Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rút đơn kháng cáo, không có mặt ở tòa phúc thẩm sáng nay
Sáng 7-5, thư ký HĐXX thông báo bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã xin rút kháng cáo trước phiên tòa phúc thẩm.
- 25-04-2018Mức kỷ luật cao nhất ông Đinh La Thăng có thể nhận là khai trừ Đảng
- 24-04-2018Đề nghị thi hành kỷ luật ở mức cao nhất với ông Đinh La Thăng
- 06-04-2018Bộ Tư pháp nói về việc kê biên tài sản sau 2 bản án của ông Đinh La Thăng
- 05-04-2018Quy trình thu hồi hơn 600 tỷ từ ông Đinh La Thăng như thế nào?
Sáng nay (7/5), Tòa án Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm theo kháng cáo của 15/22 bị cáo người trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) khi đầu tư vào Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Phiên tòa phúc thẩm do Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn làm chủ tọa, dự kiến kéo dài trong 10 ngày.
8h25: HĐXX tuyên bố bắt đầu làm việc. Thư ký HĐXX thông báo, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã xin rút kháng cáo trước phiên tòa phúc thẩm này. Tòa án Cấp cao đã chấp nhận đơn xin rút kháng cáo, bị cáo Thanh không có mặt tại phiên tòa.
HĐXX sau đó cho tiến hành các bước kiểm tra căn cước với bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm. Bị cáo Thăng mặc áo kẻ xanh, ngồi hàng thứ 2 trong khu vực dành cho bị cáo. Ông Thăng thể hiện tinh thần thoải, trả lời rõ ràng các câu hỏi của chủ tọa phiên tòa.
Đoàn xe chuyên dụng chở các bị cáo đến tòa.
7h sáng nay, đoàn xe chuyên dụng áp giải các bị cáo từ nơi giam giữ đến tòa. Có rất đông người thân của các bị cáo túc trực ở sân toàn từ trước đó.
Công tác an ninh được lực lượng chức năng đảm bảo chặt chẽ. Một số chốt gác phía ngoài cổng Tòa cấp cao gồm công an, bảo vệ dân phố được thiết lập.
Bên trong tòa, phòng xử được bố trí trên tầng 2. Phóng viên báo chí được bố trí ngồi ở phòng riêng - dưới tầng 1.
Phòng báo chí trong phiên tòa.
Ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) kháng cáo, mong tòa xem xét lại tội danh, hình phạt, cũng như mức bồi thường thiệt hại.
Bị cáo Thăng cho rằng, mức hình phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) là quá nghiêm khắc.Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) kháng cáo kêu oan hai tội Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 278, 165 Bộ luật Hình sự 1999).
Con trai ông Thanh là Trịnh Hùng Cường trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng có kháng cáo đề nghị được trả lại biệt thự số AD02-16 khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside; ô tô Mazda CX5 màu trắng, biển số 30A-970.97…
Ông Nguyễn Xuân Sơn (cựu Phó Tổng Giám đốc PVN) dù không kháng cáo nhưng được triệu tập tới tòa với tư cách người làm chứng. Trong vụ án này, ông Sơn bị phạt 9 năm tù.
Trước đó, vào tháng 1/2018, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 22 bị cáo trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy tại PVN và PVC.
Bản án sơ thẩm đã quyết định tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội "Cố ý làm trái".
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên 14 năm tù về tội "Cố ý làm trái", chung thân về tội "Tham ô tài sản", tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Ông Thăng và ông Thanh mỗi người phải liên đới bồi thường 30 tỷ đồng. Các bị cáo khác bị phạt từ 3 năm tù treo cho tới 22 năm tù giam.
Trí Thức trẻ