Xoá tan thành quả "phiên bùng nổ theo đà", vì đâu VN-Index lại giảm sâu 28 điểm?
Phiên giảm sâu hôm nay đã xoá sạch nỗ lực tăng điểm của chỉ số vào phiên thứ Hai đầu tuần. Thị trường tăng nhanh, giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư quay cuồng trong thua lỗ.
Tiếp nối xu hướng giảm điểm của phiên trước, VN-Index chịu áp lực bán mạnh trong phiên 22/2.
Đà lao dốc của nhiều cổ phiếu trụ là nguyên nhân chính kéo VN-Index giảm mạnh. Nhóm VN-30 phiên hôm nay mất gần 30 điểm, toàn bộ 30 mã đều giảm điểm. Điều đáng nói là biên độ giảm rất lớn khi cả rổ bluechips đều ghi nhận mức giảm trên 1%, thậm chí nhiều mã lớn như GVR, SSI, VHM, PLX, NVL còn giảm trên 5%.
Kết phiên, VN-Index giảm gần 28 điểm (tương đương 2,58%) để lùi về sát mốc 1.054 điểm. Thị trường chìm trong sắc đỏ với 364 mã giảm điểm, áp đảo hoàn toàn so với mã tăng. Thanh khoản tăng cao đột biến trong biến động mạnh khi giá trị giao dịch vượt 12.700 trên HOSE.
Như vậy, phiên giảm sâu hôm nay đã xoá sạch nỗ lực tăng điểm của chỉ số vào phiên thứ Hai đầu tuần. Thị trường tăng nhanh, giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư quay cuồng trong thua lỗ.
Ông Dương Văn Chung - Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng Nhịp hồi trong phiên đầu tuần chỉ là nhịp hồi kỹ thuật trong một xu thế giảm. Đây là pha giảm cuối cùng của thị trường nên sẽ có độ thoải rất cao nên trên đà giảm sẽ có sóng hồi răng cưa đan xen, tạo cho nhà đầu tư cảm giác như là uptrend đã trở lại. Tuy nhiên, những nhịp như vậy chỉ là nhịp hồi kỹ thuật.
Bàn về nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu trong phiên, ông Dương Văn Chung đưa ra ba yếu tố:
Thứ nhất, phiên hôm trước (20/2), tâm lý nhà đầu tư được giải toả và có những kỳ vọng thị trường BĐS sẽ được sau thông tin cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản. Có thể thấy, những thông tin của cuộc họp cũng chưa cho thấy những giải pháp cụ thể, rõ ràng.
Đặc biệt, nhà đầu tư cũng đang lo ngại về “khủng hoảng” thanh khoản của một số doanh nghiệp bất động sản lớn kéo theo những hệ luỵ khó lường. Khi kỳ vọng trở thành nỗi thất vọng, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Thứ hai, tâm lý thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán Mỹ. Phiên ngày 21/2, Dow Jones mất 697 điểm, tương đương 2,06%, chỉ số S&P 500 sụt 2% và đánh dấu phiên giảm sâu nhất kể từ mức giảm 2,5% của ngày 15/12.
Các chỉ số đồng loạt lao dốc khi lợi suất trái phiếu Kho bạc lên cao ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư. Kết quả kinh doanh mới được các doanh nghiệp bán lẻ công bố cũng làm dấy lên lo ngại về năng lực tài chính của người tiêu dùng.
Thứ ba, động thái bán ròng của khối ngoại trong thời gian gần đây. Sau thời gian mua ròng mạnh mẽ và trở thành lực đỡ quan trọng cho thị trường, khối ngoại liên tiếp giảm mua, thậm chí bán ròng. Điều này cũng kích hoạt đà bán của các nhà đầu tư trong nước.
Dự báo về diễn biến tiếp theo thị trường, ông Dương Văn Chung cho rằng rất khó đoán định thị trường trong ngắn hạn vì còn nhiều yếu tố khó lường. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng thị trường vẫn trạng thái thị trường đang trong pha giảm trung hạn kéo dài từ cuối tháng 1 đến nay.
Theo chuyên gia, với bối cảnh nền kinh tế hiện tại, kết quả kinh doanh của quý 1/2023 có thể còn ảm đạm hơn quý 4/2022 vừa qua. Do đó, ông Chung cho rằng nhịp giảm trung hạn có thể kéo dài trong khoảng 1 – 3 tháng tiếp theo, sau khi mùa đại hội cổ đông kết thúc.
Dưới góc nhìn đầu cơ, chuyên gia dự báo có khả năng VN-Index về đến khoảng 900-935 điểm. Tất nhiên, trong đó vẫn sẽ có những nhịp tăng giảm đan xen. Song chuyên gia khẳng định mốc 873 điểm vào tháng 11/2022 đã là đáy dài hạn của thị trường. VN-Index sẽ khó xuyên thủng mốc điểm này trừ khi có những trường hợp bất khả kháng xảy ra.
Nhịp sống thị trường