MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xoài Việt trụ được ở Mỹ

25-05-2019 - 10:08 AM | Thị trường

Mở cửa thị trường Mỹ đã khó, giữ được thị trường còn khó hơn khi xoài Việt giá cao phải cạnh tranh khốc liệt với xoài các nước tại Mỹ.

Hồ sơ mở cửa thị trường Mỹ cho quả xoài tươi được Việt Nam nộp từ năm 2004 (cùng với chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, đã được mở cửa), đến ngày 18-4-2019, chúng ta mới có lô xoài đầu tiên với khối lượng 8 tấn xuất khẩu chính thức sang Mỹ. Đến nay, đã có khoảng 130 tấn xoài các loại xuất khẩu thành công sang Mỹ từ 5 tỉnh, thành: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Tuân thủ tốt quy định

Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết có 12 doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu xoài sang Mỹ. Tất cả lô hàng xuất tuân thủ tốt quy định của Mỹ, chưa có lô nào bị phát hiện vi phạm. Chỉ có một số rất ít bị hư hỏng do DN chưa có kinh nghiệm, đưa xoài cát Hòa Lộc quá chín nên không để được lâu. "Đối với các mặt hàng tươi sống, việc bán ở thị trường xa luôn có lượng hư hao do vận chuyển, bảo quản, bán hàng. Với một thị trường mới, những vấn đề trên là bình thường, chưa có gì đáng lo" - bà Hiền khẳng định.

Xoài Việt trụ được ở Mỹ - Ảnh 1.

Các thùng xoài được đóng gói theo tiêu chuẩn Mỹ chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường này Ảnh: AN NA

Đáng chú ý, trong số khoảng 130 tấn xoài đã xuất, lượng hàng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM) chiếm gần 80 tấn. "Ngoài vận chuyển bằng hàng không, chúng tôi có 2 lô hàng đi bằng đường biển. Lô đầu tiên sau 23 ngày trên biển đã được đưa đến các chợ, siêu thị tại Mỹ với chất lượng tốt là tín hiệu thành công trong công tác bảo quản. Đây là lô xoài tượng da xanh (còn gọi là xoài ba màu - PV), người tiêu dùng mua về có thể ăn tươi, làm gỏi hoặc chờ trái chín để ăn" - ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc công ty, nói.

Theo ông Tùng, công ty xác định xoài tượng da xanh là mặt hàng chủ lực sau khi đã xuất khẩu thử nghiệm 4 loại sang Mỹ gồm: cát Hòa Lộc, cát chu, tượng da xanh và xoài keo. Trong đó, xoài cát chu không có khả năng cạnh tranh do tương tự xoài Mexico giá rẻ; xoài cát Hòa Lộc giá cao thuộc nhóm đặc sản vẫn bán được nhưng số lượng ít; xoài keo bán được cho khách Mỹ gốc châu Á với số lượng vừa phải.

Tăng cường quảng bá

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), DN xuất khẩu lô xoài đầu tiên sang Mỹ, cho biết đã xuất khẩu được khoảng 50 tấn. "Tuy nhiên, DN đang giãn xuất khẩu do đụng mùa trái cây tại Mỹ và xoài Mexico giá rẻ. Xoài Việt Nam giá cao hơn xoài Mexico 5-10 lần nên khó bán. Đặc biệt là xoài cát Hòa Lộc ngon vượt trội so với xoài các nước nhưng chúng tôi đang gặp khó về bảo quản, tỉ lệ hao hụt cao nên DN vẫn phải tiếp tục cải tiến công nghệ trước khi đẩy mạnh xuất khẩu vào cuối năm nay, thời điểm tiêu thụ trái cây dễ hơn" - bà Vy phân tích.

Một DN khác là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mộc Phát (TP HCM) đã xuất khẩu 4 lô (4 tấn) xoài tươi sang Mỹ và cũng đang tạm dừng. Ông Vương Đình Khoát, Chủ tịch HĐTV, nhận xét do đang có nhiều DN cùng xuất khẩu xoài đi Mỹ, phải cạnh tranh lẫn nhau nên thị trường chưa ổn định. "DN không cần xuất khẩu số lượng lớn, quan trọng là hiệu quả để mọi người trong chuỗi cung ứng đều có lợi" - ông Khoát nêu quan điểm.

