MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý 25.000 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Thời gian qua, các cơ quan chức năng tại Việt Nam đã tiếp nhận 26.000 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và xử lý vi phạm tới 25.500 vụ việc với số tiền xử lý vi phạm tới gần 97 tỉ đồng.

Thông tin được đưa ra tại buổi tổng kết chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2 (2012 - 2015) (gọi tắt là Chương trình 168) vừa diễn ra tại Hà Nội.

Vi phạm nhiều lĩnh vực

Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Quốc Khánh cho biết: Hành vi xâm phạm quyền SHTT diễn ra trong nhiều lĩnh vực, từ các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, phần mềm máy tính đến các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại.

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ KHCN - cho biết, các lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã chủ trì phối hợp kiểm tra và tiếp nhận 25.966 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, sản xuất buôn bán hàng giả. Các lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 25.543 vụ việc. Trong đó, cảnh cáo 68 vụ, phạt tiền 23.197 vụ việc với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới gần 97 tỉ đồng. Đáng kể, các cơ quan chức năng đã khởi tố 381 vụ với 553 bị can, xét xử 55 vụ án trong đó có 12 vụ hình sự.

Tính riêng trong lĩnh vực phần mềm máy tính, theo báo cáo từ Bộ VHTTDL, từ 2006 - 2015, qua kiểm tra đột xuất 541 doanh nghiệp và tổng số 27.602 máy tính, Bộ VHTTDL đã phát hiện hành vi sao chép tác phẩm phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu và lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành 499 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 8,613 tỉ đồng.

Các cơ quan chức năng cũng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, tịch thu buộc tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 980 tấn thực phẩm chức năng các loại, 80.900 tấn phân bón, 45.678 hộp mỹ phẩm, 27.000 sản phẩm thuốc tân dược, 160.599 đĩa CD-VCD không tem nhãn bán tràn lan trên thị trường trong thời gian qua.

Rà soát lại văn bản pháp luật SHTT

Tuy nhiên, một thực tiễn cần nhìn nhận là công tác triển khai và thực thi SHTT tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, bất cập. Đáng kể là chế tài xử phạt còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe khi hầu hết các vụ việc vi phạm SHTT chủ yếu vẫn còn là xử lý vi phạm hành chính. Về cơ chế, một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa được thống nhất khi chế tài xử lý vi phạm về SHTT được quy định ở nhiều văn bản khác nhau nên gây khó khăn cho các đơn vị thực thi.

Mặt khác, phía doanh nghiệp và các chủ thể quyền trong SHTT còn chưa nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong giải quyết các vụ việc vi phạm SHTT. Đồng thời, hầu hết các doanh nghiệp còn đang có tâm lý e ngại sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm và ảnh hưởng đến thị phần của mình trên thị trường nên chưa phối hợp với các cơ quan chức năng. Ngoài ra các doanh nghiệp hiện nay (vừa và nhỏ) còn chưa có nguồn lực và KHCN đối với việc này.

Bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh Thanh tra Bộ KHCN - khẳng định: “Trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu gia tăng về bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (như VN-EU FTA, TPP), Việt Nam cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật SHTT về bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, quyền tác giả, nhập khẩu song song và đặc biệt là hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của hệ thống thực thi quyền SHTT. Với yêu cầu đó, Chính phủ Việt Nam, cùng toàn bộ hệ thống bảo hộ và thực thi quyền SHTT cần phải có những chuyển biến cơ bản để nâng cao hơn nữa tính hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế ngày càng cao của Việt Nam”.

Theo Khánh Linh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên