MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm cảnh ở quốc gia đầu tiên rơi vào nạn đói vì biến đổi khí hậu: "Thiên đường" lâm nguy

04-09-2021 - 08:08 AM | Tài chính quốc tế

Thảm cảnh ở quốc gia đầu tiên rơi vào nạn đói vì biến đổi khí hậu: "Thiên đường" lâm nguy

Biến đổi khí hậu - nguyên nhân chính gây ra hạn hán, dịch bệnh Covid-19 và những chính sách sai lầm đã khiến quốc đảo Madagascar lâm nguy.

Người dân ở hòn đảo nổi tiếng Madagascar đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Theo số liệu của Liên hợp quốc, hơn 1,1 triệu người đứng trước nguy cơ nạn đói. Hơn 500.000 trẻ em dưới 5 tuổi đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng. Thậm chí nhiều gia đình phải dùng xương rồng làm thức ăn trong những bữa ăn đạm bạc.

Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó UN đặc biệt nhấn mạnh những tác động của biến đổi khí hậu. "Trên thế giới đây là khu vực không hề góp phần gây ra biến đổi khí hậu nhưng lại là một trong những nơi đang phải trả cái giá đắt nhất", David Beasley – giám đốc Chương trình thực phẩm toàn cầu của UN - nhận định. Truyền thông cũng gọi những gì diễn ra ở Madagasca là "nạn đói do biến đổi khí hậu" đầu tiên xảy ra trên thế giới.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến hòn đảo lớn thứ 4 thế giới. Hòn đảo này Madagascar lâu nay vẫn thường xuyên phải chịu cảnh hạn hán và cũng đã ghi nhận nạn đói nặng nề nhất trong các năm 1903, 1910, 1916, 1921 và 1943. Tuy nhiên, gần đây mưa ngày càng hiếm và hạn hán năm nay là nghiêm trọng nhất trong 40 năm trở lại đây. Điều này dẫn đến sản lượng sắn – thứ hàng hóa thiết yếu trên đảo – giảm 60 – 90% so với những năm thông thường. Giá gạo ở Madagascar đang tăng lên nhanh chóng.

Một số gia đình đã túng quẫn đến nỗi bán cả con gái, theo Mialy Radrianasolo, chuyên gia Unicef. Vì đói ăn mà những gia đình nghèo nhất quyết định từ bỏ những đứa con gái, 1 người đàn ông dù đã 60 tuổi và có 4-5 vợ giờ vẫn có thể lấy 1 bé gái 12 tuổi. 

Giống như bất cứ nơi đâu trên thế giới, Covid-19 cũng đã khiến người dân Madagascar nghèo đi. GDP của quốc đảo sụt giảm 4,2% trong năm ngoái bất chấp dân số đang tăng trưởng nhanh. Phải đóng cửa với thế giới bên ngoài, nguồn thu từ du lịch nhanh chóng sụp đổ. Những người ngoại quốc giàu có thường mua các tour thám hiểm rừng mưa nhiệt đới giờ đây buộc phải ở trong nhà. 1,5 triệu người dân Madagascar từng dựa vào họ ngay lập tức mất kế sinh nhai.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, không thể phủ nhận tình cảnh mà Madagascar đang gặp phải xuất phát từ chính những sai lầm của chính phủ. Các chính sách quản lý kinh tế đã chệch hướng trong suốt một thời gian dài, khiến giờ đây Madagascar không còn đủ sức để chống chọi với các cú sốc.

Có thể nhìn thấy rõ điều này nếu nhìn sang Mauritius – hòn đảo gần đó cũng phụ thuộc vào ngành du lịch và bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cùng với Covid-19. Năm 2020, kinh tế Mauritius thậm chí sụt giảm mạnh hơn so với Madagascar, và những trận mưa lớn hồi tháng 4 đã cuốn trôi đường sá và mùa màng. Tuy nhiên người dân Mauritius không bị nạn đói đe dọa, đơn giản bởi vì họ giàu hơn 17 lần so với người hàng xóm Madagascar.

Chỉ cách đây nửa thế kỷ, khoảng cách không lớn đến vậy. Mauritian giàu khoảng gấp đôi. Tuy nhiên 50 năm qua họ giữ được ổn định chính trị, thực hiện các chính sách hợp lý và trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Ngược lại, Madagascar đã trải qua 2 thập kỷ hỗn loạn với các cuộc đảo chính liên miên. 28 triệu người dân giờ đã quay trở lại mức nghèo ngang với năm 1960, khi hòn đảo mới giành được độc lập. Tổng thống hiện nay – ông Andry Rajoelina, khuyến khích sử dụng thảo dược để chữa Covid-19 và triển khai tiêm vaccine rất chậm chạp.

Với 28 triệu dân, Madagascar khá thưa dân, nhưng hiện đang rất nghèo. Ở phía Nam, hàng hóa và con người phải di chuyển qua những con đường mòn ngoằn ngoèo thay vì đường nhựa. Việc người dân chặt cây làm chất đốt dẫn đến đất đai bị xói mòn. Một số người đang cố gắng đảo ngược điều này. Ví dụ, ở Maroalopoty, 1 chiếc ô tô đến từ UNDP đang được hàng trăm dân làng vây quanh. UN trả cho họ vài USD mỗi ngày để trồng sisal – một loại cây ngăn hạn hán. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng giờ mới hành động đã là quá chậm trễ và không đủ.

Madagascar cần đến những giải pháp dài hơi và chú trọng hơn đến những vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên Chính phủ nước này chưa làm được điều đó. Gần đây ông Rajoelina còn xây dựng những sân vận động đắt đỏ và cả 1 đấu trường theo kiểu Roman đặt bên cạnh cung điện cổ ở Antananarivo. Ông cũng muốn lập ra 1 thành phố mới để giãn dân khỏi thủ đô.

Tuy nhiên, hệ thống giáo dục và y tế của Madagascar thực sự nghèo nàn. Không chỉ khuyến khích chữa Covid-19 bằng phương pháp thảo dược chưa được kiểm chứng, ban đầu ông còn từ chối COVAX – cơ chế phân phối vaccine miễn phí cho các nước nghèo trên toàn thế giới. Hiện chưa đến 1% dân số Madagascar được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Tuần trước Tổng thống Rajoelina đã tới Paris để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng có lẽ những chuyến đi như vậy sẽ có tính thuyết phục tốt hơn nếu như chính phủ của ông hòa thuận hơn với những nhà đầu tư hiện có, ví dụ như những tranh cãi xung quanh dự án xây dựng 1 nhà ga mới ở sân bay hay 2 nhà máy thủy điện có chủ đầu tư là những công ty Pháp.

Có tin tức rằng sau cuộc gặp giữa ông Rajoelina và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 27/8, những vụ việc trên sẽ sớm được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên mối lo ngại của nhà đầu tư về sự ổn định của Madagascar vẫn còn đó. 2 thập kỷ trước, hòn đảo đã tiến sát đến 1 cuộc nội chiến và quân đội thường xuyên can thiệp vào nền chính trị. Gần đây ông Rajoelina còn suýt chút nữa bị ám sát.

Tham khảo The Economist

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên