Xu hướng mua sắm ''cũ người mới ta'': Vì sao ngày càng nhiều người chuộng hàng "second-hand" đến thế?
Xu hướng mua bán và sử dụng đồ cũ không còn chỉ là niềm đam mê của những tín đồ ưa chuộng đồ cổ mà dần trở thành thói quen mua sắm của nhiều người trong cuộc sống hiện đại. Đồ cũ được ưa chuộng bởi chúng mang đến vô vàn lợi ích cho người tiêu dùng.
- 15-07-2022AP Royal Oak: Chiếc đồng hồ từng bị chê bai nay "gồng gánh" cả một thương hiệu, trở thành biểu tượng của địa vị và giàu có
- 11-07-2022Vì sao đồng hồ Rolex GMT có 2 màu đỏ và xanh: Đẹp mắt thôi chưa đủ, ẩn ý đằng sau hết sức thuyết phục
- 09-07-20229 mẫu đồng hồ đặc trưng nhất quý ông nên sở hữu: Chiếc đắt nhất có giá vài tỷ đồng lại không phải Rolex
Xu hướng mua sắm ''cũ người mới ta''
Với tất cả chúng ta, cụm từ ''đồ cũ'', ''đồ sida'' dần trở nên phổ biến. Nhắc đến chúng, người ta nghĩ ngay đến các sản phẩm đồ gia dụng, đồ trang trí, quần áo, thiết bị gia đình... đã qua sử dụng, được bán lại với mức giá chỉ bằng 1/3, 1/2 giá gốc, thậm chí còn rẻ hơn gấp nhiều lần.
Có thể nói, xu hướng mua sắm đồ cũ tại Việt Nam thể hiện rõ nhất từ những người đam mê đồ cổ. Với họ, các vật dụng cũ kỹ mang đậm nét đẹp của thời gian chính là niềm đam mê, sự thích thú đến tột độ. Đó có thể là những món đồ trang trí trong các gia đình trung lưu, quan lại xưa như: ấm chén, bát đĩa, chạn bát, giường tủ, đũa thìa, bàn là... hay xe máy, xe đạp cổ.
''Đồ cũ'' còn dùng để chỉ các sản phẩm khác như sách cũ hay phổ biến nhất phải kể đến các món đồ thời trang đã qua sử dụng. Xu hướng sử dụng các món đồ thời trang cũ rộ lên từ những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước. Người ta thường truyền tai nhau cái tên ''đồ hàng thùng'' và ''đồ sida'' khi muốn tìm mua những chiếc áo, chiếc quần do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (viết tắt là SIDA) vận chuyển để hỗ trợ các nước nghèo.
Dần dần, thói quen mua sắm và sử dụng các mặt hàng ''cũ người mới ta'' trở thành trào lưu, xu hướng được người người nhà nhà ưa chuộng. Đến nay, việc thu mua và bán lại đồ cũ ngày càng phát triển và mở rộng. Không chỉ đơn thuần là các cửa hàng đồ cũ, mà sự xuất hiện của những khu chợ đồ cũ - nơi thu mua các mặt hàng gia dụng (chợ đồ cũ Vạn Phúc, chợ đồ cũ Thưởng Thưởng, Nhật Tảo, Tân Thành,...) hay những khu chợ si chuyên mua bán quần áo cũ (Chợ si Đông Tác, Chợ si Hoàng Hoa Thám,...) cũng ngày một nhiều. Chưa dừng lại ở đó, nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các nhóm ''chợ trời'' được thành lập để nhà nhà thanh lý đồ đạc, rao bán các sản phẩm lẻ hoạt động ngày một sôi nổi. Tuy hoạt động dưới nhiều hình thức mua bán khác nhau nhưng đây đều là nơi để các tiểu thương, cá nhân giao lưu trao đổi hàng hoá, là địa chỉ mua sắm lý tưởng cho những người thích săn tìm, sử dụng và sưu tầm đồ cũ.
Vậy vì sao đồ cũ được ưa chuộng?
