Xu hướng đảo ngược khiến lãnh đạo châu Âu lo ngay ngáy
Từ Đức đến Pháp, Ba Lan và Tây Ban Nha, phe cực hữu đã thuyết phục được rất nhiều người trẻ ở những quốc gia quan trọng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua. Đây là thế hệ đang đi tìm những câu trả lời mới về địa - chính trị khu vực và quan tâm đến các chính trị gia thông thạo TikTok và YouTube.
- 12-01-2024Bầu cử sơ bộ Đảng Cộng hòa: Ông Trump vượt trội?
- 25-10-2023Bầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ: Ứng cử viên đảng Cộng hòa rút lui sau khi được đề cử
- 07-12-2022Đảng Dân chủ khẳng định chiến thắng tại Thượng viện Mỹ
Lực lượng cử tri trẻ thường có xu hướng thiên tả, tạo nên làn sóng ủng hộ các đảng đề cao bảo vệ môi trường trong cuộc bầu cử Liên minh châu Âu (EU) năm 2019. Họ được gọi là "Thế hệ Greta", theo tên nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg.
Nhưng sau đại dịch COVID-19, cuộc xung đột ở Ukraine và khủng hoảng chi phí sinh hoạt, nhiều người trẻ châu Âu chuyển sang ủng hộ các đảng cực hữu dân túy, khi những đảng này chạm đến nỗi lo của họ, thể hiện trong kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 9/6 vừa qua.
Khi lãnh đạo của các phong trào chống chủ nghĩa dân tộc, chống thể chế thường thạo truyền thông xã hội hơn các chính trị gia truyền thống, họ đang tạo nên dấu ấn của phong trào phản văn hóa mang tính đảo ngược trong một bộ phận giới trẻ.
Theo các nhà phân tích, phong trào này đặc biệt thu hút những nam thanh niên cảm thấy bị bỏ lại phía sau và bị kiểm duyệt trong dòng chính.
“Đức đang đi theo hướng không tốt và họ là đảng duy nhất có thông điệp thực sự rõ ràng về vấn đề di cư”, Christoph, 18 tuổi, một sinh viên ngành thương mại ở Berlin, giải thích về việc bỏ phiếu cho đảng AfD. Đảng này chủ trương hạn chế nhập cư và chống xu hướng mà họ gọi là “Hồi giáo hóa ở Đức”.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Infratest dimap thực hiện, sự ủng hộ dành cho AfD tăng 11 điểm lên 16% trong nhóm dưới 25 tuổi, và tăng 5 điểm trong dân số chung.
Thay đổi này giúp AfD giành được vị trí thứ 2 trên toàn quốc, kết quả chưa từng thấy trước đây.
Dù phe cực hữu không thuyết phục được toàn bộ cử tri trẻ và họ cũng chỉ là nhóm tương đối nhỏ ở lục địa đang già hóa dân số, xu hướng này vẫn khiến các đảng chính thống lo lắng, trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử sớm vào cuối tháng này ở Pháp và bầu cử liên bang ở Đức vào năm tới.
Một cuộc khảo sát gần đây trong giới trẻ Đức cho thấy nhóm cử tri này ngày càng lo lắng về lạm phát, nhà ở đắt đỏ và chia rẽ xã hội, và ít lo lắng hơn về biến đổi khí hậu.
Đảng Xanh chỉ giành được 11% phiếu bầu của giới trẻ trong cuộc bầu cử vừa qua, giảm 23 điểm.
Simon Schnetzer, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Họ không còn cảm thấy rằng, nếu làm việc chăm chỉ thì tương lai sẽ tốt đẹp hơn và họ thất vọng trước các đảng cầm quyền”.
Ông cho biết, những khó khăn kinh tế khiến người trẻ cảm thấy thuyết phục hơn khi nghe những lời hùng biện chống di cư của AfD.
Tại Pháp , đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu chiếm 25% phiếu bầu của nhóm cử tri từ 18-24 tuổi.
Dù phần lớn thanh niên ở hai cường quốc hàng đầu EU vẫn ủng hộ các đảng cánh tả, nhưng xu hướng mới khiến nhiều người lo lắng.
“Tôi lo lắng khi thấy phe cực hữu muốn trục xuất cả những người đã có quốc tịch Đức như tôi. Nhưng Đức là nhà của tôi”, Ensar Adanur, 17 tuổi, người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, chia sẻ.
Gây tranh cãi để tăng tương tác
Các nhà phân tích cho biết, sự thành thạo của các đảng cực hữu trên các kênh ưa thích của cử tri trẻ, như Tiktok, YouTube và Telegram, là yếu tố lớn giúp họ ngày càng được ủng hộ.
Nghiên cứu gần đây về giới trẻ Đức cho thấy 57% thanh niên nắm tin tức và chính trị thông qua mạng xã hội. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cũng như nhiều chính trị gia chính thống, mới gia nhập TikTok vài tháng trước.
Ruediger Maas, người sáng lập Viện Nghiên cứu thế hệ ở Augsburg, cho biết các thuật toán của mạng xã hội ưu tiên những thông điệp gây tranh cãi, vì chúng tạo ra lượng tương tác nhiều hơn nội dung nghiêm túc.
Ví dụ, Maximilian Krah, ứng cử viên hàng đầu của AfD cho cuộc bầu cử EU, gây sốt trên TikTok với thông điệp sốc gửi đến nam thanh niên: "Đừng xem phim khiêu dâm, đừng bỏ phiếu cho đảng Xanh, hãy ra ngoài tận hưởng không khí trong lành .. . Những người đàn ông thực sự là cánh hữu."
Ông có khoảng 53.300 người theo dõi trên TikTok, trong khi ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ Xã hội trung tả và đảng Xanh chỉ có tương ứng là 11.000 và 2.652 người theo dõi.
“Thế hệ của tôi không thực sự biết về chính trị nhưng chúng tôi luôn nghe về AfD”, Christoph cho biết.
Ở Tây Ban Nha, Alvise Perez, một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, giành được 6,7% phiếu bầu của giới trẻ, sau khi thực hiện chiến dịch kêu gọi chống nhập cư và chống tham nhũng gần như độc quyền trên Instagram và Telegram.
Đảng cực hữu Vox, vốn rất mạnh trên TikTok, nhận được 12,4% phiếu bầu từ nhóm cử tri dưới 25 tuổi. Xavier, một sinh viên đại học 22 tuổi đã bỏ phiếu cho Vox, cho biết: “Có vẻ đó (Vox) là đảng duy nhất thực sự phản đối chính phủ trong những vấn đề cấm kỵ như nhập cư hoặc giới tính”.
Tiền Phong