Xử ông Trầm Bê, triệu tập đại gia Trần Bắc Hà
Hàng loạt đại gia đã được TAND TP HCM gửi thư triệu tập đến tòa trong phiên xử ông Trầm Bê như: Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang, Hứa Thị Phấn, Trần Quí Thanh...
Theo dự kiến, sáng 24-7, TAND TP HCM sẽ khai mạc phiên tòa xét xử ông Trầm Bê (SN 1959, nguyên phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank), Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên tổng giám đốc Sacombank) và 43 đồng phạm khác về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Vụ án xảy ra tại 4 ngân hàng: VNCB, Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Sacombank và Tiên Phong - TPBank.
Ông Trần Bắc Hà đang ở đâu?
Một nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận thư triệu tập ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban Rủi ro BIDV) đã được gửi đi sau khi chủ tọa phiên tòa ký quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, đến trước phiên xử, không ai biết hiện giờ ông Trần Bắc Hà đang ở đâu.
Trước đó, do bệnh ung thư gan có dấu hiệu tái phát nên ông Trần Bắc Hà đã sang điều trị bệnh, phẫu thuật lần hai tại Bệnh viện Gleneagles - Singapore. Cho nên, ông Trần Bắc Hà có đơn xin vắng mặt ở phiên tòa xử ông Trầm Bê vào đầu tháng 1-2018
Theo cáo trạng, ngày 24-5-2013, BIDV do ông Đoàn Ánh Sáng (Phó Tổng giám đốc đại diện) và VNCB do ông Đỗ Hoàng Linh (Phó Tổng giám đốc đại diện) đã cùng nhau ký thỏa thuận hợp tác.
Đại gia Trần Bắc Hà
Phía BIDV xem xét cấp hạn mức giao dịch liên ngân hàng cho VNCB theo quy định hiện hành của BIDV. Sau đó, ông Phan Thành Mai (lúc bấy giờ là phó tổng giám đốc VNCB) đã ký văn bản giới thiệu giới thiệu và đề nghị BIDV tiếp cận, xem xét cho Công ty Phong Hiệp vay 430 tỉ đồng.
Ông Đoàn Ánh Sáng đã đồng ý và xin chủ trương của Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang và Tổng Giám đốc, ủy quyền cho giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp tín dụng.
Ủy ban Quản lý rủi ro không tiến hành họp mà lấy ý kiến từng thành viên Phân ban Rủi ro tín dụng đầu tư thuộc ủy ban này, sau đó lập báo cáo tổng hợp các ý kiến các thành viên phân ban và được ông Trần Bắc Hà (Trưởng Phân ban) ký phê duyệt.
Ngày 3-10-2013, ông Trần Bắc Hà ký quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà đối với Công ty Phong Hiệp, đồng ý cho vay 430 tỉ đồng với thời hạn không quá 12 tháng.
Trên cơ sở này, BIDV Chi nhánh Gia Định nhận được Văn bản số 6077/CV-QLRRTD của hội sở về việc chấp thuận chủ trương cho Công ty Phong Hiệp vay rồi giải ngân 430 tỉ đồng.
Tương tự Công ty Phong Hiệp, ông Phạm Công Danh đã lập các hồ sơ vay vốn khống để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do 12 công ty do Danh thành lập, đứng tên trên hồ sơ vay vốn ngân hàng, gây thiệt hại cho VNCB số tiền 2.550 tỉ đồng.
Bộ Công an xác định ông Trần Bắc Hà đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban Rủi ro tín dụng đầu tư trên cơ sở các thành viên phân ban đánh dấu đồng ý vào phiếu lấy ý kiến về chủ trương cho 12 công ty vay vốn mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà; ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay mua vật liệu xây dựng với số tiền 4.700 tỉ đồng, giao thẩm quyền cho 4 chi nhánh: Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn thực hiện cho vay và thu nợ theo quy trình của BIDV.
Đến nay, cơ quan chức năng xác định ông Trần Bắc Hà đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB chứ không cho Phạm Công Danh vay và không biết các công ty do Danh thành lập. BIDV đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay từ chính khách hàng vay vốn, ngân hàng này không bị thiệt hại.
Tương tự, đối với ông Đoàn Ánh Sáng, ông Trần Lục Lang cũng đã ký tờ trình phê duyệt cho 12 công ty vay vốn. Tuy nhiên, đến nay không đủ căn cứ xác định những người này có liên quan đến Phạm Công Danh nên không xử lý hình sự.
Số phận ông Trầm Bê?
