Xoài bao trái có giá bán cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg
"Vụ xoài Tết năm nay, xoài bao trái được bán với giá 30.000 đồng/kg, nếu nhà vườn không bao trái bán giá bán chỉ từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Khi áp dụng bao trái, chất lượng xoài được bảo quản tốt và tiết kiệm được 5 - 7 lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật...:, anh Lê Nguyễn Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh cho biết.
- 24-01-2017Phất lên nhờ xoài 3 màu
- 08-01-2017Nông dân An Giang trồng xoài thu được trên 2.000 tỷ đồng
- 14-12-2016Xoài Tết không đậu trái - người dân thất thu hàng chục tỷ đồng
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có hơn 70% diện tích trồng xoài đã áp dụng phương pháp bao trái, đặc biệt 100% diện tích (hơn 500 ha) xoài cát Chu và Cát Hòa Lộc ở xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh đều được bao trái. Việc sử dụng bao trái xoài cũng giúp nông dân có giá bán cao hơn so với xoài thường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Anh Lê Nguyễn Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh cho biết, nông dân trồng nhiều nhất là xoài Cát Chu, 100% diện tích đều được bao trái. Vụ xoài Tết năm nay xoài bao trái được bán với giá 30.000 đồng/kg, nếu nhà vườn không bao trái bán giá bán chỉ từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Khi áp dụng bao trái chất lượng xoài được bảo quản tốt và tiết kiệm được 5 - 7 lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Anh Duy còn cho biết thêm, xoài bao trái hiện nay thu lãi từ 200 - 220 triệu đồng/ha, trong khi đó xoài không bao trái lãi từ 150 - 160 triệu đồng/ha.
Tại TP Cao Lãnh có Tổ dịch vụ bao trái xoài được thành lập với hơn 40 người, đã tạo được hiệu ứng tốt trong việc nhân rộng và phát triển mô hình sản xuất xoài theo hướng an toàn, đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân nơi đây.
Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết, xoài bao trái nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, không khuyết tật, ngăn chặn tấn côn trùng xâm nhập, tránh bệnh như: sâu đục trái, rệp sáp, ruồi đục trái, bệnh thán thư, đốm da ếch, bệnh nứt trái xì mủ do vi khuẩn…
Bao trái sẽ hạn chế được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 5 - 7 lần/vụ, giúp vỏ trái bóng đẹp hơn, bán được giá cao hơn, góp phần hạ giá thành sản phẩm, gia tăng lợi nhuận cho nhà vườn, đồng thời giúp giảm ô nhiễm môi trường và không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên trái.
Sử dụng bao trái còn tránh được sự va chạm cơ học do gió gây ra trên trái xoài, do đó giảm sự xâm nhập của nấm và vi khuẩn qua vết thương. Kỹ thuật bao trái, nhà vườn hạn chế tối đa bệnh thán thư và xì mủ, làm tăng năng suất từ 20 - 30%, tăng chất lượng trái xoài sau thu hoạch.
Nhờ có màu sắc trái đẹp, giúp kéo dài thời gian bảo quản từ 3 - 5 ngày. Đặc biệt, túi báo trái dễ phân hủy trong môi trường bình thường nên hạn chế được ô nhiễm môi trường. Nhà vườn hạn chế tiếp xúc thường xuyên với thuốc bảo vệ thực vật.
Tỉnh Đồng Tháp khuyến khích nhân rộng mô hình áp dụng phương pháp bao trái xoài bằng túi xốp để sản xuất xoài theo theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần bảo đảm trái xoài sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cây xoài là nông sản thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp, là 1 trong 5 ngành hàng được tỉnh chọn thực hiện trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổng diện tích trồng xoài của tỉnh hơn 9.000 ha, sản lượng xoài hằng năm đạt hơn 100.000 tấn. Xoài được trồng nhiều nhất là thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh.
Báo tin tức