Ông Khoát đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát, cho biết công ty ông đang chờ được tham gia chương trình chiếu xạ trái cây tươi sang Mỹ nên số xoài của Công ty Mộc Phát phải đưa sang công ty khác chiếu xạ rồi mới xuất. Khi đi vào hoạt động, Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát sẽ phá thế độc quyền về chiếu xạ hiện nay, giúp giảm giá thành cho trái cây Việt. "Xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ bắt buộc phải chiếu xạ nhưng hiện chỉ có Công ty Sơn Sơn thực hiện. Do độc quyền nên khi ký hợp đồng chiếu xạ trái cây cho DN, công ty Sơn Sơn không chịu trách nhiệm về hàng hóa của DN khi máy hư, cúp điện…" - ông Khoát nêu khó khăn.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đánh giá Mỹ là thị trường quan trọng của trái cây Việt Nam. Năm 2018, Mỹ chỉ xếp sau Trung Quốc và cao hơn Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc mở cửa thị trường đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và công sức nên nếu không đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu thì nguy cơ đánh mất thị trường sẽ rất cao. "Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các DN tuân thủ quy định để giữ thị trường và uy tín cho trái cây Việt. Hiện bưởi, bơ tươi đang được đàm phán tiếp tục vào thị trường Mỹ" - ông Thiệt nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Ngô Tường Vy cho rằng xoài Việt cần nhiều hoạt động quảng bá để người tiêu dùng Mỹ và các nước biết đến và chọn mua nhằm tăng tính cạnh tranh với xoài từ Thái Lan, Mexico,…

Một nữ Việt kiều sống ở bang California (Mỹ) nhận định xoài Việt Nam đang được bán nhiều ở các tiệm trái cây do người Việt làm chủ, chưa thấy bán ở các chợ châu Á. Giá bán xoài Việt Nam ở Mỹ, 1 thùng 10-12 trái là 70 USD, bán lẻ 8-10 USD/pound (khoảng 450 g).

Thu hút nông dân tham gia, nâng chất lượng sản phẩm

Sau khi có giấy thông hành để trái xoài Đồng Tháp được đến Mỹ, chính quyền địa phương tỉnh này đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ổn định chất lượng trái xoài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại giá trị cao và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết mặt hàng xoài đã được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và hướng tới tầm nhìn năm 2030. Để phát triển bền vững, tỉnh Đồng Tháp tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý để ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến việc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); công nghệ sau thu hoạch đã từng bước được áp dụng như xây dựng nhãn hiệu, mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc xoài...

10-box-15587070632601582742853

Nhiều bà con nông dân chuyển sang phương thức canh tác mới nhằm nâng chất lượng trái xoài Ảnh: NGỌC TRINH

Dưới góc độ người sản xuất, ông Võ Văn Nang (ngụ xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và nhiều nông dân khác trong vùng đã nhận thấy sản xuất xoài theo kiểu cũ không còn phù hợp nên đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện bao trái để trái xoài an toàn, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Còn theo ông Nguyễn Văn Chì, Giám đốc HTX Xoài Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, HTX ông chọn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm mà năng suất cũng ổn định hơn, giá bán cao, thuận lợi trong liên kết tiêu thụ. Đa số thành viên đều đã nhận thức trong việc tuân thủ các quy định như có nhà vệ sinh trong vườn, nơi lưu trữ phân thuốc, tránh phun xịt vào những ngày gần thu hoạch nhằm hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Theo tính toán, dù năng suất giữa sản xuất truyền thống và VietGAP bằng nhau, mỗi hecta cho khoảng 1 tấn trái, song sản phẩm sản xuất theo VietGAP lại đạt chất lượng cao, giá cao hơn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Liễm, Giám đốc HTX Xoài Trung Chánh (xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), kể vài tháng trước, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T đã khảo sát và đến cuối tháng 4 vừa rồi công ty xuống lấy lô hàng đầu tiên để xuất khẩu sang Mỹ nhưng HTX chỉ cung cấp được 450 kg. "Đáng lẽ chúng tôi giao hàng nhiều hơn nhưng nhiều trái không đủ tiêu chuẩn nên công ty không lấy. Xoài của HTX bán là xoài tượng da xanh, giá bán 20.000 đồng/kg, cao hơn thị trường bên ngoài rất nhiều" - ông Liễm chia sẻ.

Để tăng sản lượng xuất khẩu sang Mỹ, sắp tới phía HTX sẽ tăng diện tích trồng thông qua việc vận động thêm nhà vườn tham gia HTX. "Ban đầu trồng theo hướng VietGAP, nhiều xã viên còn băn khoăn vì phải tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trái xoài phải bảo đảm chất lượng. Nhưng khi công ty mua với giá cao để xuất khẩu sang Mỹ thì ai cũng phấn khởi" - ông Liễm nhận xét.

Thốt Nốt - Ca Linh - Duy Thanh

Theo Ngọc Ánh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên