MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lí nghiêm vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại Phú Quốc

27-03-2020 - 14:03 PM | Bất động sản

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 120/TB-VPCP về kết luận, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp xử lí các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng và đấu tranh với các băng, nhóm tội phạm hoạt động trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, những năm qua tỉnh đã xử lí được nhiều vụ việc vi phạm liên quan đất đai, trật tự xây dựng, an ninh trật tự và xử lí tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm.

Đối với lĩnh vực đất đai, tỉnh đã xử lí 231/308 vụ (đạt 75%), còn 77/308 vụ đang xác minh, củng cố hồ sơ tiếp tục xử lí theo qui định. Ở lĩnh vực xây dựng, tỉnh đã xử lí 189/229 vụ (đạt 82,5%), còn 40/229 vụ đang củng cố hồ sơ. Còn lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh hoàn tất xử lí 100% với 33 vụ. Ngoài ra UBND huyện Phú Quốc đã xử lí và luân chuyển nhiều cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm chưa được xử lí dứt điểm và xử lí cán bộ vi phạm chưa nghiêm, tình hình an ninh trật tự chỉ mới tạm ổn định.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục kiểm tra, rà soát và xử lí dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng theo qui định. Vi phạm nào có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xử lí. Các vi phạm mới phải kịp thời phát hiện và xử lí ngay, không để phát sinh thêm vi phạm.

Đối với các trường hợp lấn, chiếm, phá rừng, chuyển nhượng đất rừng quốc gia, rừng phòng hộ trái pháp luật, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục xử lí nghiêm. Trong quá trình xử lí cần rà soát, phân loại rõ trường hợp người dân đã đến sinh sống ổn định lâu dài với trường hợp người dân từ nơi khác đến phá rừng, chiếm đất bất hợp pháp để có biện pháp xử lí phù hợp theo đúng qui định.

Vi phạm nào có dấu hiệu tội phạm, UBND tỉnh phải xem xét, xử lí hình sự, nhất là đối với các đối tượng băng, nhóm "xã hội đen". Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cần chấn chỉnh công tác quản lí Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, an ninh trật tự và kiện toàn, củng cố bộ máy chính quyền, nhất là công tác cán bộ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang phát huy mô hình tổ liên ngành, trong đó lực lượng công an làm nòng cốt để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm trên địa bàn huyện Phú Quốc, không để các đối tượng "xã hội đen" lộng hành nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức kiểm điểm, xử lí nghiêm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Phú Quốc trong thời gian vừa qua. Theo yêu cầu của Thủ tướng, UBND tỉnh Kiên Giang báo cáo kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên đến Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/7/2020.

Xử lí nghiêm vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại Phú Quốc - Ảnh 1.

Khu đất hình thành trên 40 căn nhà phố, biệt thự xây dựng không phép. Theo lãnh đạo Xã Dương Tơ, những trường hợp xây dựng không phép như thế này đang diễn ra rất nhiều tại Phú Quốc.

Tính đến cuối năm 2019, huyện đảo Phú Quốc có khoảng 300 dự án, với tổng vốn đăng ký, cam kết đầu tư hơn 370.000 tỷ đồng, phần lớn dự án đầu tư lĩnh vực du lịch. Nhiều nhà đầu tư tiềm lực tài chính mạnh, tầm cỡ quốc gia, quốc tế trên lĩnh vực du lịch đã và đang đầu tư vào Phú Quốc. Điều này đã làm thay đổi đáng kể diện mạo du lịch, tạo đà cho ngành du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ, nguồn thu ngân sách từ đó cải thiện đáng kể.

Song, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và phát triển quá nóng, rất nhiều công trình của hộ gia đình và tổ chức đang xây dựng đều có dấu hiệu vi phạm Luật Xây dựng. Trước tình hình đó, tỉnh Kiên Giang đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý các vi phạm trong xây dựng trên địa bàn Phú Quốc. Theo đó, những công trình nào sai phạm, không phù hợp quy hoạch, đoàn kiểm tra sẽ ra quyết định xử phạt hành chính hoặc buộc tháo dỡ. Hàng loạt công trình sai phạm mặc dù đã bị cơ quan thanh tra, báo chí phanh phui, nhưng trên thực tế vẫn ngang nhiên tồn tại.

Theo tìm hiểu thực tế, được biết khu vực Bãi Trường, xã Dương Tơ hiện là một trong những điểm nóng vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại Phú Quốc. Cuối tuần qua, có mặt tại khu đất hình thành trên 40 căn nhà phố, biệt thự xây dựng không phép, tại đây có gần 10 căn đang thi công dang dở, bên trong mỗi công trình có 10-20 thợ xây làm việc. Chị T., làm nghề phụ hồ tại một công trình, cho biết đất ở đây mua bán sang nhượng bằng giấy tay, tùy kích thước, vị trí với giá dao động 500-800 triệu đồng/nền.

Vậy, nhưng theo những công nhân làm việc tại đây, không ai biết chủ nhân thật sự của các ngôi nhà ở đây. Chỉ biết rằng những ai có nhu cầu mua đất liên lạc với người tên Lâm, sống tại quận Tân Phú, TPHCM. Gọi vào số điện thoại của Lâm, người này cho biết đang sở hữu hơn 30 nền đất tại khu vực này.

Phần đất này được ông và vài người bạn hùn hạp mua của dân rồi phân lô bán. Mỗi lô diện tích 500m2, mặt tiền đường 24m có giá 1,2 tỷ đồng, cùng diện tích sâu bên trong giá 800 triệu đồng. "Đất mua bán giấy tay, xây theo mẫu nhà có sẵn. Xây dựng khi chưa có giấy phép sẽ bị phạt, nhưng không sao, muốn giàu phải mạnh bạo, liều lĩnh. 800 triệu đồng đầu tư cứ coi như không còn, nhưng đất còn đó, 2 năm sau có thể bán được 25 tỷ đồng/nền", ông Lâm trao đổi.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Dương Tơ, cho biết những công trình sai phạm nói trên được xây dựng bên trong phạm vi dự án của một công ty nhựa đóng trên địa bàn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định có 42 công trình nhà ở xây dạng bungalow. Thời điểm này, UBND xã Dương Tơ đang tập hợp hồ sơ, xin ý kiến UBND huyện Phú Quốc chỉ đạo xử lý. Nếu thực hiện theo đúng quy trình phải cưỡng chế tháo dỡ, để lấy đất giao cho nhà đầu tư. Hiện trên khu đất này có một số sổ đất giao khoán rừng trước đây vẫn chưa thanh lý, chủ tịch huyện đã chỉ đạo thanh lý cho người dân.

Cũng theo lãnh đạo xã Dương Tơ, với quy mô bao chiếm rộng trên nhiều vị trí khác nhau, lực lượng xã không thể làm nổi. Khi các cán bộ chức năng đến hiện trường lập biên bản sự việc thì không ai nhận là chủ đầu tư. Lực lượng chức năng cho kéo xe cuốc, thiết bị, vật tư về trụ sợ nhưng các công nhân cho biết họ chỉ làm thuê, không phải chủ xây dựng, cũng không phải chủ thầu. Do đó, chính quyền xã đang kiến nghị lên cấp trên nếu chủ nhà không xuất hiện sẽ ra thông báo phá dỡ. Đối với công trình có chủ sẽ lập biên bản xử lý hành chính, buộc phá dỡ.

Không chỉ phân lô bán nền trên đất của Nhà nước, xây dựng trái phép trên đất Nhà nước giao cho doanh nghiệp, nhiều dự án của doanh nghiệp khác trong khu vực cũng bị các đầu nậu, băng nhóm giang hồ đến bao chiếm. Các đối tượng này ngang nhiên chiếm đất Nhà nước phân lô bán. Trong thời gian tới, những khu vực phân lô, bán nền, xây dựng trái phép, UBND xã sẽ cắm biển cảnh báo để người dân, nhà đầu tư tránh sập bẫy...

Nam Phong

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên