MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu, con đường chưa bằng phẳng

09-10-2017 - 11:13 AM | Tài chính - ngân hàng

Từ đầu tháng 9 tới nay, nhiều ngân hàng bắt đầu tăng cường thu hồi tài sản đảm bảo, bán đấu giá nợ xấu để thu hồi nợ.

Cùng với đó mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được Thủ tướng giao chủ trì soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19 về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 42. Sau khi có hướng dẫn cụ thể của NHNN, hy vọng việc mua bán nợ xấu sẽ sôi động hơn.

Ráo riết xử lý nợ xấu

Thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ngày 21.8, Công ty Quản lý tài sản – VAMC đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Sài Gòn One Tower nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Đây là tài sản đảm bảo đầu tiên bị VAMC thu giữ để xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vừa có hiệu lực. Tổng dư nợ tính cả gốc lẫn lãi đến thời điểm hiện nay đã lên trên 7.000 tỉ đồng.

Tương tự, từ đầu tháng 9 tới nay, nhiều ngân hàng cũng tăng cường thu hồi tài sản đảm bảo, bán đấu giá nợ xấu để thu hồi nợ. Điển hình như Vietcombank Chi nhánh Thủ Đức, TPHCM ra thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là miếng đất tọa lạc tại phường 5, TP. Vũng Tàu với mức giá khởi điểm hơn 48,6 tỉ đồng.

Ngân hàng Techcombank thông báo đã thu giữ tài sản chủ yếu là căn hộ của 6 khách hàng trên địa bàn Hà Nội để chuẩn bị chào bán thông qua đấu giá. Tính chung kể từ cuối tháng 8 đến nay, Techcombank đã thông báo thu giữ 32 tài sản đảm bảo là bất động sản và xe của cá nhân, tổ chức.

Tương tự, gần đây, Ngân hàng Agribank cũng liên tiếp thu giữ và tổ chức đấu giá tài sản để thu hồi nợ xấu. Ngày 21.9, Agribank Cao Thắng (Quảng Ninh) đã thu giữ một tài sản đảm tại khu vực phường Bạch Đằng (TP. Hạ Long). Cùng ngày, Công ty Mua bán nợ Agribank (Agribank AMC) tổ chức thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty Vinalines Đông Đô do công ty này vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Mới đây, NHNN đã được Thủ tướng giao chủ trì soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19 về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 42. Sau khi có hướng dẫn cụ thể của NHNN, việc mua bán nợ xấu sẽ sôi động hơn.

Theo các chuyên gia, việc xử lý nợ xấu thông qua thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo thời gian tới sẽ tăng mạnh. Lý do là Nghị quyết 42 đã khẳng định quyền chủ nợ của ngân hàng và VAMC, cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án và cho phép bán nợ xấu dưới giá sổ sách.

Nghị quyết 42 cho phép mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền mua nợ xấu qua các phiên đấu giá công khai. Với “làn sóng” thu hồi nợ và bán nợ đang gia tăng mạnh mẽ hiện nay, việc mua bán nợ xấu sẽ trở nên sôi động trong thời gian tới.

Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC, khẳng định sau khi VAMC thu giữ tài sản đảm bảo đầu tiên, ý thức hợp tác trả nợ của khách hàng đã được cải thiện. Hiện tại, VAMC đang chuẩn bị thu giữ và đấu giá thêm một số khoản nợ lớn. Trong quý 4/2017, VAMC sẽ đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Vẫn có rào cản

Tuy Nghị quyết 42 đã mở ra nhiều hướng mới trong việc xử lý nợ xấu nhưng cũng có ý kiến cho rằng quyền thu giữ tài sản của ngân hàng không có nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ, khi con nợ đồng ý giao cho ngân hàng bán tài sản, tức là hai bên đã thống nhất cách thức xử lý nợ. Ngân hàng đã thực sự thu giữ tài sản nhưng có thể đồng ý cho họ sử dụng cho đến lúc bán tài sản. Trường hợp con nợ tự nguyện bàn giao tài sản nhưng nếu tài sản đó là căn hộ, dự án hình thành tương lai… hoặc bất động sản mà họ đang cho thuê, chưa thống nhất với chủ nợ về giá bán tài sản thì dù ngân hàng có thu giữ cũng chỉ là hình thức.

Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc bán nợ phù hợp với giá thị trường có thể mang ý nghĩa lớn với những bên bán nợ có yếu tố Nhà nước, nhưng việc các tổ chức có hào hứng tham gia hay không lại là vấn đề khác. Lý do được đưa ra là nếu trong quá khứ các tài sản đảm bảo được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thực, việc bán nợ theo giá thực tế có thể gây lỗ lớn cho tổ chức bán nợ.

Ngoài ra, việc định giá các khoản nợ xấu sao cho minh bạch, đúng giá trị thị trường để không dẫn đến hiện tượng tiêu cực, bị trục lợi trong khi bán cũng là một vấn đề. Thực tế là hiện tại thị trường vẫn còn rất thiếu các cơ quan định giá và định mức tín nhiệm một cách khách quan, chuyên nghiệp.

Riêng đối với tài sản đảm bảo là bất động sản, theo VDSC, quá trình xử lý nợ xấu sẽ chuyển hóa tài sản từ dạng “bất động” thành tài sản “lưu động”. Tuy nhiên, việc xử lý có thể tạo ra áp lực dư cung cho thị trường này trong tương lai, đặc biệt khi sự bùng nổ trong các phân khúc bất động sản dân dụng phát triển nhanh trở lại.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg thông qua Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020. Mặc dù các giải pháp cũng đã được đề cập trong Quyết định số 254 trước đó, tuy nhiên quan điểm và định hướng trong việc xử lý nợ xấu đã có sự thay đổi lớn. Nếu như trước đây, việc xử lý nợ xấu gần như được xem là câu chuyện riêng của NHNN cũng như của các TCTD, thì nay vấn đề này đã được nâng lên thành trách nhiệm chung của toàn bộ nền kinh tế. Và như vậy, hy vọng nợ xấu sẽ được giải quyết trong thời gian tới.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 42, đến nay VAMC đã thực hiện đánh giá 1.171 khách hàng, dư nợ gốc nội bảng tại thời điểm đánh giá là 160.473 tỷ đồng. Trên cơ sở đánh giá, VAMC đã phân loại bảy biện pháp xử lý nợ phù hợp; lên danh sách 62 trung tâm bán đấu giá tài sản trực thuộc sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp; hỗ trợ các TCTD gửi thông báo thanh toán nợ tới khách hàng, gửi công văn tới TAND các cấp, cơ quan thi hành án, UBND các cấp thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho TCTD, VAMC…

Theo Bảo Phương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên