Máy bay không người lái đâu chỉ để bắn giết
- 30-06-2013Viettel sắp trình làng máy bay không người lái đầu tiên
- 28-06-2013Giới trẻ Mỹ đổ xô khởi nghiệp với máy bay không người lái
- 07-06-2013Domino Pizza giao bánh bằng máy bay không người lái
- 06-05-2013Hành trình chế tạo máy bay không người lái đầu tiên của Việt Nam
- 04-05-2013Việt Nam chế tạo thành công máy bay không người lái
Nội dung nổi bật:
- Được đánh giá là một thị trường tiềm năng và đem lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng máy bay không người lái (UAV) thương mại ở Mỹ vẫn còn đợi thời cơ để cất cánh.
- Một nghiên cứu mới đây cho thấy thị trường UAV thế giới năm 2013 trị giá tới 89 tỉ USD.
- Tuy nhiên sử dụng UAV gây quan ngại về quyền riêng tư. Hiện chín bang của Mỹ đã thông qua luật cấm sử dụng UAV, bất kể là với mục đích riêng do cá nhân điều khiển hay các cơ quan công quyền.
Nghe nói đến máy bay không người lái (UAV), nhiều người sẽ tưởng tượng ngay đến các chiến dịch không kích chết chóc của quân đội Mỹ ở Pakistan, Afghanistan hay Yemen. Tuy nhiên, ngoài việc tham gia các chiến dịch quân sự, UAV trong thời gian qua đã chứng minh rằng chúng làm được nhiều hơn thế, từ cứu trợ cứu nạn, chăn cừu, hướng dẫn du lịch, khảo cổ, chở hàng, làm phim... đến khả năng do thám.
Hiện nhu cầu về UAV của quân đội Mỹ được cho là đã đạt đỉnh, như Financial Times cho biết, các nhà sản xuất đang hướng đến việc bán thiết bị này cho khách hàng dân sự trong nước. Đó là một thị trường mà giới kinh doanh kỳ vọng sẽ trị giá hàng chục tỉ USD. Một nghiên cứu mới đây cho thấy thị trường UAV thế giới năm 2013 trị giá tới 89 tỉ USD.
Nhiều ứng dụng và tiềm năng
Quốc hội Mỹ năm ngoái đã quyết định UAV nên được hòa nhập vào không phận thương mại của nước này vào năm 2015. Tuy nhiên, cần ban hành nhiều luật và quy định đảm bảo cho việc sử dụng UAV với mục đích thương mại.
Theo Financial Times, những người ủng hộ UAV trong thương mại khẳng định thiết bị này sẽ đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả việc theo dõi bão, thậm chí là thay đổi bộ mặt của nhiều ngành nghề như vận chuyển hàng hóa hay làm nông.
Hiện có hơn 20 bang ở Mỹ đang tranh nhau trở thành một trong sáu địa điểm thử nghiệm việc sử dụng UAV trong nước với niềm tin ngành công nghiệp này sẽ tạo ra công ăn việc làm mới với mức lương tốt.
Phó giám đốc điều hành Hiệp hội Phương tiện không người lái quốc tế, bà Gretchen West chỉ ra rằng công nghệ UAV là một công cụ giúp cho bất kỳ ngành nghề nào trở nên hoạt động hiệu quả hơn. “Đơn cử như đối với nông nghiệp, UAV có thể chụp ảnh cả cánh đồng để người nông dân có thể xác định những vấn đề đang xảy ra đối với vụ mùa mà không cần phải đi bộ hết khu vực trồng trọt - bà West nói - Trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, chúng ta có thể dùng UAV để tìm một đứa trẻ đi lạc trong rừng dễ dàng hơn mà không cần phải đi sâu vào khu vực, nhất là khi có thời tiết xấu hoặc địa hình hiểm trở”.
Tuy nhiên theo CNN, thực tế phức tạp hơn nhiều so với những gì người ta hình dung. Việc sử dụng UAV trên thế giới hầu hết do nhà nước quản lý. Khi đi vào các hoạt động mang tính thương mại, nhiều nước đã đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt.
Hiện nay Mỹ không cho sử dụng UAV thương mại. Các UAV dân dụng, dù là với mục đích nghiên cứu hay tiêu khiển, bị áp đặt một số giới hạn như không bay cao quá 400 feet (122m), không được bay ở các khu vực dân cư hay vượt ra khỏi tầm mắt của người điều khiển.
Bà West nhận xét nếu chậm trễ trong việc đưa ra các quy định về UAV thì mỗi năm Mỹ có thể mất khoảng 10 tỉ USD. “Tôi nghĩ Mỹ đang là nước dẫn đầu về công nghệ này và nếu chúng ta đợi quy định càng lâu thì càng có nguy cơ mất vị thế của người đi trước” - bà nói và chỉ ra rằng hiện nhiều nước đã cho phép UAV thương mại cất cánh.
Bà cũng cho biết nhiều nhà sản xuất UAV của Mỹ phát triển được những sản phẩm tuyệt vời nhưng không thể sử dụng được trong nước nên đành phải hướng đến các thị trường nước ngoài. Như trường hợp của công ty Mỹ 3D Robotics chuyên sản xuất UAV phục vụ mục đích tiêu khiển. Người phát ngôn của công ty này, bà Sue Rosenstock nói một nửa nguồn kinh doanh của họ là ở nước ngoài, những nơi ít hạn chế về UAV như Úc chẳng hạn.
Tại Úc, theo CNN, tháng trước dư luận chú ý đến việc công ty cho thuê sách giáo khoa Zookal tuyên bố sẽ dùng UAV để giao sách trong năm tới. Công ty Flirtey hiện đang xin phép Cơ quan An toàn hàng không dân dụng Úc để có thể cung cấp thiết bị cho Zookal vào năm sau.
Quan ngại về quyền riêng tư
Có nhiều tiềm năng và công dụng là vậy nhưng UAV gần đây bị ảnh hưởng từ vụ bê bối nghe lén của Chính phủ Mỹ do cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) Edward Snowden tiết lộ. Vụ việc đã góp phần làm trầm trọng thêm các mối quan ngại về rủi ro đối với quyền riêng tư khi sử dụng UAV trong không phận Mỹ. Nhiều nghị sĩ Mỹ cũng tỏ ý lo ngại về vấn đề này.
Theo CNN, hiện chín bang của Mỹ đã thông qua luật cấm sử dụng UAV, bất kể là với mục đích riêng do cá nhân điều khiển hay các cơ quan công quyền. Financial Times cho biết nhiều bang khác cũng đang soạn các dự luật hạn chế sử dụng UAV, điều mà một số lãnh đạo kinh doanh tin rằng sẽ bóp chết thị trường UAV ngay từ khi mới ra đời.
Giáo sư luật Ryal Carlo thuộc Trường đại học luật Washington phân tích: “Luật về quyền riêng tư đã đi sau công nghệ do thám nhiều năm. Có thể chúng ta phải giải quyết một thực tế là người dân không mường tượng ra được vấn đề là gì nhưng họ có thể hình dung được do thám bằng UAV sẽ ra sao”.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng UAV là chất xúc tác để luật về quyền riêng tư được sửa đổi tốt hơn.
Theo Việt Phương