớn vào ngân sách từ việc mua bán số khoáng sản nói trên. Bị cáo Vịnh cũng mong HĐXX xem xét đến một phần đóng góp của bản thân vào sự phát triển của tỉnh Lào Cai những năm gần đây.
Trong lời nói sau cùng, các bị cáo khác đều ăn năn, hối cải, mong muốn được giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo.
Đối với các bị cáo ở tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Viện Kiểm sát nhận thấy hành vi của các bị cáo là xâm phạm đến uy tín của nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm tính đúng đắn trong công tác quản lý nhà nước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi phạm tội này có tính chất đồng phạm, các bị cáo không có sự bàn bạc thống nhất khi thực hiện hành vi phạm tội và đều là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.
Vì vậy, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với cương vị công tác, chức trách nhiệm vụ được Đảng và nhà nước giao.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước, bị cáo Nguyễn Văn Vịnh chịu trách nhiệm chính, các bị cáo Doãn Văn Hưởng, Nguyễn Thanh Dương… là người thực hành.
Đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa từ 7-8 năm 6 tháng tù
Về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, Viện Kiểm sát xác định Nguyễn Mạnh Thừa là người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit các loại ở khu vực 5.99ha thuộc Khai trường 18, trị giá hơn 610 tỷ đồng. Vì vậy, Thừa là người phải chịu trách nhiệm chính về tội danh này…
Với phân tích nêu trên, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama mức án từ 3 năm - 3 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và mức án từ 4 - 5 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội danh, bị cáo Thừa bị đề nghị xử phạt mức án từ 7 - 8 năm 6 tháng tù.
Với các bị cáo phạm tội: “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” gồm:
- Nguyễn Quang Huy bị đề nghị xử phạt mức án từ 3 năm - 3 năm 6 tháng tù;
- Phạm Cao Khiêm bị đề nghị mức án từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù;
- Nguyễn Ngọc Bích bị đề nghị mức án 2 năm 6 tháng - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo;
- Lương Văn Na bị đề nghị mức án từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù;
- Cao Văn Tham bị đề nghị xử phạt mức án từ 2 năm - 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo;
- Nguyễn Văn Bình 2 năm 6 tháng - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo;
- Nguyễn Văn Chung bị đề nghị xử phạt mức án từ 2 năm 6 tháng - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Với các bị cáo phạm tội: “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ” gồm:
- Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù;
- Doãn Văn Hưởng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh bị đề nghị mức án từ 4 - 5 năm tù;
- Nguyễn Thanh Dương, cựu Phó Chủ tịch tỉnh bị đề nghị mức án từ 2 năm đến 3 năm tù;
- Lê Ngọc Hưng, cựu Phó Chủ tịch tỉnh bị đề nghị mức án từ 3 năm đến 4 năm tù;
- Mai Đình Định bị đề nghị mức án từ 3 đến 4 năm tù;
- Phan Văn Cương bị đề nghị mức án từ 2 đến 3 năm tù;
- Ngô Đức Hoàng 2 năm đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo;
- Lê Ngọc Dương 2 đến 3 năm tù;
- Vũ Đình Thuỷ bị đề nghị mức án từ 2 năm - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Truy tố một loạt cựu lãnh đạo tỉnh Lào Cai
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai) bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cùng tội danh trên, Viện Kiểm sát truy tố hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Lào Cai gồm: Doãn Văn Hưởng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Nguyễn Thanh Dương và Lê Ngọc Hưng (đều là cựu Phó Chủ tịch tỉnh).
Bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lilama bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Rửa tiền” theo khoản 3 Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Các bị cáo Nguyễn Quang Huy, Phạm Cao Khiêm, Nguyễn Ngọc Bích, Lương Văn Na, Cao Văn Tham, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Chung bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015
Hội đồng xét xử trong vụ án gồm 3 thành viên, do Thẩm phán Bùi Văn Khanh làm Chủ tọa phiên tòa.
Truy tố 17 bị can khai thác quặng Apatit trái phép
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai đã ra cáo trạng truy tố 17 bị can trong vụ án khai thác quặng Apatit trái phép về các tội “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong số này có 9 bị can là cựu lãnh đạo tỉnh Lào Cai bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; Doãn Văn Hưởng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai;....
7 bị can bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên là các bị can ở Công ty Apatit trong đó có Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty.
Riêng bị can Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama, bị truy tố 2 tội “Rửa tiền” và “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên".
Chính quyền tỉnh Lào Cai ban hành hàng loạt văn bản giúp doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép
Theo cáo trạng, năm 2009, Công ty Lilama được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai trên phần diện tích đất rộng 3,77ha.
Quá trình san gạt, do phát hiện quặng apatit nên các sở, ban, ngành Lào Cai vào cuộc khảo sát thực địa.
Xác định một phần diện tích của dự án nằm chồng lên trên 22.000 mét vuông của Khai trường số 18 thuộc quy hoạch quặng apatit, đã được bộ Công thương phê duyệt.
