Xu hướng tiêu dùng của người dân ASEAN thay đổi ra sao hậu Covid-19?
Dịch Covid-19 đã gây ra những thay đổi đáng chú ý trong hành vi của người tiêu dùng. Một số đã gây ra những biến động trong ngắn hạn, trong khi đó vài tác động khác ảnh hưởng tới hành vi của người tiêu dùng và thói quen chi tiêu trong dài hạn.
- 25-07-2020Thấy gì từ việc máy in Canon gần 400 linh kiện nhưng nhà cung cấp Việt Nam chỉ dừng lại ở việc sản xuất linh kiện nhựa?
- 24-07-2020Lý gì Samsung Việt Nam không mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam?
Trong khi đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới và có khả năng còn kéo dài tới năm 2021, Hiệp hội các nước ASEAN lại đang trên đà phát triển vượt bậc về tiến bộ kinh tế xã hội. Trong thập kỷ tới, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, với giá trị thị trường lên tới 4 nghìn tỷ USD.
Tuy có hướng phát triển khác nhau nhưng có điểm chung là các thành viên trong khối đều có dư địa và cơ hội lớn trong việc phát triển, mở rộng thị trường.
Dự án mang tựa đề "Tương lai của xu hướng tiêu dùng tại các thị trường tăng trưởng nhanh" của tập đoàn Bain & Company thường tập trung vào các thị trường mới nổi, chiếm 40% dân số thế giới. Sau khi nghiên cứu Trung Quốc và Ấn Độ vào các năm 2017 và 2018, hiện dự án đã chuyển đối tượng phân tích sang ASEAN trong giai đoạn 2019 – 2020.
Đa số các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN được khảo sát dự đoán rằng ảnh hưởng của Covid-19 sẽ kéo dài đến hết quý 4 năm 2020 và nền kinh tế có thể hồi phục vào giữa năm 2021.
Đại dịch đã gây ra những thay đổi đáng chú ý trong hành vi của người tiêu dùng. Một số đã gây ra những biến động trong ngắn hạn, trong khi đó vài tác động khác ảnh hưởng tới hành vi của người tiêu dùng và thói quen chi tiêu trong dài hạn.
Nhìn chung, vài xu hướng tiêu dùng mới sẽ dần xuất hiện trong khu vực ASEAN hậu đại dịch, với một vài sự khác biệt nhỏ ở mỗi quốc gia:
1. Chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng gấp đôi do sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu
Trong khi suy thoái kinh tế do ảnh hưởng từ Covid-19 sẽ tác động tiêu cực tới tâm lý người tiêu dùng dẫn tới giảm chi tiêu, hành vi này sẽ dần được điều chỉnh khi các nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính tăng trưởng GDP hàng năm của ASEAN sẽ giảm xuống 1% vào năm 2020 và tăng trở lại ở mức 5% vào năm 2021. Đến năm 2030, 70% dân số ASEAN sẽ thuộc tầng lớp trung lưu. Sự bùng nổ của tầng lớp này sẽ tăng nhiều hơn gấp đôi mức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ trong khu vực.
2. Các dịch vụ kỹ thuật số sẽ ngày càng đồng bộ và phổ biến
Đại dịch đang thúc đẩy tương lai của kỹ thuật số với nhiều người tiêu dùng thực hiện giao dịch mua sắm trực tuyến. Trên toàn khu vực, tổng thời gian phát trực tuyến trên thiết bị di động đã tăng 60% từ ngày 20/1 đến 11/4 năm nay.
Tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, người dùng bỏ ra khoảng 4,2 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng điện thoại di động. Con số này gấp khoảng 1,2 lần số liệu trung bình toàn cầu. Thế hệ trẻ thì có thời gian sử dụng trung bình lên đến 5 giờ, theo báo cáo của Hootsuite.
Nghiên cứu của Bain & Co thì cho thấy khoảng 65% người dùng sẽ chuyển đổi sang các nhãn hiệu khác nếu thương hiệu cũ không còn đáp ứng được nhu cầu của họ.
3. Đại dịch Covid-19 sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số khi chính phủ và doanh nghiệp đang cố gắng tìm cách cung cấp nhu yếu phẩm cho các cộng đồng dễ bị tổn thương
Bain & Co cũng cho rằng dân số nghèo sẽ được tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các ví điện tử với số lượng tham gia nhiều gấp ba lần hiện tại vào năm 2030.
4. Các mặt hàng địa phương sẽ chiếm ưu thế cạnh tranh
Khoảng 80% người tiêu dùng Indonesia cho rằng họ ưa thích sử dụng các nhãn hàng có nguồn gốc từ địa phương hơn là các thương hiệu toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm.
5. Xu thế bán hàng đa kênh tiếp tục nở rộ
Dịch bệnh đã tạo ra cơ hội phát triển cho lĩnh vực thương mại điện tử. Nhìn chung, lĩnh vực này có khả năng tăng trưởng ở mức hai con số, chiếm khoảng 13% doanh số bán lẻ vào năm 2030, theo nghiên cứu từ cả Bain và Forrester.
Mặc dù cách ly xã hội đã gây ảnh hưởng lớn tới các kênh bán hàng trực tiếp như cửa hàng tiện lợi hay trung tâm thương mại nhưng những đối tượng này vẫn có thể phát triển các dịch vụ tài chính kỹ thuật số hoặc giao hàng tận nơi để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
6. Sự thuận tiện sẽ trở thành thước đo mới
Theo khảo sát của Bain & Co, cứ trong 3 người tiêu dùng thành thị tại ASEAN lại có 1 người xếp hạng tiện lợi là tiêu chí hàng đầu khi mua hàng. Ngoài ra, 2 người còn lại sẽ sẵn sàng từ bỏ quyền riêng tư dữ liệu để có được sự thuận tiện.
Những phát hiện này cho thấy có nhiều cơ hội đang rộng mở cho các doanh nghiệp FinTech phát triển trong lĩnh vực mua sắm và chuyển phát hàng hóa.