Xử lý nợ xấu: Cần sự tham gia tích cực của các ngành
Nghị quyết về XLNX đã tạo cơ chế, thể chế, và khung hành lang pháp lý để xử lý nhanh nợ xấu là hết sức cần thiết nhưng Nghị quyết về nợ xấu không phải “cây đũa thần” mà có nghị quyết rồi, quan trọng là thực hiện như thế nào để thành công.
- 24-06-2017Lo ngại nợ xấu sẽ gia tăng trong báo cáo tài chính quý 2
- 23-06-2017Nghị quyết xử lý nợ xấu áp dụng với các khoản trước 15/8/2017, vậy nợ xấu sau thời điểm đó xử thế nào?
- 22-06-2017Nghị quyết nợ xấu được thông qua: Ngân hàng nào “mừng” nhất?
Trước hết, đây là nghị quyết của Quốc hội ban hành nên tại Điều 19 nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết, báo cáo Quốc hội kết quả XLNX hàng năm, báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp đầu năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về XLNX, tài sản bảo đảm. Đặc biệt, tại Điều 4 quy định về nợ xấu, “trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất...”.
Trong quá trình triển khai quyền thu giữ tài sản chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản, TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ theo quy định.
Đồng thời, theo Điều 7 thì chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX.
Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này.
Vai trò của Tòa án cũng rất quan trọng vì cơ quan này áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Nghị quyết quy định: Trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua bán, XLNX có quyền xử lý tài sản bảo đảm; Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo quy định của pháp luật; Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự giải trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Ngoài ra, trong quá trình mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, tại khoản 4, Điều 9: Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài.
Lãnh đạo một NHTM Nhà nước chia sẻ, Nghị quyết về XLNX đã tạo cơ chế, thể chế, và khung hành lang pháp lý để xử lý nhanh nợ xấu là hết sức cần thiết nhưng Nghị quyết về nợ xấu không phải “cây đũa thần” mà có nghị quyết rồi, quan trọng là thực hiện như thế nào để thành công.
Thời báo ngân hàng