Xu hướng 'cầm đồ' trở lại, thu hút giới trẻ Hàn Quốc
Giới chuyên gia nhận định xu hướng phát triển mạnh mẽ của các cửa hàng cầm đồ là một dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng kinh tế đang xấu đi hoặc sự gia tăng của người tiêu dùng không có khả năng thanh toán.
- 29-10-2022Khi đầu tư phản tác dụng, giới trẻ Hàn Quốc chật vật với cuộc sống, vỡ tan giấc mộng “nghỉ hưu sớm”
- 31-07-2022Giới trẻ Hàn Quốc bỗng dưng “phát sốt” vì trắc nghiệm MBTI, tìm kiếm công việc hay tình yêu đều phải dựa vào 4 chữ cái
- 07-06-2022Giới trẻ Hàn Quốc quyết tâm nghỉ hưu sớm trước 40 tuổi vì quá căng thẳng
Từ khi người tiêu dùng có thể vay tiền ngay lập tức chỉ bằng một vài cú nhấp chuột trong thời đại công nghệ, các tiệm cầm đồ đã rơi vào dĩ vãng.
Tuy nhiên, mới đây, một loạt cửa hàng cầm đồ hình thức mới đã xuất hiện, phục vụ những khách hàng sở hữu những thiết bị công nghệ đắt tiền hoặc hàng xa xỉ nhưng tạm thời đang “kẹt” tiền mặt.
Cửa hàng của ông Lee Yong-seok ở quận trung tâm Hongdae nhộn nhịp của thủ đô Seoul là một trong số đó. Cửa hàng cầm đồ của ông chuyên cho vay thế chấp bằng các thiết bị công nghệ.
Trái ngược với hình ảnh truyền thống về các cửa hàng cầm đồ với song sắt và các biện pháp an ninh nghiêm ngặt, cửa hàng của ông giống như một cửa hàng bình thường, có các tủ trưng bày ví, điện thoại thông minh và máy tính bảng. Theo chủ cửa hàng Lee, khách hàng chủ yếu ở độ tuổi 20-30.
“Họ thường vay một khoản tiền nhỏ, từ 200.000 won đến 300.000 won (từ 3,6 đến 5,5 triệu đồng), để lại máy tính xách tay hoặc máy ảnh kỹ thuật số làm tài sản thế chấp. Nhiều sinh viên đại học và người tìm việc ở độ tuổi 20 đến đây cầm cố trong những năm gần đây”, ông Lee cho biết.
Đối với các nhiếp ảnh gia hoặc nhà sản xuất video, việc đến vay tại cửa hàng cầm đồ có thể là một cách để họ có được một khoản đầu tư vào thiết bị, khi họ muốn mua máy ảnh chức năng cao và các thiết bị quay phim khác có giá hàng triệu won nhưng lại không có đủ tiền.
Anh Cho, một nhiếp ảnh gia (31 tuổi) mở một studio nhỏ ở Seongsu-dong, phía Đông Seoul, chia sẻ: “Tôi đã cầm cố một vài máy ảnh cũ ở một số tiệm cầm đồ để trang trải thêm chi phí cần thiết vận hành cửa hàng”.
Theo số liệu từ một hiệp hội tài chính cho vay tiêu dùng, tính đến năm 2022, tại Hàn Quốc, có khoảng 1.150 cửa hàng cầm đồ hoạt động trên toàn quốc và khoảng 200 cửa hàng trong số đó được biết là chấp nhận các thiết bị điện tử của người vay.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy số dư nợ của các khoản cho vay thế chấp tại 8.775 tổ chức cho vay trên toàn quốc, bao gồm các cửa hàng cầm đồ, đã tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 8,54 nghìn tỷ won vào năm 2022 từ mức 7,61 nghìn tỷ won vào năm 2021.
Cửa hàng cầm đồ là phương án cuối cùng cho những người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc vay tiền, đặc biệt là đối với những người không thể tiếp cận tín dụng từ các tổ chức cho vay cao cấp và thứ cấp như ngân hàng, tổ chức tài chính vì hồ sơ tín dụng kém.
Những người này bao gồm những người nước ngoài mới định cư ở Hàn Quốc và chưa có một hồ sơ tín dụng thuận lợi.
Cửa hàng cầm đồ không kiểm tra điểm tín dụng của khách hàng, họ chỉ kiểm tra căn cước công dân của khách hàng và tính xác thực cũng như giá trị thị trường của món đồ được cung cấp làm tài sản cầm cố.
Theo chủ cửa hàng Lee, người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc thẻ cư trú nước ngoài có thể nhận được các khoản vay nhỏ được đảm bảo bằng tài sản thế chấp của họ.
Quy trình cho vay nhanh chóng không để lại dấu vết trong hồ sơ tín dụng của một người là điểm cộng khác của dịch vụ vay tiền từ cửa hàng cầm đồ.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng vì các khoản vay của tiệm cầm đồ có thể có lãi suất cao hơn đáng kể so với mức trần mà pháp luật đặt ra là 20%/năm.
Một số cửa hàng cầm đồ bị phát hiện tính lãi khoảng 3% mỗi tháng, hoặc 36% mỗi năm. Lãi suất này cao hơn đáng kể so với mức lãi suất trung bình từ 5,23% đến 5,78%/năm của 5 ngân hàng hàng đầu ở Hàn Quốc – KB Kookmin, Shinhan, Woori, Hana và NongHyup.
Giới chuyên gia nhận định xu hướng phát triển mạnh mẽ của các cửa hàng cầm đồ là một dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng kinh tế đang xấu đi hoặc sự gia tăng của người tiêu dùng không có khả năng thanh toán.
Giáo sư Kang Kyung-hoon, chuyên gia quản trị kinh doanh của Đại học Dongguk, cho biết: “Cái gọi là tài chính tiệm cầm đồ thường phát triển mạnh trong nền kinh tế nghèo nàn, nơi không có đủ hỗ trợ tài chính từ những đơn vị cho vay cao cấp và thứ cấp. Sự phổ biến của nó không phản ánh một thực trạng lý tưởng, vì nó biểu thị vai trò hạn chế của định chế tài chính”.
Báo tin tức