Khởi nghiệp di động: Đừng sợ không nhận được đầu tư
Đại diện Appota và mWork, 2 doanh nghiệp đi đầu thị trường Việt Nam về lĩnh vực di động cho biết, đây là một mảnh đất với rất nhiều cơ hội rộng mở cho các khởi nghiệp thực sự đam mê và hoài bão.
- 13-04-2014Công thức khởi nghiệp kinh doanh cơ bản
- 05-04-2014Điểm danh các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam
- 03-04-2014Khởi nghiệp có phải chỉ dành cho người trẻ?
- 18-03-2014Các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á nên 'nhảy' vào ngành nào ?
- 11-03-2014Muốn khởi nghiệp thành công cần có những tố chất gì ?
“Miếng bánh” di động đang chờ được khai phá
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường GfK: Thị trường smartphone Việt Nam hiện đang đứng top khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng 156% về số lượng smartphone tiêu thụ và 113% về tổng số giá trị thiết bị bán ra. Ước tính cả năm 2013, người Việt chi 40.400 tỉ VNĐ cho điện thoại di động, tăng trưởng 33% năm 2012. Những báo cáo và các con số cho thấy tiềm năng liên quan đến smartphone tại Việt Nam là rất lớn.
Cùng với đó, thị trường ứng dụng di động cũng mới bùng nổ tại Việt Nam trong năm 2013 và đến năm 2014 đã xuất hiện nhiều điểm sáng mang tên ứng dụng di động “made in Vietnam”. Một số ứng dụng còn lọt vào bảng xếp hạng toàn cầu và được người dùng yêu thích như Flappy Bird, InKredible, School Cheater, Ninja revenge…
Chia sẻ về thị trường di động Việt, ông Trần Anh Dũng CEO mWork nói: “Trong 2 năm tới, thị trường mobile sẽ trở nên rõ ràng, các xu hướng sẽ được định hình, startup phải cực kỳ sáng tạo, làm những điều chưa ai làm được, mới có thể đủ sức gia nhập thị trường. Còn hiện tại, cơ hội là cho tất cả mọi người vì chưa có ai thực sự chiếm lĩnh thị trường này.” Rõ ràng môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực di động tại Việt Nam đang là một mảnh đất vô cùng màu mỡ.
Đừng sợ không nhận được đầu tư
Bên cạnh các nhà đầu tư và quỹ quen thuộc ở Việt nam như IDG, CyberAgent, Vietnam Sillicon Valley,… năm 2014 có đến 8 quỹ đầu tư mới được thành lập. Số tiền và số thương vụ năm 2014 cũng kỳ vọng sẽ tăng lên đáng kể. Hơn nữa, với xu thế phát triển của di động, các nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở để quan tâm hơn đến lĩnh vực này.
Chia sẻ về vấn đề vốn khi khởi nghiệp, cả 2 nhà sáng lập mWork và Appota đều đồng ý rằng, giai đoạn đầu khi khởi nghiệp, tiền không quan trọng. Chỉ cần startup còn sống và đam mê với khởi nghiệp, thậm chí phải sống khổ vẫn có thể khởi nghiệp được. Về vấn đề gọi vốn đầu tư, hai ông cũng cho biết, ngày nay không còn chuyện khởi nghiệp đi tìm nhà đầu tư mà cả nhà đầu tư cũng đi tìm khởi nghiệp. Startup nên tích cực chia sẻ ý tưởng, chủ động liên hệ các trang tin khởi nghiệp như TechCrunch, Tech in Asia, khi đó cơ hội để nhà đầu tư biết đến và tiếp cận khởi nghiệp sẽ cao hơn nhiều.
Ông Đỗ Tuấn Anh - CEO Appota và ông Trần Anh Dũng - CEO mWork chia sẻ về khởi nghiệp di động ở Việt Nam tại sự kiện Tech in Asia Meetup Hà Nội
Đánh giá về lý do thất bại của startup di động ở Việt Nam, ông Đỗ Tuấn Anh, CEO Appota chia sẻ: “Một trong những lý do thất bại của startup là do sản phẩm làm ra chưa tạo ra nhiều ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng cũng chưa đạt mức đột phá đến đất nước và ngành công nghệ nói chung nên chưa nhận được sự đánh giá, quan tâm đúng mức từ nhà nước. Tầm nhìn tương lai của Appota là tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong khu vực để tạo ra sự thay đổi tích cực cho cộng đồng khởi nghiệp Việt.”
Với tầm nhìn này, ông Tuấn Anh cho hay Appota sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ khởi nghiệp để cùng phát triển cộng đồng khởi nghiệp Việt. Đầu năm 2014, công ty này đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của JOY Entertainment, một game studio trẻ tại TP.HCM với sản phẩm Chiến Binh CS, game bắn súng của Việt Nam với tiêu chuẩn game quốc tế.
Như vậy, các khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực di động hoàn toàn có thể tin tưởng vào tiềm năng thị trường, cơ hội từ nhà đầu tư, và cơ hội từ cả sự hỗ trợ của các đàn anh đi trước. Chỉ cần có đam mê, hoài bão và một ý tưởng thì không sợ không nhận được đầu tư.
Theo Đức Nguyễn