Câu chuyện cổ tích Flappy Bird được viết như thế nào?
Vô danh trong suốt nửa năm kể từ khi được đưa lên App Store và Play Store, Flappy Bird bắt đầu viết nên câu chuyện cổ tích mới của làng công nghệ Việt từ cuối năm 2013.
- 10-02-2014Chủ tịch FPT Software lên tiếng về 'cha đẻ' Flappy Bird
- 10-02-2014Flappy Bird bị xóa sổ, ai là người chiến thắng?
- 10-02-2014Cha đẻ Flappy Bird bị dọa giết vì gỡ bỏ game
- 10-02-2014Flappy Bird: "Người Việt đố kỵ, thế giới tung hô"?
- 10-02-2014Đo độ 'cuồng' Flappy Bird trên toàn cầu trước ngày khai tử
- 10-02-2014Flappy Bird bị khai tử, game Việt có những bài học mới
Flappy Bird mang phong cách của những game từ thập niên 90. Người dùng phải liên tục nhấn vào màn hình để điều khiển chú chim vượt qua các chướng ngại vật là những ống cống màu xanh. Trò chơi kết thúc khi chú chim chạm vào chướng ngại vật và người dùng sẽ được tính 1 điểm nếu vượt qua một ống cống.
Âm thầm xuất hiện
Ít người biết, Flappy Bird bắt đầu được phát hành trên App Store từ hồi tháng 5/2013. Sau đó một tháng, bản Flappy Bird dành cho thiết bị chạy Android cũng được đưa lên Google Play. Trò chơi này lặng lẽ xuất hiện như chính tính cách của người viết ra nó.
Trong hơn nửa năm, Flappy Bird là cái tên vô danh trộn lẫn trong hàng trăm nghìn phần mềm trên App Store lẫn Google Play. Hà Đông là một nhà phát triển game độc lập, giống như hàng chục nghìn developer khác trên toàn thế giới. Họ hàng ngày ngồi sáng tạo các trò chơi, đưa lên các gian ứng dụng bán hoặc kiếm tiền qua quảng cáo.
Theo những người làm trong ngành game di động, đây là mảnh đất hứa hẹn, nhưng cạnh tranh khốc liệt. Với việc đưa một ứng dụng lên gian phần mềm của Apple, Google hay thậm chí BlackBerry, Windows Phone, các tác giả chỉ mong thu lại con số vài nghìn USD mỗi tháng.
Câu chuyện cổ tích của chàng developer Hà Nội bắt đầu khoảng cuối 2013. Cuối tháng 11, đầu tháng 12, Flappy Bird bắt đầu phát triển bùng nổ. Ngày 27/1/2014, gamer nổi tiếng PewDiePie với hơn 22 triệu lượt người theo dõi trên YouTube cho đăng tải một video giới thiệu về Flappy Bird với tiêu đề "đừng chơi game này". Video nói trên đã thu hút hơn 9 triệu lượt người xem, tính đến thời điểm hiện tại.
Bước ra ánh sáng
Ngày 1/2/2014, TechCrunch cho đăng tải một bài viết về Nguyễn Hà Đông, trong đó anh thừa nhận mình đã gặp may với Flappy Bird: "Trước Flappy Bird, không một game nào của tôi đạt được một phần nghìn sự phổ biến như vậy".
Ở thời điểm đầu tháng 2/2014 (trùng với Tết Âm lịch tại Việt Nam), Flappy Bird thực sự trở thành một hiện tượng toàn cầu với 50 triệu lượt tải về trên 2 kho ứng dụng App Store và Google Play, khoảng 2 triệu lượt tải mỗi ngày, thu hút khoảng 47.000 lượt người dùng đánh giá trên App Store - tương đương với những ứng dụng đình đám như Evernote hay Gmail (300.000 lượt đánh giá trên cả 2 kho ứng dụng).
Flappy Bird đã thực sự trở thành cơn sốt trên toàn cầu. Nhiều người ví von hiện tượng này giống như Gangnam Style của Hàn Quốc. Có khoảng 200.000 video nói về trò chơi này trên YouTube, hàng triệu lượt tìm kiếm. Điều đặc biệt, Flappy Bird phổ biến ở Bắc Mỹ, châu Âu nhiều hơn tại quê hương Việt Nam. Flappy Bird khiến người dùng đập phá điện thoại, nổi khùng vì khó chinh phục. Tuy nhiên, hầu hết những người chơi đều thừa nhận họ nghiện và cho điểm cao tựa game này.
Flappy Bird dẫn đầu danh sách các ứng dụng miễn phí trên App Store. |
Trở thành tâm điểm của giới truyền thông
Cũng từ thời điểm này, Hà Đông và Flappy Bird trở thành người được giới truyền thông đặc biệt săn đón. Những tờ báo hàng đầu thế giới như Forbes, Huffington Post, Times... đều chia sẻ, họ khó tiếp cận với chàng trai viết game này.
Trong một bài phỏng vấn trên The Verge hôm 5/2, Hà Đông chia sẻ anh kiếm được 50.000 USD mỗi ngày từ tiền quảng cáo trên Flappy Bird. Theo Hà Đông, lý do khiến game này đặc biệt thu hút người dùng là do nó khác biệt với phần lớn game di động hiện nay, và nó là một trò chơi lý tưởng để người chơi cạnh tranh với nhau.
Bắt đầu từ đây, hàng loạt những thông tin theo chiều hướng xấu ập đến với Hà Đông. Ban đầu là tin đồn Nintendo có thể bắt Đông đền bù 6 tỷ USD vì vi phạm bản quyền hình ảnh các ống cống màu xanh, hay Tổng cục Thuế đã bắt đầu để ý đến khoản thu nhập của Hà Đông. Một số khác đặt nghi vấn cho rằng Hà Đông đã gian lận để đạt thứ hạng cao trên App Store, thậm chí nghi ngờ tác giả sao chép ý tưởng làm game từ một số sản phẩm trước đó.
Tất cả những thông tin nói trên đều có xu hướng một chiều, không được kiểm chứng nhưng đã gây ra rất nhiều phiền toái cho một người làm lập trình như Hà Đông. Từ thời điểm này, Hà Đông bắt đầu dừng toàn bộ việc tiếp xúc với truyền thông. Anh cũng đã hơn một lần khẳng định trên tài khoản Twitter của mình rằng, mọi người đang đánh giá quá mức thành công của game Flappy Bird và mình đang quá tải về sự nổi tiếng bất ngờ này.
Quyết định gây tiếc nuối
2h sáng ngày 9/2, Hà Đông bất ngờ tuyên bố xin lỗi người chơi Flappy Bird và sẽ gỡ bỏ ứng dụng này khỏi App Store và Google Play sau 22 giờ nữa. Lúc đó, vẫn có một số ý kiến cho rằng đây là một chiêu PR có chủ đích của tác giả Flappy Bird. Tuy nhiên, đến khoảng gần 1h sáng ngày 10/2, game Flappy Bird đã hoàn toàn biến mất khỏi 2 kho ứng dụng App Store và Google Play.
Trong một dòng tweet đăng tải hôm 8/2, Hà Đông thừa nhận: “Flappy Bird là một thành công, nhưng nó đang phá tan cuộc sống vốn đơn giản của tôi. Và giờ, tôi ghét nó”. Bản thân Đông cũng khẳng định, việc anh gỡ bỏ Flappy Bird không liên quan gì đến các vấn đề về pháp lý. Anh cũng sẽ không bán đứa con tinh thần của mình và sẽ tiếp tục làm game.
Những dòng tweet của Nguyễn Hà Đông, khẳng định anh sẽ gỡ bỏ game Flappy Bird. Ảnh chụp màn hình. |
Theo đánh giá chung của giới công nghệ, việc Hà Đông gỡ bỏ Flappy Bird khi nó đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất là một sự đáng tiếc, nhưng đây là quyết định đúng đắn của anh.
“Dân công nghệ thường có cuộc sống khá đơn giản và khép kín. Họ chỉ muốn tập trung làm việc vì đam mê của họ. Thời gian vừa qua, truyền thông đã gây ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của tác giả, vì thế việc gỡ bỏ game sẽ làm giảm thiểu áp lực này”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty ePi Technologies nhận định.
Ngoài ra, việc gỡ bỏ Flappy Bird trên 2 kho ứng dụng cũng không ảnh hưởng đến doanh thu của game, bởi người dùng đã tải game về vẫn đang chơi và tạo ra doanh thu từ quảng cáo. “Flappy Bird chỉ mất đi khi tất cả mọi người xóa trên máy hoặc không chơi nữa. Có thể nó sẽ xảy ra trong vài tháng tới khi mọi thứ đã hạ nhiệt, nhưng chắc chắn không phải lúc này”, ông Tuấn chia sẻ thêm.