MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu hướng làm việc kết hợp sẽ tạo nên tỷ lệ trống văn phòng Mỹ tăng kỷ lục năm 2030

28-02-2023 - 11:49 AM | Bất động sản

Cushman & Wakefield ước tính thị trường sẽ chỉ cần khoảng 4,61 tỷ feet vuông văn phòng, nghĩa là sẽ có khoảng 1,1 tỷ feet vuông trống vào năm 2030, cao hơn 55% so với mức được quan sát trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Báo cáo về thị trường văn phòng Mỹ của Cushman & Wakefield báo động lượng không gian trống sẽ cao hơn 55% so với trước đại dịch.

Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield, thị trường Mỹ có tổng cộng 5,56 tỷ feet vuông sàn văn phòng, với triển vọng tăng đến mức 5,68 tỷ feet vuông ở cuối thập kỷ này.

Tuy nhiên, với làn sóng lao động hybrid dần tăng trong tương lai, Cushman & Wakefield ước tính thị trường sẽ chỉ cần khoảng 4,61 tỷ feet vuông văn phòng, nghĩa là sẽ có khoảng 1,1 tỷ feet vuông trống vào năm 2030, cao hơn 55% so với mức được quan sát trước khi xảy ra đại dịch. Trong số không gian trống đó, 330 triệu feet vuông sẽ là lượng sàn văn phòng Cushman & Wakefield dự đoán sẽ bị "thừa" bởi vì các công ty bắt đầu áp dụng rộng rãi mô hình làm việc kết hợp.

Xu hướng làm việc kết hợp sẽ tạo nên tỷ lệ trống văn phòng Mỹ tăng kỷ lục năm 2030 - Ảnh 1.

Trước dịch quý IV/2019, mật độ trung bình trong một văn phòng ở Mỹ là 190 feet/nhân viên. Tỷ lệ này đã giảm 7,9% trong ba năm qua và dự kiến sẽ còn thắt chặt hơn nữa khi hệ sinh thái làm việc hybrid phát triển.

Báo cáo của Cushman & Wakefield cho rằng mối liên hệ giữa nhu cầu thuê của các công ty và tỷ lệ tăng trưởng việc làm chưa thật sự được nối lại sau dịch Covid-19. Khách thuê bắt đầu muốn tìm diện tích văn phòng nhỏ hơn so với số lượng người lao động vì không phải tất cả đều sẽ làm việc ở văn phòng thường xuyên.

Ở thị trường đang phát triển như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội lại đang chứng kiến những diễn biến ngược lại. Các tòa nhà văn phòng hiện hữu thuộc mọi hạng mục đều đang hoạt động tốt, với tỷ lệ lấp đầy trung bình ít thay đổi qua các năm ở mức 95%.

"Mặc dù chúng tôi nhận thấy rằng một số tập đoàn đã áp dụng hình thức làm việc kết hợp vào hoạt động của họ, nhưng phần lớn các công ty tại Việt Nam vẫn còn do dự vì nhiều lý do," bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Quốc gia của Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định.

Ở các thành phố lớn của Việt Nam, nhà ở và căn hộ vẫn có diện tích nhỏ hơn, nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Quy chuẩn này, cùng với sự tụt hậu về công nghệ và internet tại nơi làm việc, khiến thị trường lao động Việt Nam khó chấp nhận hình thức làm việc kết hợp. Bất động sản văn phòng vẫn là một trong những tài sản được tìm kiếm nhiều nhất trên thị trường.

Với việc các công ty quốc tế và địa phương vẫn tăng nhu cầu nâng cấp không gian văn phòng, tăng số lượng nhân viên và mở rộng hoạt động, thị trường văn phòng sẽ tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trong một thập kỷ tới.

Vì vậy, một số chiến lược tái tạo tài sản cũ được chuyên gia Cushman & Wakefield đưa ra cho nhà đầu tư như tái định vị, cải thiện các tiện nghi của tòa nhà, xây dựng các dịch vụ bền vững cũng như cải thiện tính cộng dồng bằng cách tạo ra các dịch vụ và sự kiện hướng đến cư dân sinh sống và làm việc xung quanh bất động sản.

Đồng thời, tái sử dụng chuyển đổi công năng tòa nhà thành tài sản công nghiệp, khoa học đời sống hoặc chăm sóc sức khỏe.

Trong tương lai, sản phẩm văn phòng muốn đáp ứng đòi hỏi của khách thuê thế hệ mới sẽ cần nhiều yếu tố liên quan đến ESG, công nghệ cao, trải nghiệm chất lượng và giao thông kết nối.

Trong lịch sử, bất động sản văn phòng luôn được các quỹ đầu tư và tổ chức đầu tư tin tưởng về khả năng tạo ra dòng tiền ổn định và hiếm có những thay đổi. Tuy nhiên, đại dịch đã tạo cơ hội cho những mô hình làm việc mới như work-from-home hoăck hybrid được áp dụng, khiến các doanh nghiệp nhận ra rằng mô hình văn phòng truyền thổng hoàn toàn có thể thay đổi.

Bà Trang kết luận: "Trong tương lai, các nhà đầu tư cần phải tái cơ cấu lại khoản đầu tư của mình, và đa dạng các danh mục đầu tư để giảm áp lực trong bối cảnh xu hướng hybrid không ngừng được ủng hộ và phổ biển".

Theo Hồng Hạnh

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên