MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng dụng nhắn tin: Kinh doanh kiểu lãng mạn

25-03-2013 - 21:22 PM |

"Nếu chỉ xét tới khía cạnh kinh doanh, VNG sẽ không đầu tư làm những sản phẩm như Zalo hay Zing. Chúng tôi coi việc cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế là một sự lãng mạn lớn của những người làm kỹ thuật”, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG, cho biết.

Nói vậy nhưng trên thị trường, VNG đang cố gắng quảng bá mạnh mẽ cho ứng dụng tin nhắn miễn phí Zalo của mình để giành giật thị phần với các đối thủ khác cả trong và ngoài nước.

Liên tục đổi ngôi

Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2011, đến nay đã có khoảng 10 nhà cung cấp ứng dụng tin nhắn miễn phí như Line (Nhật), Kakao Talk (Hàn Quốc), Viber (Israel), Wechat (Trung Quốc), Zalo (VNG)... Vào thị trường sớm nhất, Wechat nhanh chóng thu hút người dùng và trở thành ứng dụng được nhiều người dùng nhất trong một thời gian khá dài.

Đến giữa năm 2012, những ứng dụng của các nhà cung cấp Việt Nam như Wala và Zalo bắt đầu gia nhập thị trường và nhanh chóng thu hút người dùng. Trong vòng 1 tháng kể từ ngày ra mắt, Wala cho biết đã thu hút 15.000 lượt tải. Trong khi đó, VNG đã nhanh chóng đẩy mạnh Zalo với nhiều chính sách kích cầu rầm rộ nhất như quảng cáo liên tục, chọn người nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng làm đại diện.

VNG cũng nhanh chân kết hợp với Nokia để cài sẵn Zalo trên tất cả điện thoại Asha tại Việt Nam. Đến nay, bảng thứ hạng các dịch vụ này đã thay đổi, trên bảng xếp hạng App Store Việt Nam, Zalo leo lên vị trí số 1 từ tháng 1.2013 cho tới nay. Xếp ngay sau là Line và Kakao Talk.

Tuy Zalo dẫn đầu trên App Store nhưng nếu xét về lượng người dùng trên tất cả các nền tảng thì Viber mới là ứng dụng giữ vị trí đầu. Viber đã công bố đạt 3,5 triệu người dùng tại Việt Nam, Line tuyên bố đạt 1 triệu thành viên, Kakao Talk, Zalo cũng lần lượt công bố đạt khoảng 1 triệu người dùng.


 Lượng người dùng của các ứng dụng

Cho đến nay, không có vị trí nào là cố định, lượng người dùng và thứ hạng của các công cụ này liên tục thay đổi do mỗi ngày họ đều có hàng chục ngàn người dùng mới tham gia hoặc rời bỏ.

Doanh thu đến từ đâu?

Đến nay, các nhà phát triển ứng dụng này chỉ đang chăm chăm thu hút người dùng khi liên tục đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Tết Quý Tỵ vừa qua, Zalo, Kakao Talk và LINE đều phát hành những bộ sticker xuân miễn phí tặng người dùng.

Cung cấp những dịch vụ hoàn toàn miễn phí cho người dùng lại còn phải tặng quà, vậy doanh thu của các doanh nghiệp này đến từ đâu?

Trong mô hình kinh doanh này, đầu tư về nhân lực và công nghệ không khó. Đầu tư rồi, nhà cung cấp không thu tiền trực tiếp mà chủ yếu thu tiền từ các ứng dụng cộng thêm và quảng cáo. Những nhà sáng lập Wala cũng cho biết, họ cung cấp miễn phí hoàn toàn cho người dùng và chỉ nhắm đến việc thu tiền từ quảng cáo.

Ông Vũ Hoàng Tâm, một chuyên gia về công nghệ cho rằng đa số các nhà phát triển ứng dụng chưa thể tính tới việc thu lợi nhuận từ các ứng dụng này. Hiện tại, họ chỉ cố gắng làm sao thu hút thật nhiều khách hàng, sau đó mới bán các sản phẩm kèm theo. “Hãy hình dung họ chiêu dụ bạn sống trong một khu dân cư miễn phí nhưng để sống được bạn phải mua những vật dụng thiết yếu như bàn chải, kem đánh răng, bàn, ghế”, ông Tâm nói. Hiện tại Line đã bán được Line sticker, Line photos, Line camera.

Có thể nhìn rõ mô hình này ở VNG, công ty này xây dựng một hệ sinh thái với nhiều sản phẩm, từ game, mua sắm, chat tới mạng xã hội. Họ chỉ thu tiền một vài dịch vụ chính, còn những dịch vụ khác được coi như giá trị cộng thêm cho khách hàng. 

kyanh

Theo Nhịp cầu đầu tư

Trở lên trên