MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xét xử Hà Văn Thắm: Triệu tập Cựu Tổng giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt – Nga

05-09-2017 - 08:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Hôm nay (5/9), TAND TP Hà Nội tiếp tục trở lại phiên xét hỏi trong vụ xét xử bị cáo Hà Văn Thắm và đồng phạm. Trong phiên làm việc hôm nay, cựu TGĐ Liên doanh Dầu khí Việt – Nga (Vietsovpetro) Nguyễn Hữu Tuyến cũng bị Tòa triệu tập.

Ngoài ông Tuyến, Tòa cũng triệu tập ông Võ Quang Huy - Kế toán trưởng của Vietsovpetro.

Trong phiên xét hỏi diễn ra trước đó, Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc Oceanbank đã khai ông Tuyến và Huy khoảng 10 lần nhận tiền chi lãi ngoài hợp đồng do chính Sơn trực tiếp đưa. Mỗi lần khoảng 10.000USD-20.000USD, nếu là VNĐ thì mỗi lần từ 200 – 300 triệu đồng.

“Bị cáo đưa tiền cho kế toán trưởng Võ Quang Huy và TGĐ Nguyễn Hữu Tuyến. Bị cáo áng chừng mỗi lần đưa khoảng 10.000-20.000 đô hoặc 200-300 trăm triệu đồng. Bị cáo đưa rất nhiều lần và tổng số cụ thể bị cáo không nhớ rõ”, Nguyễn Xuân Sơn khai .

Ngoài Nguyễn Xuân Sơn, cựu phó TGĐ Oceanbank Nguyễn Minh Thu, khi thay thế Nguyễn Xuân Sơn vai trò TGĐ tại ngân hàng cũng được chuyển giao trách nhiệm chăm sóc khách hàng thân, trong đó có Vietsovpetro.

“Bị cáo không nhớ rõ là bao nhiêu lần nhưng từ 1/2011-6/2012 định kỳ 2-3 tháng/lần”. Cũng theo bị cáo Thu khai, mỗi lần bị cáo vào “lót tay” Vietsovpetro đều thông báo để Nguyễn Thị Kiều Liên - cựu giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu của Oceanbank liên lạc trước.

Bị cáo Hà Văn Thắm

Vietsovpetro chủ yếu gửi vào Oceanbank tiền USD, tiền VNĐ rất ít. Việc chi lãi ngoài cho Vietsovpetro được Hà Văn Thắm phê duyệt dựa trên số dư tài khoản của Vietsovpetro.

Theo lời khai của bị cáo Thu, tiền được đưa theo tỉ lệ, kế toán trưởng 70%, còn Tổng giám đốc là 30%. Việc thoả thuận đưa tiền bằng miệng, không có hợp đồng.

Bị cáo Thu xác định đưa tiền lãi ngoài cho Võ Quang Huy và Nguyễn Hữu Tuyến. Sau khi ông Tuyến nghỉ hưu thì bị cáo đưa cho ông Từ Thành Nghĩa.

Nói về số tiền Vietsovpetro gửi vào Oceanbank, Thu cho biết, thời điểm cao nhất lên tới hơn 100 triệu USD. Tỉ lệ vào khoảng 0,1% lãi suất. Năm 2012, thời điểm căng thẳng nhất của thị trường tín dụng thì tỉ lệ chi lãi ngoài tăng lên 0,15%.

Sau phần đối chất giữa các bên liên quan, HĐXX yêu cầu triệu tập ông Nguyễn Hữu Tuyến (cựu TGĐ Vietsovpetr) và Võ Quang Huy (kế toán trưởng Vietsovpetro) đến Tòa.

Sáng nay, Tòa tiếp tục làm việc với phiên xét hỏi các bị cáo có liên quan đến đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Theo cáo trạng, Hà Văn Thắm bị truy tố về 4 tội danh: "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank và là người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tại ngân hàng này bị truy tố về 3 tội danh: "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài 2 bị cáo Thắm, Sơn và 45 bị cáo khác còn có thêm Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Hứa Thị Phấn - đại diện nhóm cổ đông Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) cùng bị truy tố 2 tội: "Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; Hoàng Thị Hồng Tứ - nguyên Chủ tịch Công ty BSC (công ty sân sau của Hà Văn Thắm) bị truy tố tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và Trần Văn Bình - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung bị truy tố tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Riêng Nguyễn Minh Phương - nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank được tạm đình chỉ bị can do bệnh hiểm nghèo.

Kết quả điều tra bổ sung đối với vụ án này cho thấy, tính đến tháng 3/2014, vốn điều lệ của Oceanbank là 4.000 tỷ đồng và gồm 1.137 cổ đông (trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ).

Cáo buộc của cơ quan tố tụng xác định, trong quá trình hoạt động, Thắm cùng đồng phạm đã có nhiều vi phạm pháp luật trong việc cho vay vốn, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần và chi lãi suất ngoài hợp đồng. Tội phạm mà Thắm cùng các bị cáo liên quan gây ra đã làm thiệt hại nặng nề đối với các cổ đông (trong đó có vốn Nhà nước). Đồng thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ. Theo đó, tổng số tiền mà Thắm cùng các đồng phạm liên quan gây thiệt hại lên tới gần 2.000 tỷ đồng.

Theo Khôi Anh

Công lý

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên