Những đóng góp của Nokia cho công nghệ thế giới trong 150 năm tồn tại
Biết chớp lấy cơ hội kinh doanh và không lấy làm tự mãn bởi ánh hào quang của thành công trong quá khứ là bài học được rút ra từ trường hợp của Nokia.
- 27-04-2014Nhân viên khóc than vĩnh biệt Nokia
- 26-04-2014Microsoft hoàn tất thương vụ thâu tóm Nokia
- 21-04-2014Nokia sẽ đổi tên thành Microsoft Mobile Oy
- 20-01-2014Công nhân Samsung, Nokia Việt Nam: Làm phòng 'sạch' vẫn có thể ung thư
- 03-01-2014Nokia chính thức khai tử Symbian và Meego
- 02-12-2013Việt Nam là 1 trong 8 thị trường quyết định tương lai Nokia
- 28-11-2013Về tay Microsoft, Nokia còn lại gì?
Hạt giống của sự thăng hoa của Nokia ngày nay được gieo trồng khi hãng sản xuất bộ phận điện tử (electronics section) của truyền hình cáp vào năm 1960. 2 năm sau, họ sản xuất thiết bị điện tử đầu tiên là một xung phân tích trong nhà máy điện nguyên tử. Năm 1967, phần này được tách riêng ra và bắt đầu sản xuất thiết bị viễn thông.
Trong những năm 1970, Nokia tham gia nhiều hơn vào ngành công nghiệp di động với sản phẩm DX Nokia 200, một switch điện tử cho điện thoại. DX Nokia 200 dần trở nên thông dụng do sự linh hoạt và đa dụng. Tính linh hoạt trong cấu trúc của nó cho phép Nokia sản xuất nhiều hơn những mặt hàng switch điện tử làm lợi cho công nghiệp di động. Năm 1984, hãng bắt đầu công cuộc xây dựng phiên bản dành cho mạng điện thoại di động Bắc Âu Nordic Mobile Telephony, mạng di động đa quốc gia đầu tiên trên thế giới, mở ra nền tảng cho sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp di động sau đó.
Những thành tựu đột phá
Dù đã bắt tay vào nghiên cứu thiết bị di động từ rất sớm nhưng phải mãi tới năm 1987, Nokia mới chế tạo ra chiếc điện thoại di động đầu tiên, thực sự là điện thoại “cầm tay” như trong thế giới ngày nay. Có thể coi đây là một trong số các thiết bị viễn thông đã đặt nền móng cho ngành công nghiệp sản xuất di động sau này. Nhờ đó, Nokia đã tiếp tục tung ra rất nhiều sản phẩm cho từng phân đoạn thị trường với nhiều giao thức kết nối bao gồm GSM, CDMA và W-CDMA (UMTS) và cũng sở hữu những dịch vụ Internet cho phép người dùng có thể truy cập vào để tải âm nhạc, bản đồ, tin nhắn, trò chơi cùng nhiều tiện ích khác.
Sau này, với nền tảng sẵn có, hãng điện thoại phần Lan đã nhận được khá nhiều thành tựu khi tung ra mẫu Nokia 7650 là mẫu điện thọai di động GMS có tính năng chụp ảnh đầu tiên trên thị trường, một cú bứt phá ngoạn mục và chỉ 5 năm sau là chiếc N73 với máy ảnh 3,2 megapixel hỗ trợ ống kính Carl Zeiss chuyên nghiệp. Người dùng cũng chẳng phải chờ lâu khi vào năm 2005, Nokia N92 đã xuất hiện và trở thành chiếc điện thọai di động xem được truyền hình theo công nghệ DBV-H đầu tiên trên thế giới đồng thời phá vỡ giới hạn "truyền hình di động". Nhờ những thành tựu đạt được cùng các bước đi đột phá, hãng đã tạo ra xu hướng thiết bị di động hội tụ cho ngành sản xuất điện thoại như ngày nay.
Hệ điều hành Symbian huyền thoại
Ở thời kỳ hoàng kim của mình, hệ điều hành Symbian được đánh giá là khá thân thiện, dễ tùy biến và nhiều ứng dụng. Thế mạnh của hệ điều hành Symbian là giao diện đơn giản, dễ sử dụng cho bất kỳ ai lần đầu tiếp cận, không đòi hỏi cấu hình phần cứng cao, nhiều ứng dụng đáng giá và cộng đồng người dùng đông đảo. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, khi Android và iOS đang thống lĩnh thị trường smartphone thì nhiều người dùng vẫn chọn Symbian chỉ bởi sự đơn giản và tính hiệu quả mà hệ điều hành này đem lại. Do đó, Symbian được hỗ trợ nhiều bởi hãng điện thoại Nokia và tích hợp vào hầu hết điện thoại cao cấp của hãng. Trong khoảng thời gian từ 2003-2007, Nokia cùng Symbian đã đạt doanh số rất cao và Symbia được coi là biểu tượng cao cấp cùng các điện thoại tiêu biểu như Nokia 6600 và Nokia 7610.
Tuy nhiên, điểm yếu nhất của Symbian ngay cả khi nó đang thịnh hành là sự không tương thích giữa các phiên bản, dẫn đến khó khăn cho các nhà phát triển phần mềm của hãng thứ 3, từ đó cũng khiến phần mềm dành cho Symbian tuy nhiều mà ít. Một điểm nữa, là hầu hết các thiết bị chạy Symbian đều gắn với phiên bản hệ điều hành của nó vĩnh viễn, do đó, người dùng không thể nâng cấp hệ điều hành trên thiết bị cũ của mình. Dù sau đó, những thiết bị Symbian cuối cùng của Nokia đã khắc phục được nhược điểm trên nhưng lúc này Android và iOS đã trở nên quá phổ biến.
Những điện thoại không thể nào quên
Nokia đã rất khôn ngoan khi xây dựng chỗ đứng cho mình trên cả thị trường cao cấp và bình dân. Dành cho đối tượng khách hàng kỳ vọng vào công nghệ mới nhất, Nokia từng tung ra chiếc N95 bao gồm trình duyệt Internet, nghe nhạc, bộ nhận tín hiệu GPS vệ tinh và khả năng kết nối Wi-Fi... Thậm chí những mẫu điện thoại bình dân của Nokia cũng có những tính năng mở rộng khiến một số lượng lớn khách hàng thu nhập thấp cảm thấy thú vị khi lần đầu tiên có trong tay một chiếc điện thoại di động. Chẳng hạn, mẫu Nokia 1200 với giá chỉ 45 USD của Nokia có thể chạy tới 2 tuần mà không cần xạc pin, đồng thời có cả đèn flash tích hợp.
Ngoài ra, cũng không thể nhắc tới hàng loạt những sản phẩm để đời như Nokia N-Gate - chiếc điện thoại "Game Boy" với thiết kế độc đáo và chức năng linh hoạt, Nokia 8800, chiếc điện thoại có giá lên tới hàng ngàn USD chỉ dành cho "dân chơi" hoặc đơn giản và mộc mạc như Nokia 1110 nhưng lại vô cùng nổi tiếng. Đồng hành với những sản phẩm đó, Nokia đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng các hệ thống phân phối và mạng lưới bán lẻ tại các nước đang phát triển. Nhờ vậy, vào thời kỳ hoàng kim, đây là hãng điện thoại di động số một ở Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi.
Chuỗi cung cấp tuyệt vời
Có lẽ, điểm ấn tượng nhất của Nokia đó là đã thành công trong việc chuyển sang sản xuất các mẫu điện thoại giá rẻ trong khi vẫn duy trì được tỷ suất lợi nhuận cao. Chẳng hạn, trong quý 1/2007, lợi nhuận thuần của hãng là 1,3 tỷ USD trong khi doanh thu là 13,4 tỷ USD. Trong đó, Nokia thu lợi nhuận lớn từ thị trường cấp thấp vì chuỗi cung cấp và hệ thống sản xuất của hãng hoạt động cực kỳ hiệu quả.
Hãng cũng duy trì được sự kiểm soát đối với chi phí thông qua việc sử dụng chung linh kiện giữa các thiết bị và thiết kế những mẫu điện thoại có ít linh kiện hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Những hoạt động như vậy đã giúp Nokia vươn lên vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng hàng năm của công ty nghiên cứu thị trường AMR Research dành cho các nhà điều hành chuỗi cung cấp, trên cả những quán quân trong như Toyota và Wal-Mart. Do đó, đây cũng có thể coi là bài học cho các nhà sản xuất di động hiện nay trong việc chớp lấy cơ hội kinh doanh và tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm hợp lý.
Tạm kết
Từ những chiếc điện thoại giá 750 USD kiểu cách, được tích hợp hệ thống định vị toàn cầu cho tới những chiếc điện thoại cơ bản giá chỉ 45 USD với màn hình đen trắng, Nokia đã làm bão hòa thị trường điện thoại di động theo cách mà cả Motorola hay bất kỳ một đối thủ cạnh tranh nào khác tại thời điểm đó không thể bắt chước nổi. Chuỗi sản phẩm đáng nể bao gồm khoảng 100 mẫu của Nokia chỉ là một trong số nhiều lý do tại sao hơn 1/3 số điện thoại di động trên thế giới hiện nay có xuất xứ từ Espoo, ngoại ô thủ đô Helsinki của Phần Lan, nơi đặt đại bản doanh của Nokia.
Ngoài ra, kết quả khảo sát và thăm dò dư luận trên khắp thế giới cho thấy gần như người nào sử dụng điện thoại di động cũng đều từng có lần sử dụng điện thoại di động của Nokia. Và trong thế giới thương hiệu với vô vàn các loại thương hiệu khác nhau, chỉ có rất ít thương hiệu làm được như vậy. Thêm vào đó, những đóng góp và thành tựu của Nokia đối với thị trường viễn thông thế giới trong khoảng 50 năm trở lại đây là không thể chối bỏ. Dù đã chính thức thuộc về ông lớn khác nhưng chắc chắn thương hiệu Nokia sẽ luôn nằm trong tim của mỗi người. Tạm biệt Nokia, tạm biệt những chiếc điện thoại đã từng vinh quanh một thời!