MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu hướng tiêu dùng thay đổi thế nào trong Covid-19

27-10-2020 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Covid-19 đã tạo ra nhiều xu hướng tiêu dùng mới, khiến các doanh nghiệp cần linh hoạt thích ứng để tồn tại.

Chuyên phân phối thực phẩm cho bếp ăn nhà hàng, công ty, chuỗi thực phẩm của Anh Hoàng Hùng (Minh Khai, Hà Nội) kinh doanh tuột dốc khi một loạt đối tác quen đóng cửa trong dịch. Hạn chế đi lại giữa các địa phương do lệnh giãn cách hồi tháng 3 cũng khiến việc vận chuyển thực phẩm tới các tỉnh, thành gặp khó. Mặc dù đã triển khai bán hàng qua các kênh online từ trước nhưng đến lúc này, anh Hùng phải tính đến việc dồn lực xem đây là kênh bán hàng chính để cầm cự…

"Lượng khách mua online tăng 40% so với cuối năm. Bù lại, doanh nghiệp phải nhanh chóng đào tạo và phân bổ thêm nhân lực ở khâu chăm sóc khách hàng online cũng như đầu tư chi phí cho các chính sách ưu đãi và miễn phí giao hàng để giữ chân người mua", anh Hùng chia sẻ.

Chủ chuỗi thực phẩm này cũng cho biết thêm, hầu hết khách hàng thường inbox hỏi kỹ thông tin về nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm, vì không thể đến "nhìn tận mắt sờ tận tay". Làm thế nào để thuyết phục được người mua, quản trị khách hàng từ xa cũng là một vấn đề gây nhiều lúng túng cho đội ngũ bán hàng.

Cũng giống như công ty của anh Hùng, một doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực sản xuất cho biết cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự, nhưng ở mức độ bao quát và nghiêm trọng hơn, như tổn thất doanh thu, cạn kiệt nguồn vốn lưu động, mất tinh thần đội ngũ, đứt gãy chuỗi cung ứng. Covid-19 đã tạo nên những xu hướng tiêu dùng mới của khách hàng, đòi hỏi doanh nghiệp giải quyết những bài toán cấp bách, nhanh chóng phục hồi và thích ứng với sự thay đổi của người tiêu dùng.

Cắt giảm chi tiêu

Bán lẻ là ngành chịu tác động trực tiếp do sự sụt giảm trong tổng cầu, sức mua, khi người tiêu dùng có xu hướng gia tăng tiết kiệm, trì hoãn việc chi tiêu, cắt giảm mua sắm các sản phẩm không thiết yếu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam về ảnh hưởng của Covid-19 đến hành vi của người tiêu dùng, hơn 50% người dân đã giảm tần suất ghé các cửa hàng hiện hữu, trong khi 52% người được hỏi nói rằng họ gia tăng dự trữ hàng hóa tại nhà, 82% giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài.

Bên cạnh sức mua và doanh số giảm, doanh nghiệp bán lẻ còn đối mặt với những bất ổn trong chuỗi cung ứng, nguồn vốn duy trì hoạt động kinh doanh…Theo báo cáo của Vietnam Report, trong quý II năm 2020, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong ngành bán lẻ đã tăng 21% so với cùng kỳ.

Mua sắm trực tuyến

Bên cạnh thách thức trên, ngành bán lẻ cũng có nhiều điểm sáng nhờ tận dụng cơ hội từ dịch bệnh. Vì phải hạn chế đi lại, người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm online bởi an toànsức khỏe hơnso vớitại các cửa hàng truyền thống, dẫn đến sự bùng nổ của thương mại điện tử. Sự ưu ái này thể hiện trong khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam, khi 63% người tham gia cho biết sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. Trong đó, 35% số người được khảo sát dành nhiều thời gian hơn xem nội dung trực tuyến, 25% tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nền tảng và chuẩn bị sẵn các kịch bản phù hợp để thích ứng kịp thời với sự thay đổi trên. Chỉ các đơn vị đầu tư mạnh vào giải pháp công nghệ để tăng cường tiếp cận, tạo ra những trải nghiệm mới phù hợp với nhu cầu của khách hàng mới có thể tồn tại. Về lâu dài, dự báo những thay đổi về hành vi, nhận thức của khách hàng sẽ còn biến động, thậm chí mạnh mẽ hơn, buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng ở tất cả các khâu từ giới thiệu sản phẩm, mua sắm đến thanh toán và giao nhận.

Tăng cường sản phẩm chăm sóc sức khoẻ

Theo Nielsen, trongquý I, gần một nửa người tiêu dùng Việt tham gia khảo sát xếp hạng sức khỏe là mối quan tâm số 1, tỷ lệ này dẫn đầucác nước trên thế giới. Người tiêu dùng chú trọng tìm các sản phẩm được sản xuất với tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao, đồng thời có chứa chất dinh dưỡng bổ trợ & vitamin nhằm tăng sức đề kháng.

Mối quan tâm dành cho sức khoẻ gia tăng thể hiện trong giỏ hàng người tiêu dùng lựa chọn trong dịch. Trên sàn trực tuyến, các mặt hàng bách hóa, chăm sóc sức khỏe tăng lần lượt 45% và 32% lượng truy cập. Trong tháng 2, nhu cầu tìm mua online sản phẩm khẩu trang và nước rửa tay khô tăng 610% và 680% so với tháng 1, theo Báo cáo do iPrice Group và SimilarWeb công bố.

Xu hướng quan tâm đến sức khoẻ thậm chí có từ trước đại dịch, khi có đến 69% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn, vượt xa mức trung bình toàn cầu là 49%, theo Nielsen. Theo đó, những nhà sản xuất có thông tin về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng sẽ chiếm niềm tin, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng là thách thức, đồng thời là cơ hội đối với nhà bán lẻ để phục hồi và tiến xa sau dịch bệnh. Từ thực trạng này, Diễn đàn "Từ sống sót đến thịnh vượng" với chủ đề thứ 2: "Bán hàng thời Covid-19" do FPT tổ chức ngày 29/10 tới đây sẽ bàn về những biến động của thị trường trong bình thường mới.

Tại sự kiện, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam sẽ cùng nhau phân tích các xu hướng mới của khách hàng, các kênh bán, phân phối mới và những chuyển dịch của thị trường. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có những hoạch định chính xác trong việc tiếp cận khách hàng, phát triển thị trường đưa doanh nghiệp vươn lên.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên