MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức mang tên Robot

20-03-2013 - 15:03 PM |

Công nghiệp robot phát triển mạnh, mang lại những lợi ích lớn cho con người, nhưng kèm theo đó là không ít thách thức. Một câu hỏi lớn là liệu chúng có thể thay thế và dần dần đẩy con người ra đường.

Foxconn, nhà gia công hàng điện tử lớn nhất thế giới, đã quyết định đầu tư 1 triệu robot để thay thế công nhân vào năm 2014. Quyết định này được xem là hợp lý khi Foxconn đang đối mặt với chi phí nhân công tăng cao, cùng với nỗ lực cải thiện năng suất, hiện đại hóa doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, xu hướng ứng dụng robot vào sản xuất cũng đang diễn ra. Vào tháng 4 tới, tại tỉnh Bình Dương, Vinamilk sẽ khánh thành nhà máy sản xuất sữa có công suất lên tới 400 triệu lít sữa/năm, tương đương 9 nhà máy hiện nay của Vinamilk cộng lại. Điều đặc biệt là việc vận hành nhà máy phần lớn sẽ do các robot đảm nhiệm.Trước Vinamilk, một số các nhà máy đã áp dụng công nghệ cao này như Ford Việt Nam, Bia Sài Gòn hay các công ty chế tạo linh kiện, thiết bị điện tử.

Có nhiều lý do khiến robot được ưa chuộng trong các nhà máy như có tính ổn định hơn, chính xác hơn, năng suất lao động cao hơn con người, nhất là trong các công đoạn sản xuất có tính lặp lại và nhàm chán.

Một lý do quan trọng khác liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp là tiền lương công nhân đang tăng nhanh tại các quốc gia vốn được xem là công xưởng sản xuất của thế giới như Trung Quốc, Thái Lan. Thậm chí cả tại Việt Nam, xu hướng tăng lương cũng đang diễn ra. Theo quy định, kể từ ngày 1.1.2013, mức lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc ở doanh nghiệp đã tăng thêm khoảng 250.000-350.000 đồng/người/ tháng.

Đã có 160.000 robot công nghiệp được bán ra trên thế giới năm 2012

Theo Liên đoàn Quốc tế về Robotics (IFR), năm 2012, thế giới đã mua 160.000 robot công nghiệp, gần bằng con số của năm 2011 - năm kỷ lục về lượng robot bán ra. “Tự động hóa bằng robot là chìa khóa chiến lược để nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh cho tất cả các doanh nghiệp dù lớn, trung bình hay nhỏ”, Arturo Baronecelli, Phó Chủ tịch IFR, nói.

Công nghiệp robot phát triển mạnh, mang lại những lợi ích lớn cho con người, nhưng kèm theo đó là không ít thách thức. Một câu hỏi lớn là liệu chúng có thể thay thế và dần dần đẩy con người ra đường.

Đã có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề này. Theo hãng tin Bloomberg, tỉ lệ thất nghiệp cao hiện nay tại Mỹ và châu Âu một phần là do việc sử dụng máy móc ngày càng nhiều trong nền kinh tế. Nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman nhận xét: “Không còn nghi ngờ gì nữa, tại một số quốc gia công nghiệp cao, công nghệ đang thay thế con người. Thậm chí có nhiều công việc đòi hỏi kỹ năng cao cũng bị mất đi”.

Tuy vậy, theo Bloomberg, công nghệ tự động cũng có những mặt tích cực. Ngoài việc thay thế con người, nó còn mang lại những cơ hội kinh doanh mới. Tất cả đều phụ thuộc hoàn toàn vào cách công nhân, doanh nghiệp và các nhà làm chính sách chuẩn bị cho xu thế này, thậm chí thay đổi cả các đặc điểm xã hội để phù hợp với tiến trình này.

Thực tế, vẫn có nhiều việc robot không thể thực hiện được. Và con người hơn hẳn robot ở sự uyển chuyển trong công việc. Ví dụ, con người có thể chấp nhận làm việc bán thời gian theo mùa vụ. Amazon, chẳng hạn, đã thuê 50.000 nhân viên làm việc bán thời gian trong mùa mua sắm vừa qua vì tháng Giêng là tháng duy nhất trong năm nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến.

Giáo sư Rodney Brooks thuộc Đại học MIT cho rằng: “Máy móc sẽ hỗ trợ, chứ không phải cạnh tranh với con người”. Ông chỉ ra rằng máy tính cá nhân không thể thay thế vị trí các nhân viên văn phòng mà chúng chỉ thay đổi công việc họ từng làm mà thôi.

Những tranh luận về tác động tiêu cực cũng như tích cực của robot đối với con người sẽ còn tiếp tục. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng robot sẽ ngày càng thông minh hơn và con người sẽ phải thay đổi để thích ứng với chúng, khai thác lợi ích từ chúng để nâng cao hiệu quả công việc, thậm chí phải tổ chức lại cách thức vận hành của nền kinh tế. “Một khi chúng ta tìm ra cách thức làm việc chung với robot, chúng ta thậm chí có thể còn yêu chúng nữa”, Bloomberg nhận xét.

tanhoa

Theo Nhịp cầu Đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên