Xử lý nghẽn lệnh HoSE hết bao nhiêu và ai chi trả?
Không chỉ xử lý tình trạng nghẽn lệnh kéo dài hơn 6 tháng qua, hệ thống này còn đảm bảo vận hành ít nhất 12 tháng tới mà liên quan là chi phí.
Ngày 5/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ( HoSE ) chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới, thông suốt và có khả năng xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày.
Năng lực đó, theo một kênh BizLIVE tham khảo, có khả năng tải được khoảng 100.000 tỷ đồng giá trị giao dịch. Trong ngày đầu tiên vận hành, hơn 28.000 tỷ đồng về cơ bản giao dịch thông thoáng, ngoại trừ một vài thời điểm phần mềm của một số công ty chứng khoán có phần tải chậm.
Như vậy, sau gần 4 tháng kể từ khi đặt vấn đề vào cuộc xử lý, Công ty FPT đã thực hiện đúng mốc hẹn, dù khi đó nhiều hoài nghi trên thị trường, thậm chí cả chủ tịch một công ty chứng khoán lớn còn đặt ra vấn đề trách nhiệm nếu không xử lý được.
Đúng ra FPT đảm bảo mốc hẹn chỉ khoảng 3 tháng, bởi không phải họ lập tức vào cuộc ngay. Việc xử lý nghẽn lệnh tại HoSE còn phải trải qua thời gian từ ý tưởng đến lập đề án, trình bày các cấp, chờ chấp thuận triển khai… Và không kém quan trọng, phải có chi phí mới thực hiện được. Liên quan đến chi phí thì ai trả, HoSE và ngân sách nhà nước trả, hay FPT làm không công.
Dĩ nhiên FPT không thể làm không công, vì ít nhất cũng phải bổ sung các thiết bị phần cứng mới cho hệ thống. Và như trên, không hẳn khi đưa vào vận hành ngày 5/7 là xong, mà còn phải đảm bảo cho ít nhất 12 tháng tới.
Trước đó, ngày 10/3, tại hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Phó Chủ tịch HDBank đặt vấn đề các doanh nghiệp trong nước vào cuộc xử lý tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE thay vì chờ đợi đối tác nước ngoài, cũng như thụ động với các giải pháp tình thế. Khi đó bà Thảo nói các doanh nghiệp công nghệ trong nước sẽ xử lý được.
Với đề xuất của bà Thảo, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT cũng đề xuất phối hợp xử lý. Sau đó, trong một văn bản gửi Chủ tịch Sovico, ông Bình nhấn mạnh mốc hẹn với bà Thảo là sẽ xử lý xong vào cuối tháng 6.
Và cũng phải đến tháng 6, ngày 16, Bộ Tài chính mới có văn bản thống nhất phương án kỹ thuật giải quyết tình trạng nghẽn lệnh của HoSE. Văn bản đó có nội dung đáng chú ý: "Thống nhất với đề nghị của SGDCK TP.HCM về việc ký thỏa thuận với Công ty Cổ phần FPT hỗ trợ chi phí và vận hành hệ thống trong thời gian 12 tháng kể từ ngày hệ thống được chính thức đưa vào hoạt động".
Nội dung trên đề cập đến chi phí. FPT cần nguồn để triển khai, cũng như vận hành cho 12 tháng tới. Song, chi phí ở đây là bao nhiêu và từ nguồn nào?
Theo tìm hiểu của BizLIVE, tổng chi phí cần thiết để xử lý sự cố nghẽn lệnh tại HoSE bao gồm chi phí phần cứng, phần mềm và dịch vụ hỗ trợ trong vòng 01 năm.
Về nguồn chi trả, theo nội dung văn bản ông Trương Gia Bình gửi bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhiều khả năng nữ tỷ phú tự thân này sẽ đứng ra thực hiện nếu không có các nguồn hỗ trợ khác.
Nếu như vậy, từ đề xuất của bà Thảo, năng lực triển khai của FPT và dự kiến cả nguồn lực sẽ do Sovico và HDBank đứng ra hỗ trợ, kết quả hiện nay khẳng định tinh thần chủ động, tự tin và năng lực xử lý của các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nhân trong nước. Nếu không có họ rất có thể tình trạng "bịt mắt giao dịch" tại HoSE sẽ còn kéo dài nữa và tiếp tục chờ đợi không rõ cụ thể khi nào chuyên gia nước ngoài vào xử lý.
BizLive