Xổ số - kinh doanh độc quyền sao nước ngoài được tham gia?
Trước trả lời của Bộ Tài chính và Vietlott, nhiều doanh nghiệp xổ số kiến thiết (XSKT) và chuyên gia chưa hoàn toàn đồng tình.
- 24-11-2016“Cơn sốt” Vietlott!
- 24-11-2016Đây là lý do khiến doanh thu của Vietlott đại nhảy vọt chỉ sau 50 ngày
- 16-11-2016Xổ số kiểu Mỹ dễ trúng: Sự thật hay ảo tưởng?
Nhiều tỉnh phía Nam đang lo lắng bởi nguồn thu XSKT giảm nghiêm trọng do bị chia thị phần với vé số điện toán.
Vietlott chia lợi nhuận cho nước ngoài
Trước câu trả lời của Bộ Tài chính rằng Vietlott vẫn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, ông Lý Minh Ân - giám đốc Công ty XSKT tỉnh Tiền Giang - cho rằng Bộ Tài chính đã... mâu thuẫn bởi Vietlott phải chia lợi nhuận cho đối tác Malaysia.
Ông Ân nêu vé số kiến thiết phải chi 50% doanh thu để trả thưởng, 32,5% doanh thu nộp ngân sách. Còn Vietlott chỉ nộp thuế GTGT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 15%. Phần còn lại sau khi trừ chi phí hợp lý mới nộp thuế TNDN 20%.
Ông Ân nghi ngờ chi phí hợp lý này có thể bao gồm cả phần chia lợi nhuận cho Tập đoàn Berjaya. Nếu đúng như vậy, con số doanh thu còn lại tính thuế TNDN không đáng kể, bởi tập đoàn này góp vốn rất lớn.
Ông Ân cũng nêu XSKT không phải ăn chia với doanh nghiệp nước ngoài hay tư nhân nên khoản doanh thu tính thuế TNDN rất lớn. Tiền đó được đầu tư trở lại phục vụ người dân VN chứ không phải người nước ngoài.
Với cách hợp tác cùng nước ngoài của Vietlott, theo nhiều chuyên gia, xổ số điện toán bên cạnh kiến thiết VN còn “kiến thiết” cả cho nhà đầu tư nước ngoài, nghĩa là một phần lợi nhuận sẽ chuyển về Malaysia.
GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia nghiên cứu lâu năm về lĩnh vực trò chơi có thưởng, cho rằng một dự án lớn, hơn 200 triệu USD mà hoạt động theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) không khỏi làm mọi người thắc mắc.
Ông Vinh hỏi theo công bố hình thức chia thưởng, 55% doanh số được dành cho trả thưởng, 25% đóng thuế cho Nhà nước. Vậy 20% còn lại sẽ được chia như thế nào?
Hình thức đầu tư của phía Malaysia, theo ông Vinh, VN sẽ giám sát như thế nào khi không nắm công nghệ, không có chuyên gia để hiểu và kiểm soát? Trong trường hợp này, VN chỉ đứng tên trên giấy phép, còn cách thức vận hành, máy móc, kỹ thuật, công nghệ đều thuộc về nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, ngày 22-11 Hội đồng XSKT miền Nam vẫn tiếp tục họp thống nhất đề nghị UBND các tỉnh thành có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét, giải quyết một số vấn đề liên quan đến Vietlott.
Trong đó nội dung nổi cộm được nêu là Vietlott liên doanh với Tập đoàn Berjaya (Malaysia) kinh doanh độc quyền vé số điện toán trong 18 năm là trái với nghị định số 30 ngày 1-3-2007 vì nghị định này quy định chỉ có doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước mới được kinh doanh xổ số.
Không chỉ ở việc thành lập mà hoạt động của Vietlott cũng bị “kêu” vì chưa làm đúng quy định khi vé số điện toán phải do người dân tự đến mua, chọn số tại đại lý nhưng thực tế chúng đang được đem đi bán dạo.