Sở hữu những món đồ mới là điều mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng mong muốn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ tài chính để có được chúng. Vì vậy, sự xuất hiện của các món đồ cũ, đồ thanh lý chính là giải pháp vô cùng hợp lý, vừa phù hợp với túi tiền của nhiều người mà vẫn có chất lượng ổn định, thậm chí là ''chạy tốt như mới''. Ngoài ra, việc mua bán và sử dụng đồ cũ còn mang lại rất nhiều tiện ích khác cho người tiêu dùng.
Mua đồ cũ vì nó rẻ
Một trong những yếu tố hấp dẫn người tiêu dùng lựa chọn các món đồ cũ chính là vì giá thành rẻ cực rẻ của chúng. Đây có thể coi là lợi thế lớn nhất của các món hàng đã qua sử dụng so với các mặt hàng mới, giúp chúng ''được lòng'' nhiều người. Trên thực tế, việc chọn mua các mặt hàng cũ sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm một khoản lớn chi phí mua sắm. Tùy thuộc vào chất lượng của sản phẩm mà người mua và người bán có thể trả giá phù hợp. Với các mặt hàng đồ gia dụng, với mức chi từ 50k - 300k, bạn có thể sở hữu những món đồ vẫn còn hoạt động tốt, mẫu mã cũng vô cùng đa dạng. Với mặt hàng thời trang, giá thành các sản phẩm còn có thể rẻ hơn gấp nhiều lần. Với 500k trên tay, bạn dư sức mua được 7 - 10 món đồ tại các khu chợ si.
Mẫu mã đa dạng, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn
Các mặt hàng đồ cũ thường được người bán nhập từ nhiều nguồn khác nhau nên chúng có sự phong phú về mẫu mã, chủng loại. Đặc biệt phải kể đến mặt hàng thời trang, nguồn nhập của tiểu thương thường đến từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia,... và cả các kiện đồ hỗ trợ từ nước ngoài nên khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn so với việc ghé qua một cửa hàng thời trang thông thường. Sự đa dạng không chỉ đến từ mẫu mã, kiểu dáng mà chúng còn đến từ chất liệu và thương hiệu. Nếu chăm chỉ tìm kiếm, bạn hoàn toàn có thể ''săn'' được những sản phẩm hàng hiệu nổi tiếng với chất lượng tốt, giá rẻ .
Đồ cũ có tính độc lạ
Nhiều người thích mua đồ cũ vì muốn tìm kiếm những món đồ độc lạ, các món đồ cổ để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Chính vì vậy nên các khu chợ đồ cũ, đồ cổ luôn là địa điểm lý tưởng để những ''nhà sưu tầm'' giao lưu, mua bán các món đồ độc lạ chuẩn ''cũ người mới ta''.
Giảm tác động đến môi trường
Trong lĩnh vực thời trang, việc sử dụng đồ cũ góp phần giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường. Bởi hiện nay, công nghiệp thời trang được xem là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, vì vậy việc khách hàng đầu tư cho các sản phẩm thời trang đã qua sử dụng hay còn gọi là hàng second-hand được coi là giải pháp tránh lãng phí, giảm thiểu chất thải do sản phẩm quần áo cũng như thân thiện hơn với môi trường.
Không phải tự nhiên đồ cũ được ưa chuộng và nhanh chóng trở thành xu hướng mua sắm bùng nổ trong cuộc sống hiện đại. Từ người có thu nhập thấp đến những gia đình có điều kiện hơn cũng đều ưa thích những món đồ đã qua sử dụng và chẳng ngại đổ xô săn tìm chúng khắp nơi. Có thể nói, thói quen mua sắm đồ cũ dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay. Nhiều người thích dùng đồ cũ vì chúng rẻ và hợp túi tiền, có người lại mê cái vẻ xưa cũ nhuốm màu thời gian của đồ cũ và chỉ có chúng mới thể hiện hết con người và cá tính của họ.
Ảnh: Sưu tầm
Trí thức trẻ