MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các OTT tại Việt Nam làm gì để 'sống sót'?

20-08-2014 - 18:30 PM |

Cuộc chiến OTT - ứng dụng nhắn tin miễn phí - 2013 ngã ngũ với hai sản phẩm Viber và Zalo thống lĩnh thị trường.

Năm 2014, khi các chiêu trò tiếp thị thu hút người dùng dần trở nên nhàm chán, các nhà cung cấp OTT tại Việt Nam đang đứng trước thách thức mới: vừa chạy đua về số lượng người dùng vừa chạy đua về chất lượng sản phẩm.

Các cột mốc 2013

Đầu năm 2013, thị trường ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) tại Việt Nam rất sôi động với những chiến dịch quảng bá rầm rộ của 4 sản phẩm chính: WeChat, Line, Kakao Talk và Zalo. Trong các sản phẩm này, WeChat mạnh nhất với số lượng người dùng đạt gần 1 triệu, còn Zalo (sản phẩm Việt Nam duy nhất) đứng cuối bảng và vừa “chết hụt” vì đi sai đường khi mới ra đời.

Tuy nhiên, thế trận có chút thay đổi khi ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) Việt Nam là Zalo có bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng App Store (đứng số 1) sau những cải tiến mạnh mẽ về sản phẩm với việc chỉ tập trung vào nhắn tin nhanh, ổn định nhất trên mọi hạ tầng viễn thông.

Cuối tháng 1/2013, WeChat gặp scandal tích hợp bản đồ “Đường lưỡi bò” vào sản phẩm và bị người dùng Việt Nam phát hiện. Kể từ thời điểm này, WeChat lao dốc và mất vị trí dẫn đầu trên thị trường.

Trong khi đó, OTT đến từ Nhật Bản (Line) tận dụng cơ hội vượt lên với những chiến dịch quảng cáo truyền hình, ngoài trời, khuyến mại lớn… và trở thành OTT đầu tiên đạt 1 triệu người dùng vào cuối tháng 2/2013. Sau đó, Zalo đạt 1 triệu người dùng vào đầu tháng 3. Kakao Talk - OTT đến từ Hàn Quốc cũng cán mốc này vào thời điểm tương tự.

Cũng kể từ thời điểm này, cuộc đua “tam mã” (Line, Zalo, Kakao Talk) diễn ra vô cùng quyết liệt với những chiến dịch quảng bá cực lớn. Line oanh tạc quảng cáo trên các trang báo điện tử, quảng bá ngoài trời, kèm theo những chương trình khuyến mại lớn…

Kakao Talk tung bom tấn quảng cáo ồ ạt trên truyền hình vào giờ vàng, quảng cáo ở các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại… Cả 2 OTT ngoại đều tung nhiều triệu USD cho trận quyết đấu về truyền thông.

Tháng 5/2013, Zalo đánh dấu bước nhảy vọt so với các OTT ngoại với việc là ứng dụng đầu tiên vượt mốc 2 triệu người dùng - và trở thành sản phẩm có khả năng phát tán tự nhiên như Facebook.

Kể từ thời điểm này, ứng dụng Việt Nam tăng tốc mạnh mẽ và vượt trội so với 2 đối thủ ngoại là Line và Kakao Talk sau những cải tiến tốc độ nhắn tin và chạy ổn định trên mọi hạ tầng viễn thông 2,5G-3G-4G và Wifi tại Việt Nam.

Cuộc chiến OTT 2013 - cuộc chiến pha 1 chạy đua về người dùng tạm ngả ngũ khi Zalo công bố đã vượt mốc 10 triệu người dùng vào dịp đầu năm mới, Viber sở hữu mức người dùng tương tự. Trong khi Line chỉ dừng lại ở con số khoảng hơn 4 triệu, còn Kakao Talk đã âm thầm rút khỏi Việt Nam.