Khi nhóm cổ đông mới quản trị, điều hành VNCB, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới dùng 29 pháp nhân đứng tên hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; gây thiệt hại cho VNCB 6.123,7 tỉ đồng. Tính riêng thương vụ giữa ông Danh và Trầm Bê về khoản vay 1.800 tỉ đồng đã gây thiệt hại cho VNCB 1.835,8 tỉ đồng.
Ông Trầm Bê khai nhận đã bàn bạc, trao đổi với Phạm Công Danh và Phan Huy Khang; chỉ đạo Khang cho Danh vay tiền.
Ông Trầm Bê
Sau khi bị bắt giam, Phan Huy Khang khai rõ rằng chính ông Trầm Bê đã dẫn Phạm Công Danh đến phòng làm việc của Khang để giới thiệu cho ông Danh vay tiền.
Hai ngày sau đó, Danh tiếp tục sang phòng làm việc của Khang và hai bên đã đồng ý cho Danh vay 1.800 tỉ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi từ Trustbank chuyển sang.
Tương tự, tháng 5-2013, Phan Thành Mai trao đổi và thống nhất với Nguyễn Việt Hà (nguyên tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt) dùng biện pháp ủy thác đầu tư sang Quỹ Lộc Việt và nhờ Hà mượn pháp nhân các công ty để vay tiền Ngân hàng TPBank, sau đó dùng tiền vay này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.
Ông Phan Huy Khang
Khi Quỹ Lộc Việt cung cấp cho bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT VNCB) thông tin 11 công ty vay vốn tại TPBank, Khương cùng Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn) đã soạn thảo và hợp thức những biên bản họp hội đồng tín dụng - đầu tư để bảo lãnh cho 11 công ty này vay 1.666,8 tỉ đồng tại TPBank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.740 tỉ đồng (tính cả lãi suất).
Tháng 1-2018, TAND TP HCM xử sơ thẩm đã tuyên trả hồ sơ cho các cơ quan tố tụng liên quan vì một số tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ.
Cụ thể, các bị cáo nguyên là cán bộ tại BIDV, TPBank khẳng định không quen biết Phạm Công Danh; không biết các công ty là "sân sau" của ông Danh; không biết mục đích vay tiền là chuyển tiền về cho ông Danh sử dụng…
Sau khi điều tra lại, VKSND Tối cao khẳng định các bị cáo đã cố ý bỏ qua các quy định bắt buộc phải làm trong quá trình cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc làm này đã tiếp tay cho ông Danh thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội, có tiền để sử dụng vào các mục đích trái pháp luật.
Trong quyết định trả hồ sơ, HĐXX yêu cầu làm rõ việc ông Trầm Bê, Phan Huy Khang cho rằng chuyện các bị cáo cho vay cũng giống như lãnh đạo TPBank, BIDV nhưng chỉ có các bị cáo bị truy tố.
Vấn đề này, VKSND Tối cao lý giải rằng lãnh đạo TPBank đã bị truy cứu là ông Đinh Việt Cường và bà Đặng Thị Bích Thủy (nguyên giám đốc và phó giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp). Riêng BIDV, dàn lãnh đạo ngân hàng này có sai phạm nhưng không đủ căn cứ đồng phạm với ông Phạm Công Danh nên đề nghị tòa xem xét trong quá trình xét xử.
Trong quá trình xét xử sơ thẩm lần 1, đại diện VKSND TP HCM yêu cầu thu hồi 6.126 tỉ đồng từ Sacombank, BIDV và TPBank vì cho rằng đây là tang vật vụ án. VKSND Tối cao khẳng định việc thu hồi là có căn cứ, đúng pháp luật. Còn Hiệp hội Ngân hàng yêu cầu không thu hồi số tiền này thì HĐXX sẽ xem xét trong quá trình xét xử.
Thẩm phán Phạm Lương Toản – Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM là chủ tọa phiên tòa; tham gia thực hành quyền công tố tại tòa là ông Trần Ngọc Quang và bà Nguyễn Quỳnh Lan (Trưởng và Phó trưởng phòng Kiểm sát các vụ án kinh tế, chức vụ - VKSND TP HCM).
TAND TP HCM đã có thư triệu tập đại diện 7 ngân hàng, 8 thành viên Đoàn Giám định tư pháp Ngân hàng Nhà nước và gần 200 người tham gia phiên tòa với vai trò là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong số này có các đại gia như Trần Bắc Hà (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV), Trần Quí Thanh (Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát), Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank)…
Người Lao động