Xử lý nợ xấu bằng tiền ngân sách: Chưa phải thời điểm
“Phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp mới giải quyết triệt để nợ xấu, và việc bổ sung thêm vốn chỉ là một giải pháp trong số đó”- TS. Lực lưu ý.
- 15-09-2016Tranh cãi "nảy lửa" về nợ xấu: Bán nợ cho VAMC chẳng báu bở gì!?
- 14-09-2016Chủ tịch Quốc hội: “Nợ xấu dưới 3% là chưa chính xác”
Ai phải “hy sinh” vì nợ xấu?
Trong 5 năm trở lại đây, xử lý nợ xấu (XLNX) luôn là nhiệm vụ trọng tâm đối với hệ thống các TCTD. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hệ thống NHTM đã phải “hy sinh” rất nhiều khi XLNX. Trong số nợ xấu đang tồn đọng thì hệ thống NHTM đã tự xử lý 55%, còn lại mới bán cho VAMC và các tổ chức khác.
Chính vì vậy, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ trên 17% (năm 2012) xuống dưới 3%. Ngay cả khi bán cho VAMC thì các NH vẫn tiếp tục nhiệm vụ thu hồi, xử lý nợ. Vì thế, lợi nhuận NH Việt Nam thấp nhất khu vực.
Do đó, nếu nói hệ thống NH chưa nỗ lực XLNX, theo TS. Lực là không công bằng. Các NH cũng như VAMC đã và đang tích cực XLNX, nhưng các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ riêng ngành NH vào cuộc thì thời gian để giải quyết hết số nợ xấu tồn đọng sẽ rất dài, tổn thất nền kinh tế sẽ tăng theo thời gian. Vì thế cần có nhiều giải pháp quyết liệt hơn cho vấn đề này.
So với thời điểm cách đây 2-3 năm, tình hình nợ xấu của NH hiện nay đã giảm xuống đáng kể.
Một chuyên gia đặt vấn đề: đã đến lúc cần phải dùng tiền ngân sách để VAMC có thêm tiền tươi thóc thật XLNX. Theo ông kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, ngân sách phải vào cuộc.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, khó có thể lấy thêm tiền ngân sách để XLNX trong thời điểm này. Vì ngân sách còn phải dùng vào nhiều vấn đề khác. Và sòng phẳng mà nói thì nợ xấu không phải do lỗi của Nhà nước nên không thể cứ khó là kêu ngân sách.
Thực tế ngân sách đã phải bỏ ra 2.000 tỷ đồng cấp vốn cho VAMC hoạt động mua bán, XLNX hỗ trợ các NH, TCTD. Tại sao Chính phủ phải làm thế, dù ngân sách lúc đó không phải là dư dả. Bởi vì chúng ta muốn giữ ổn định chính sách tiền tệ và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền? Mặc dù, theo các Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phá sản… hoàn toàn có thể cho TCTD có nợ xấu lớn phá sản. Nhưng nếu để phá sản, thời gian để thực hiện sẽ bị kéo dài, chưa kể nhiều hệ lụy khác có thể xảy ra.
Vì thế, VAMC đã được thành lập nhằm giúp bảng cân đối tài sản của các NH lành mạnh hơn, khơi thông dòng chảy tiền tệ. Hay nói cách khác, VAMC chính là liều thuốc uống để cho pha loãng “cục máu đông” nợ xấu. Đến thời điểm này, không thể kêu Nhà nước hỗ trợ được. Các NH vẫn phải tiếp tục tự xử lý số nợ xấu. Chỉ khi các NH không còn nguồn lực nào để xử lý thì lúc đó Nhà nước mới can thiệp, ông Kiên bình luận.
Chưa cần tiền ngân sách để XLNX
Việc bổ sung vốn ngân sách cho VAMC chỉ là một trong nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ XLNX. Đó là quan điểm của TS. Cấn Văn Lực và ông cũng nhận định, giải pháp then chốt quan trọng nhất vẫn là cơ chế chính sách. Ví như cơ chế liên quan đến hướng dẫn định giá mua bán nợ theo thị trường, chính sách phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan như công an, tòa án; Cơ chế chia lỗ, lãi với khoản mua nợ theo giá thị trường…
“Phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp mới giải quyết triệt để nợ xấu, và việc bổ sung thêm vốn chỉ là một giải pháp trong số đó”- TS. Lực lưu ý.
Là người trong cuộc, Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định thời điểm này, VAMC không cần thêm tiền. Bởi với số tiền tươi thóc thật 2.000 tỷ đồng đang có, VAMC chưa đụng tới đồng nào vì chưa thỏa thuận được với TCTD nào để mua nợ xấu theo thị giá. Giờ, đặt vấn đề sử dụng tiền ngân sách để XLNX trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang bội chi là không khả thi.
So với thời điểm cách đây khoảng 2-3 năm thì tình hình nợ xấu của NH hiện nay đã giảm xuống đáng kể. Ông Kiên cho rằng, các giải pháp đưa ra phải phù hợp với thực tiễn. “Có thể trong bối cảnh năm ngoái đề xuất này là liều thuốc tiên nhưng nếu áp dụng trong năm nay có thể là liều thuốc độc” - ông Kiên ví von.
Tất nhiên, chúng ta đều mong muốn nợ xấu được xử lý nhanh và triệt để, nhưng phải xác định trong bối cảnh hiện nay đâu là giải pháp quan trọng. Vấn đề mà VAMC cần thời điểm này đó là tiền hay là quyền năng để có thể mạnh tay hơn trong XLNX. TS. Trần Du Lịch cho rằng, gỡ khó trong khâu phát mãi tài sản đảm bảo và xây dựng thị trường mua - bán nợ là hai giải pháp quan trọng nhất giúp xử lý triệt để được nợ xấu.
Về vấn đề này TS. Kiên cho biết, Ủy ban Thường vụ quốc hội đang thảo luận sửa đổi về Luật Đấu giá tài sản, trong đó có quy định cho phép VAMC được quyền tổ chức phiên đấu giá tài sản mà không cần phải thông qua một tổ chức trung gian nào. Theo đó, Luật trao quyền VAMC được tổ chức bán đấu giá tài sản giống như trung tâm bán đấu giá tài sản của các sở tư pháp. Quan trọng nhất tuy VAMC là một DN nhưng cần được trao quyền như một cơ quan bổ trợ tư pháp.
“Đấy mới là cái ý nghĩa lớn trong việc giúp đỡ VAMC để XLNX chứ không phải thêm tiền”, TS. Kiên nhấn mạnh lại quan điểm của mình.
Nhưng ông Kiên cũng lưu ý, các NH không nên đặt quá nhiều hy vọng vào VAMC. Và trước những khó khăn về xử lý, thu hồi tài sản đảm bảo… các NH cũng phải tìm mọi cách để có thể xử lý được nợ xấu. Vì hơn ai hết, NH cũng hiểu không ai có thể lo hộ cho mình mà phải tự cứu mình trước.
Thời báo Ngân hàng