Xét xử Giám đốc tổ chức vay khống gần 53 tỷ đồng của ngân hàng
Do làm ăn thua lỗ nên Thạch Tuấn Anh (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Vĩnh Xuân) móc ngoặc với nhiều giám đốc doanh nghiệp khác tạo lập hồ sơ vay vốn khống, để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của ngân hàng.
- 24-02-2020Sai phạm của ông Trần Phương Bình cho 4 công ty vay cùng thế chấp “khống” dự án Sài Gòn - Ba Son
- 23-12-2015Cho vay bằng hồ sơ khống, Agribank thiệt hại 4.000 tỉ
Thạch Tuấn Anh (SN 1972, trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) là cựu Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Vĩnh Xuân (viết tắt là Công ty Vĩnh Xuân).
Quá trình điều hành công ty, do làm ăn thua lỗ nên Tuấn Anh móc ngoặc với nhiều giám đốc doanh nghiệp khác tạo lập hồ sơ vay vốn khống, để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của ngân hàng. TAND TP Hà Nội vừa kết thúc phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này.
Đồng phạm của Tuấn Anh là Bành Đức Thắng (SN 1982, trú tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội), kế toán Công ty Vĩnh Xuân. Nguyễn Mạnh Hải (SN 1978, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên), cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ 14/7) và Lê Anh Quang (SN 1977, trú tại phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) cựu Giám đốc Công ty TNHH Xúc tiến đầu tư thương mại A&A.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, quá trình kinh doanh thép, từ năm 2008 đến 2012, Tuấn Anh và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex Chi nhánh Thăng Long (viết tắt là PGBank Thăng Long) ký 5 hợp đồng cấp tín dụng hạn mức ngắn hạn, trong đó có hai hợp đồng ký vào năm 2011 và năm 2012.
Cũng trong thời gian này, Công ty Vĩnh Xuân lâm vào tình trạng thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhằm có tiền trả nợ và duy trì hoạt động, Tuấn Anh gặp ông Lương Duy Huỳnh (Giám đốc PGBank Thăng Long) đề nghị tiếp tục cấp hạn mức cho Công ty Vĩnh Xuân và được ông Huỳnh đồng ý.
Trên cơ sở ủy quyền của Tổng Giám đốc PGBank, trong các ngày 18/7/2011 và 21/8/2012, ông Huỳnh đã ký hai hợp đồng cấp vốn ngắn hạn cho Công ty Vĩnh Xuân. Để được giải ngân theo các hợp đồng cấp vốn đã ký kết, Tuấn Anh nhờ một số đối tượng thân quen ký các hợp đồng mua bán hàng hóa và xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống đối với Công ty Vĩnh Xuân; ký hợp đồng thuê bảo vệ kho hàng giả tạo và nhờ Nguyễn Mạnh Hải ký xác nhận vào biên bản kiểm kê hàng hóa để hợp thức hồ sơ vay tiền.
Thực tế thì Công ty Vĩnh Xuân không mua bán hàng hóa, nhưng Tuấn Anh vẫn chỉ đạo Thắng liên hệ với người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp để nhận các hợp đồng mua bán hàng hóa cùng hóa đơn GTGT khống. Tiếp đó là làm giả phương án kinh doanh, tờ trình giải ngân, khế ước nhận nợ, hợp đồng thuê mướn bảo vệ kho hàng và biên bản kiểm kê hàng hóa…
Sau khi hoàn thiện hồ sơ giải ngân khống, Tuấn Anh chuyển cho nhân viên quan hệ khách hàng của PGBank Thăng Long, để nhân viên này trình lãnh đạo ký lệnh chuyển tiền theo các hợp đồng mua bán hàng hóa giả tạo. Sau đó, những dòng tiền của ngân hàng được chuyển cho Tuấn Anh để sử dụng vào những mục đích cá nhân.
Bằng thủ đoạn lập khống hồ sơ vay vốn, Tuấn Anh cùng đồng phạm đã được ngân hàng giải ngân số tiền gần 53 tỷ đồng. Đến hạn thanh toán nhưng Công ty Vĩnh Xuân mới trả được hơn 13,6 tỷ đồng, ngân hàng bán tài sản bảo đảm thu được một phần và Tuấn Anh còn chiếm đoạt hơn 22,3 tỷ đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra xác định, Thắng tham gia lập khống với 23 biên bản kiểm kê hàng gửi kho và đến các công ty để nhận hợp đồng, hóa đơn GTGT khống, tương ứng với số tiền lừa đảo chiếm đoạt gần 22,4 tỷ đồng.
Bị cáo Tuấn Anh và đồng phạm tại phiên xử.
Liên quan đến vụ án này, các ông Lương Duy Huỳnh (Giám đốc), Nghiêm Đức Toàn (Phó Giám đốc) và Tô Quang Tuyển (Phó trưởng Phòng Quan hệ khách hàng) đều thuộc PGBank Thăng Long là những người đề xuất và ký giải ngân cho Công ty Vĩnh Xuân vay vốn, dẫn đến hơn 22,3 tỷ đồng không có khả năng thu hồi. Quang ký 2 hợp đồng mua bán thép khống và xuất hai hóa đơn GTGT tương ứng, giúp sức cho Tuấn Anh chiếm đoạt 7,5 tỷ đồng của PGBank Thăng Long. Hải đã ký xác nhận khống vào 23 biên bản kiểm kê hàng hóa đối với Công ty Vĩnh Xuân.
Hành vi của ông Huỳnh, ông Toàn và ông Tuyển được xác định đã vi phạm quy định tại Quyết định số 0154-08/QĐ-TGĐ của Tổng Giám đốc PGBank về cấp tín dụng. Tuy nhiên, do cơ quan điều tra chưa có tài liệu chứng minh, ba người này biết Công ty Vĩnh Xuân không có tài sản thế chấp, biết các hồ sơ vay vốn là lập khống nên chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.
Tại phiên xử, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như trên. HĐXX khẳng định, hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng vì đã câu kết với nhau để lừa đảo, chiếm đoạt của ngân hàng số tiền rất lớn.
Do đó cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo mới tương xứng với hành vi phạm tội. Với phán quyết trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tuấn Anh 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh này, bị cáo Thắng bị tuyên phạt 10 năm tù. Bị cáo Hải bị tuyên phạt 8 năm tù và bị cáo Quang bị tuyên phạt 6 năm tù. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc các bị cáo phải bồi thường cho ngân hàng toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.
Công an nhân dân