Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Luật sư yêu cầu làm rõ lời khai cựu Tổng Giám đốc SCB
Luật sư của bà Trương Mỹ Lan đề nghị làm rõ lời khai của cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB Võ Tấn Hoàng Văn khi cho rằng bà Lan chỉ đạo đưa hối lộ 5,2 triệu USD.
Ngày 20-3, TAND TP HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 85 đồng phạm. Trong phiên tòa sáng 20-3, các luật sư đã bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Trong vụ án này bị cáo Lan có 5 luật sư bào chữa.
Luật sư đã công bố các lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan, Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) và bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục II Ngân hàng Nhà nước). Theo đó, lời khai của các bị cáo mâu thuẫn nhau, từ đó luật sư yêu cầu cần đánh giá lại chứng cứ khách quan trong từng lời khai của các bị cáo.
Theo luật sư, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã thừa nhận nhận hối lộ 5,2 triệu USD. Chứng cứ chứng minh nguồn tiền bị cáo Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng (SN 1984, Trợ lý của Công ty Cổ Phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã qua đời) chuyển rồi rút đưa cho bị cáo Văn thì chỉ có lời khai duy nhất của Văn, vì vậy cần đánh giá thận trọng việc bị cáo Lan chỉ đạo đưa hối lộ. Ngoài ra, không thể xác nhận bị cáo Lan chỉ đạo đưa hối lộ cho bị cáo Nhàn trong khi đó bị cáo Văn không bị truy tố tội "Đưa hối lộ".
Liên quan đến số tiền đưa hối lộ, luật sư cho rằng số tiền 5,2 triệu USD là số tiền không nhỏ về khối lượng và số lượng tiền mặt. Số tiền này được chuyển từ SCB ở TP HCM ra SCB ở Hà Nội sau đó rút ra quy đổi USD đưa cho bà Nhàn.
Quá trình điều tra cũng chưa chứng minh được ai là người chuyển tiền, rút tiền, quy đổi ra USD, đóng gói tiền vào thùng. Những người này làm theo chỉ đạo của ai, có phải bị cáo Lan chỉ đạo không, cần làm rõ để không lọt người, sót tội.
Về hậu quả của vụ án, luật sư đề cập đến vai trò của bị cáo Lan trong mối quan hệ với Ngân hàng SCB bao gồm 3 điểm chính: vận động các cổ đông cũ của 3 ngân hàng đồng thuận hợp nhất thành công thành Ngân hàng SCB; cho mượn tài sản 15.000 tỉ đồng để làm tài sản thế chấp; kêu gọi cổ đông nước ngoài. Do đó, luật sư nói rằng hoạt động điều hành là do HĐQT và lãnh đạo SCB chịu trách nhiệm.
"Vào thời điểm hợp nhất, bà Lan chỉ tham gia vai trò cố vấn ban hợp nhất và bà Lan đã thế chấp tài sản của mình để vay tiền. Sau đó bà Lan vận động gia đình, người thân cố gắng cho mượn tài sản để đạt được con số 65% cổ phần để hợp nhất thành công", luật sư trình bày.
Luật sư của bị cáo Trươg Mỹ Lan cũng đề nghị HĐXX xem xét việc bà Lan nỗ lực đưa những tài sản của mình để khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, luật sư cũng mong muốn HĐXX ghi nhận công lao của bị cáo Lan trong việc phát triển Ngân hàng SCB.
Người lao động