Từ cuộc đua số lượng đến chất lượng

Năm 2014, thị trường OTT xuất hiện hai “tân binh” là Beetalk và Btalk nhưng chỉ gây ồn ào trên phương diện truyền thông rồi biến mất chứ không tạo ra bất cứ sự thay đổi thế trận nào so với kết quả định sẵn vào cuối năm 2013. Thị trường dần như phân cực cho Zalo và Viber.

Sau hàng loạt chiêu trò thu hút người dùng đã được hai bên triển khai “nhan nhản”, các chuyên gia dự đoán OTT nào tạo khác biệt trong chất lượng sản phẩm sẽ là kẻ sẽ chiếm nhiều ưu thế hơn trong việc thống lĩnh thị trường.

Từ cuối tháng 12/2013, Viber tung ra gói Viber Out, cho phép người dùng có thể gọi điện tới cả số điện thoại cố định với chi phí rẻ. Với cước phí khoảng 400 đồng/phút, Viber rẻ hơn gọi Skype, cho phép liên lạc được với các số di động, cố định.

Đây là “xung nhịp” đầu tiên của tên tuổi OTT nước ngoài này trong cuộc chiến OTT nhằm thu hút người dùng và tìm kiếm doanh thu sau một khoảng thời gian dài cung cấp dịch vụ miễn phí.

Gói Viber Out giúp lượng người dùng tăng lên đáng kể, tuy nhiên, chất lượng kết nối của sản phẩm OTT ngoại này vẫn còn là một dấu chấm hỏi lớn đối với đội ngũ vận hành khi người dùng thường xuyên than phiền rằng không thể thực hiện cuộc gọi hay gửi nhận tin nhắn. Tình trạng bị quấy rầy bởi quảng cáo, tin nhắn rác cũng là điểm trừ ứng dụng này.

Về phía OTT nội Zalo, ứng dụng này đang bước đầu liên kết quảng bá cùng một số nhãn hàng như Coca Cola, McDonald, Microsoft….cũng như tiếp tục miệt mài cải tiến sản phẩm trước sức ép của việc chạy đua công nghệ.

Ngoài ra, voice message (tạm dịch là tin nhắn thoại) hiện đang là xu hướng công nghệ tiềm năng sẽ phát triển song hành cùng các thiết bị di động thế hệ mới mà nhiều hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Apple, Samsung…đều đang theo đuổi.

Bình luận về cuộc chiến này, ông Nguyễn Thế Tân, Phó tổng giám đốc VC Corp cho rằng: “Cuộc cạnh tranh giữa các OTT không căn cứ vào việc họ có nhiều tính năng mới hay ho, hoành tráng hay không mà ở việc có nhắn tin nhanh, ổn định hay không. Phần lớn người dùng chỉ quan tâm đến tính năng cơ bản chứ ít sử dụng các tính năng đặc sắc, nó chỉ tô màu cho ứng dụng mà thôi. Và ứng dụng nào làm cái cơ bản tốt ở một thị trường mới, sơ khai thì sẽ vượt lên.”

Trong bối cảnh thị trường mobile và Internet thay đổi nhanh mỗi ngày, nơi hàng triệu công ty có thể ra đời trong một tiếng và không một “đế chế” nào được bảo chứng là hoàn toàn vĩnh cửu thì thách thức lớn nhất có lẽ là việc luôn có tư duy mới đáp ứng được áp lực cạnh tranh mới, dù đó có là những ý tưởng điên rồ.

Có lẽ, đây là bài toán hóc búa cho các OTT trong cuộc chiến mới chạy đua về công nghệ trên nền tảng hạ tầng để chinh phục người dùng địa phương. Kẻ giải được bài toán về chất lượng ấy mới có khả năng tiến xa hơn và giành được trái ngọt.

>> Vì sao OTT của các nhà mạng vẫn chưa xuất hiện? 

anhnt

Theo Vietnam+

Trở lên trên