Theo đó, việc khai thác quặng apatit tại khu vực này phải có giấy phép khai thác và thẩm quyền cấp phép khai thác thuộc Chính phủ.
Vì vậy, UBND tỉnh Lào Cai quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với Công ty Lilama, giao diện tích đất 3,77ha cho Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (Công ty Apatit) quản lý, sử dụng.
Ngày 26/3/2012, Công ty có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai về việc xin khai thác quặng apatit trên diện tích này. Công ty Apatit đưa lí do, quá trình san gạt mặt bằng đã lộ ra thân quặng apatit và có hiện tượng khai thác trộm.
Ngoài ra, thân quặng nằm chênh vênh, đến mùa mưa lũ có nguy cơ bị sạt lở, trôi lấp làm thất thoát. Theo đó, Công ty Apatit đề nghị UBND tỉnh Lào Cai cho phép khai thác tận thu quặng apatit có nguy cơ thất thoát, trôi lấp.
UBND tỉnh Lào Cai đã ra Văn bản số 839 đồng ý giao Công ty Apatit tổ chức bảo vệ quặng apatit trong phạm vi 3,77 ha; giao cho doanh nghiệp tiến hành cải tạo mặt bằng khu mỏ để xử lý nguy cơ sạt lở đất đá, đưa mỏ về trạng thái an toàn trong thời hạn 2 tháng.
Trong thời gian này, nếu phát hiện khoáng sản thì cho phép Công ty Apatit được thu hồi, vận chuyển, quản lý và sử dụng đúng quy định.
Chỉ 1 ngày sau quyết định của UBND tỉnh Lào Cai, bị can Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lalima đã có văn bản gửi Công ty Apatit đề nghị được tham gia san tạo lại các điểm dễ bị sạt lở xuống các hộ dân trong mùa mưa lũ.
Quyết định này sau đó đã được ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Apatit đồng ý.
Ngay sau đó, bị can Nguyễn Mạnh Thừa tiếp tục ký ban hành phương án số 13 san tạo khu vực 3,77 ha, tận thu triệt để quặng apatit nếu phát hiện trong quá trình san gạt.
Cũng theo cáo trạng, trong quá trình cùng Công ty Apatit tận thu quặng, ngày 30/5/2012, bị can Nguyễn Mạnh Thừa đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Lào Cai giao lại diện tích 3,77 ha và cấp lại giấy chứng nhận đầu tư khách sạn, nhà hàng tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai.
Chỉ hơn 2 tháng nhận đề nghị từ phía doanh nghiệp, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Văn bản số 2160 đồng ý về chủ trương dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng, và yêu cầu Công ty Apatit bàn giao diện tích 3,77 ha thuộc khai trường 18 cho Công ty Lilama.
Quá trình triển khai dự án nếu còn khoáng sản, Công ty Lilama được tận thu và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật.
Sau khi đưa máy móc vào san gạt mặt bằng, Công ty Lilama tiếp tục phát hiện dấu hiệu khoáng sản và đã có đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các Sở, Ngành lấy mẫu phân tích, nếu đúng là khoáng sản thì cho phép được thu gom, vận chuyển và giao cho Công ty Apatit quản lý và sử dụng, tránh lãng phí tài nguyên.
Ngày 20/5/2013, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục ra Văn bản số 1717 yêu cầu Công ty Lilama thường xuyên báo cáo, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả phân tích có quặng, kể cả quặng nghèo, giao cho Công ty Lilama thu gom, thỏa thuận và thống nhất với Công ty Apatit để tập kết, quản lý và sử dụng theo quy định.
Rõ ràng, dưới lớp vỏ bọc của dự án nhà nghỉ, khách sạn là âm mưu được ẩn giấu. Mục đích hướng tới của các bị can trong vụ án này là trữ lượng lớn của mỏ quặng apatit, là nguồn lợi nhuận khổng lồ khi chỉ việc móc quặng đi bán.
Hành vi của các bị can đã làm mất nguồn dự trữ tài nguyên khoáng sản của quốc gia, gây thiệt hại tài sản của nhà nước…
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, để sai phạm của Công ty Lilama, Công ty Apatit diễn ra trong thời gian dài, chính quyền tỉnh Lào Cai đã ban hành hàng loạt văn bản giúp Công ty Lilama ngang nhiên khai thác khoáng sản dưới "vỏ bọc" dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn.
Biết doanh nghiệp sai phạm nhưng lãnh đạo tỉnh và các sở ngành vẫn tạo điều kiện
Điều đáng nói là, mặc dù biết sai phạm của doanh nghiệp nhưng lãnh đạo các Sở, Ban ngành và lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai vẫn tạo điều kiện, ủng hộ?
Cụ thể, khi Công ty Apatit có văn bản xin khai thác tận thu quặng apatit tại diện tích 3,77ha nhận bàn giao từ Công ty Lilama, ông Doãn Văn Hưởng, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và Công ty Apatit, trong đó có nội dung, ủng hộ Công ty Apatit thực hiện khai thác tận thu quặng apatit tại khu vực 3,77ha.
