Xét xử vụ FLC: Các bị cáo thừa nhận sự chỉ đạo xuyên suốt của Trịnh Văn Quyết
Chiều 23/7, phiên tòa xét xử 50 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC tiếp tục với phần thẩm vấn. Trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng, nội dung cáo trạng truy tố bị cáo là đúng, không oan, không sai.
- 23-07-2024Xét xử vụ FLC: Cố ý câu kết làm sai lệch thông tin để bán cổ phiếu
- 22-07-2024Xét xử cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: HĐXX cho phép các bị cáo dùng giấy bút
- 22-07-2024Xét xử vụ FLC: Triệu tập 38 pháp nhân và 22 người làm chứng tới phiên tòa
Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị Viện Kiểm sát truy tố về 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”, trong đó nêu rõ Trịnh Văn Quyết đã thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn góp chủ sở hữu tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng sau đó hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán. Ngoài ra, Quyết còn cùng các đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng.
Trình bày tại tòa, bị cáo Quyết thừa nhận nội dung trong cáo trạng là đúng, thừa nhận là người trực tiếp chỉ đạo các bị cáo khác trong vụ án thực hiện các hành vi thao túng chứng khoán nhằm thu lợi 684 tỷ đồng và bán cổ phiếu ROS cho các nhà đầu tư để chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng. Bị cáo cho rằng, cáo trạng truy tố bị cáo không oan, không sai. Bị cáo tôn trọng các quyết định truy tố của Viện Kiểm sát và không có ý kiến gì thêm.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Quyết khẳng định bị cáo không còn tài sản gì khác ngoài số tài sản đang bị kê biên, phong tỏa. Về trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 4.200 tỷ đồng ở hai hành vi bị truy tố, Trịnh Văn Quyết khẳng định nếu Tòa tuyên bị cáo phải bồi thường, bị cáo sẽ xin bán toàn bộ tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng của mình để khắc phục hậu quả, trả tiền cho các nhà đầu tư.
Trong số các tài sản của Trịnh Văn Quyết đang bị kê biên, phong tỏa, bị cáo Quyết mới được cơ quan tố tụng cho bán “tài sản tâm huyết nhất” là Hãng hàng không Bamboo, đã thu về gần 200 tỷ đồng nộp vào tài khoản của C01, Bộ Công an. Số 500 tỷ đồng còn thiếu khi bán Bamboo, bị cáo Quyết khẳng định khi nhận được cũng sẽ dùng để khắc phục hậu quả. Bị cáo khẳng định đang tiếp tục nhờ gia đình tác động để có sự trợ giúp từ bạn bè, người thân; tìm mọi cách để khắc phục hậu quả của vụ án. Đồng thời, bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử tạo điều kiện thuận lợi để bị cáo được xử lý các tài sản cá nhân.
Tại phiên tòa này, các bị cáo có liên quan đều khai nhận được sự chỉ đạo của bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Quyết). Bị cáo Huế khai toàn bộ các hoạt động do bị cáo lĩnh hội từ chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết. Toàn bộ sự chỉ đạo này của bị cáo Quyết là xuyên suốt từ đầu vụ án. Huế và các bị cáo khác thực hiện theo các nội dung được Quyết chỉ đạo, phân công trong việc thực hiện các hành vi nâng vốn khống của Faros, nhờ người ký khống hồ sơ sở hữu cổ phần, bán cổ phiếu…
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Quỳnh Anh (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán BOS) thừa nhận đã đề xuất để Hội đồng quản trị ủy quyền cho Trịnh Thị Thúy Nga (em gái bị cáo Quyết) giải quyết cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng mua chứng khoán không có tài sản đảm bảo trái pháp luật; ký các chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, hạch toán các khoản tiền do Huế mua chứng khoán thiếu, giúp Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga thao túng 3 mã cổ phiếu FLC, GAB, ART, thu lợi bất chính 445 tỷ đồng.
Bị cáo Phạm Thị Hải Ninh (cựu Phó Trưởng Ban Đầu tư Tập đoàn FLC) khai đã giúp Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế đứng tên là cổ đông góp vốn, ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư để hợp thức việc tăng vốn góp khống, giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE, bán cổ phiếu chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng của 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán…
Báo Tin tức