Từ phản ánh của Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo Vietlott chấn chỉnh hoạt động.
Tuy nhiên từ đó đến nay các vi phạm như: in vé sẵn để bán tràn lan ở các địa phương chưa có thiết bị đầu cuối, bán không đúng mệnh giá vé... chẳng những chưa được khắc phục mà còn bùng phát mạnh hơn.
UBND tỉnh Bình Dương cũng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị chấn chỉnh hoạt động của Vietlott do có nhiều sai phạm.
Theo đó, tỉnh này cho biết vé số tự chọn Mega 6/45 được in sẵn rồi phân phối ở khắp nơi, từ quán cà phê, chợ đến trạm xe buýt... giống như vé số kiến thiết với mệnh giá 11.000-12.000 đồng/tờ.
Một số đại lý còn treo bảng quảng cáo “giao vé cho người bán dạo hoa hồng cao” hay tự đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi lớn trái quy định.
Địa phương kêu nguồn thu bị giảm
UBND tỉnh Bình Dương cho rằng việc kinh doanh vé số của Vietlott không đúng quy định sẽ gây ảnh hưởng đến thu ngân sách nên kiến nghị Bộ Tài chính kịp thời chấn chỉnh hoạt động của Vietlott.
Nhiều tỉnh cũng tỏ ra lo ngại việc đầu tư cơ sở vật chất cho địa phương sẽ bị ảnh hưởng do doanh thu XSKT giảm. Tại Tiền Giang, Đồng Tháp..., Vietlott chưa đặt đại lý bán chính thức nhưng vé số điện toán cũng đã tràn ngập.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2015 tỉnh đã chi 230 tỉ đồng từ nguồn thu xổ số cho lĩnh vực giáo dục, 153 tỉ đồng cho y tế, 466 tỉ đồng cho giao thông... Một số công trình lớn của tỉnh cũng được xây dựng từ tiền xổ số như: Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành, Bệnh viện Đa khoa huyện Hồng Ngự...
Ông Nguyễn Văn Dương - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết: “Nếu không có nguồn thu từ vé số chắc chắn Đồng Tháp không thể có cơ sở hạ tầng như bây giờ”.
Nguồn thu từ xổ số có dấu hiệu giảm đã khiến các địa phương gặp khó khăn trong việc tính toán đầu tư cho năm 2017.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, năm 2017 Bộ Tài chính giao Đồng Tháp thu từ xổ số tới 1.200 tỉ đồng. Với tình hình vé số điện toán in sẵn bán như hiện nay sẽ không thể thực hiện được chỉ tiêu trên.
Tương tự, Sở Tài chính tỉnh Bến Tre cũng thừa nhận chỉ tiêu thu 1.049 tỉ đồng từ xổ số trong năm 2017 là quá sức với tỉnh do thị phần XSKT đang bị thu hẹp.
Ông Lý Minh Ân (giám đốc Công ty XSKT tỉnh Tiền Giang):
Ít thấy người trúng độc đắc vì phải bảo mật thông tin
Cứ 1 triệu vé bán ra sẽ có một người trúng giải đặc biệt XSKT và rất nhiều người trúng các giải khác.
Thời gian qua, các công ty xổ số chưa công bố thông tin người trúng giải đặc biệt là do chấp hành nghiêm quy định bảo mật thông tin người trúng thưởng tại nghị định 30/2007 của Chính phủ.
Tuy nhiên tất cả thông tin chi trả thưởng cho người trúng giải đều được báo cáo cho các cơ quan chức năng theo quy định. Năm 2015 người dân mua vé số tỉnh Tiền Giang đã trúng xổ số với số tiền hơn 1.784 tỉ đồng.
Trong đó có 302 người trúng giải đặc biệt (359 vé). Còn 10 tháng đầu năm 2016 công ty đã chi hơn 1.542 tỉ đồng cho người trúng xổ số. Do không công bố thông tin cũng là lý do khiến người dân cho rằng vé số kiến thiết khó trúng.
Tuổi trẻ