Khi Công ty Lilama tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai xin giao lại diện tích đất 3,77ha và xin cấp lại giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà hàng, khách sạn, ông Hưởng đã thống nhất đồng ý chủ trương, sau đó ký các Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 3,77ha để thực hiện dự án, phê duyệt cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, kèm theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bản thân ông Hưởng biết việc cho phép Công ty Lilama thu gom quặng apatit trong quá trình thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng là sai nhưng vẫn ký văn bản để cho doanh nghiệp này khai thác.
Đặc biệt, khi các Sở, Ngành tham mưu, soạn thảo, trình các văn bản không đúng quy định pháp luật, bị can Hưởng đã không ngăn chặn, không chỉ đạo các Sở, Ngành có biện pháp quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
Nguyễn Quang Huy là Tổng giám đốc Công ty Apatit biết rõ Công ty Lilama không có giấy phép khai thác quặng nhưng vẫn tổ chức tiêu thụ hơn 1,23 triệu tấn quặng apatit.
Hiện Công ty Apatit đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính hơn 184 tỷ đồng.
Tại thời điểm xảy ra vụ án, Công ty TNHH Phốt pho Vàng Việt Nam và Công ty CP Hóa chất Đức Giang Lào Cai không biết việc bị can Nguyễn Mạnh Thừa khai thác quặng trái phép, không biết nguồn gốc quặng apatit là do phạm tội mà có nên không đề cập xử lý.
Thậm chí, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường còn ký văn bản tham mưu để ông Hưởng ký Văn bản số 1717 về việc thực hiện các biện pháp quản lý khoáng sản trong khu vực thi công dự án nhà hàng, khách sạn.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy nhiều lần ký văn bản, bút phê tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác trái phép tài nguyên
Trong vụ án, ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, thời điểm đó đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách lĩnh vực đầu tư, kinh tế, ông Vịnh nhiều lần ký các văn bản và có ý kiến bút phê, chỉ đạo vào các tài liệu, tạo điều kiện cho Công ty Lilama và Công ty Apatit được khai thác trái phép tài nguyên.
Cụ thể, ông Vịnh ký các Văn bản số 1744; số 839; số 2160; số 3805; Giấy chứng nhận đầu tư số 12121000358 và có ý kiến bút phê, chỉ đạo vào các tài liệu khác có liên quan để Công ty Lilama và Công ty Apatit lợi dụng khai thác và tiêu thụ trái phép khoáng sản.
Nguyễn Văn Hoàng, chuyên viên văn phòng, trực tiếp tham mưu, soạn thảo cho bị can nguyên là lãnh đạo tỉnh Lào Cai, Hoàng khai nhận việc soạn thảo các văn bản trên là tổng hợp nội dung theo đề xuất của các Sở, Ngành.
Bản thân “biết là trái quy định của pháp luật nhưng sợ không thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên sẽ ảnh hưởng đến vị trí công tác nên đã không có ý kiến, kiến nghị cấp có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm.
Còn bị can Vũ Đình Thủy với cương vị là Trưởng phòng Quản lý khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, là người có trình độ chuyên môn, được phân công trực tiếp phụ trách công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bị can Thủy biết rõ về diện tích 3,77 ha, biết Công ty Lilama không có giấy phép khai thác, tận thu quặng apatit.
Bị can Thủy biết số quặng được Lilama đề nghị tiêu thụ là trái phép, biết chỉ đạo của lãnh đạo là sai, nhưng vì động cơ cá nhân nên Thủy không kiểm tra hồ sơ thủ tục pháp lý của Công ty Lilama.
Doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng
Theo Viện Kiểm sát, từ năm 2012 - 2015, Công ty Lilama đã khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng apatit các loại, trị giá hơn 610 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Xây dựng Lilama thu lợi bất chính hơn 177 tỷ đồng, Công ty Apatit thu lợi bất chính hơn 184 tỷ đồng.
Để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền hơn 177 tỷ đồng, ông Thừa đã chỉ đạo thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của công ty vào tài khoản của 12 cá nhân mà Công ty Lilama thuê vận chuyển quặng và đất đá nhiều lần với tổng số tiền hơn 182 tỷ đồng.
Trong đó hơn 5,6 tỷ đồng là số tiền cước vận chuyển quặng, đất đá thực tế 12 cá nhân này được nhận, số tiền còn lại hơn 177 tỷ đồng là tiền nâng khống về giá cước vận chuyển.
Sau khi 12 cá nhân nhận được tiền vào tài khoản đã cùng kế toán của Công ty Lilama rút tiền mặt về đưa cho ông Thừa hoặc nộp vào tài khoản cá nhân của bị can.
Đối với số tiền hơn 177 tỷ đồng, ông Thừa khai đã dùng chi tiêu cá nhân. Đáng chú ý, ông Thừa khai đã dùng 5 tỷ đồng để biếu cựu Bí thư Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh vào dịp Tết năm 2015.
Chinhphu.vn