Xét xử vụ án Thuduc House: Các bên liên quan có đề nghị trái chiều về số tiền 365 tỷ đồng
Tiếp tục phiên tòa xét xử 67 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh và các công ty liên quan, ngày 12/6, Hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát đã thẩm vấn người bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
- 06-06-202318 cán bộ thuế TPHCM cùng hàng chục bị cáo hầu tòa vụ Thuduc House
- 29-05-2023Vụ án tại Thuduc House: Cựu Phó Cục trưởng Cục thuế TP HCM khai gì với cơ quan điều tra?
- 19-04-2023Vì sao Thuduc House liên tục bị Cục Thuế TPHCM cưỡng chế?
Theo đó, đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử buộc Thuduc House trả lại hơn 365 tỷ đồng là tiền hoàn thuế bị chiếm đoạt trong vụ án và tiền chậm nộp đến khi hơn 365 tỷ đồng này được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Ngược lại, tại phiên tòa, đại diện Thuduc House đề nghị Hội đồng xét xử quyết định trách nhiệm liên đới của các bị cáo trong việc hoàn trả toàn bộ hơn 365 tỷ đồng tiền hoàn thuế bị chiếm đoạt; đề nghị Hội đồng xét xử quyết định trả lại cho Thuduc House hơn 365 tỷ đồng mà Thuduc House đã tạm nộp vào tài khoản tạm giữ của Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an để phục vụ yêu cầu điều tra.
Về tiền chậm nộp phát sinh từ số tiền hoàn thuế hơn 365 tỷ đồng bị chiếm đoạt mà Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đang thực hiện truy thu đối với Thuduc House tạm tính khoảng 91,7 tỷ đồng, tại tòa, Thuduc House đề nghị Hội đồng xét xử quyết định các bị cáo liên đới chịu trách nhiệm.
Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến năm 2020, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để lập hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa. Tại Mỹ, Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia và UAE, Dũng đã thành lập, sử dụng các pháp nhân để ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hóa. Tại Việt Nam, Dũng chỉ đạo Trần Hoàn Tiên, Trần Nhất Thanh, Mạc Văn Nguyện, Nguyễn Hoàng Lân, Nguyễn Thiên Phú... thành lập một số doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các công ty "ma". Các mặt hàng nhập khẩu là chíp, RAM, SD Card, Mini PC... đều là hàng giả, đã qua sử dụng nhưng được nâng khống giá gấp nhiều lần. Việc này nhằm lợi dụng chính sách của Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử có thuế suất 0%.
Nhóm của Trịnh Tiến Dũng sau đó ký hợp đồng và xuất hóa đơn giá trị gia tăng để bán linh kiện điện tử cho Thuduc House thông qua trung gian là Công ty Cổ phần Wood Trading (Thuduc House nắm giữ 50% vốn, Nguyễn Vũ Bảo Hoàng nắm giữ 8% và bà Tạ Thị Thu Hòa giữ 42%). Doanh nghiệp này sẽ ký các hợp đồng giả cách với nội dung xuất khẩu cho những công ty của Dũng ở nước ngoài rồi xin hoàn thuế. Để hợp thức hóa hồ sơ đầu vào, Thuduc House đã lập, ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử trong nước với nhiều công ty, với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó có 10% tiền thuế giá trị gia tăng, tương đương với 365 tỷ đồng.
Sau đó, Thuduc House lập 17 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. Các bị cáo là cán bộ Cục Thuế Thành phố đã hoàn thuế cho Thuduc House đối với 15 kỳ (từ tháng 4/2018 đến tháng 6/2019) trái quy định, bỏ qua các dấu hiệu rủi ro về thuế, không áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế để có ý kiến chỉ đạo các bộ phận giải quyết hoàn thuế cho Thuduc House áp dụng, gây thất thoát cho Nhà nước.
Phiên tòa tiếp tục với phần hỏi của các luật sư đối với người bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Dự kiến phiên tòa xét xử tới ngày 10/7.
baotintuc.vn