MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử phạt các tập đoàn gây ô nhiễm: Cuộc chiến dai dẳng

27-04-2016 - 08:09 AM | Xã hội

Nhiều nước xử lý rất mạnh tay các hành vi hủy hoại môi trường của các doanh nghiệp.

140 nước thông qua Công ước hạn chế thủy ngân BP vượt qua khủng hoảng ra sao? Ba bang ở vịnh Mexico kiện BP vì hậu quả dầu tràn

Trong những vụ “đại án” môi trường trên thế giới, những tập đoàn gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân luôn nhận sự trừng phạt mạnh tay. Những mức bồi thường kỷ lục là động lực cần thiết để các tập đoàn tìm cách ngăn chặn các thảm họa tương tự tái diễn.

Nhật Bản: Gần nửa thế kỷ đòi công lý

Trong khoảng thời gian từ năm 1938 đến năm 1968, nhà máy hóa chất của Tập đoàn Chisso đã xả thải trái phép nước thải công nghiệp vào vịnh Minamata. Các nhà khoa học Nhật ước tính lượng nước thải này chứa tổng cộng gần 27 tấn metyl thủy ngân vô cùng độc hại. Metyl thủy ngân ngấm vào cá và các sinh vật biển sinh sống tại vùng biển, đầu độc nhiều thế hệ người dân sống tại Minamata. Vào năm 1956, một bác sĩ tại nhà máy Chisso đã báo cáo về số trường hợp bệnh nhân bị tổn hại hệ thần kinh tăng cao đột biến - căn bệnh mà sau này được biết đến với cái tên “bệnh Minamata”.

Những bệnh nhân nhiễm căn bệnh quái ác thường có các triệu chứng như co giật, bại liệt, mất cảm giác, mất thăng bằng, mất khả năng kiểm soát cơ và các chi. Phụ nữ mang thai ăn phải thức ăn chứa chất metyl thủy ngân cũng có khả năng sinh ra con cái bị dị tật về hệ thần kinh trung ương. Một số trường hợp nhiễm bệnh nặng sẽ dẫn đến tử vong.

Kể từ khi chính phủ Nhật chính thức công nhận Tập đoàn Chisso là thủ phạm gây ra căn bệnh Minamata, nhiều nạn nhân và gia đình tại các khu vực bị ảnh hưởng đã tìm kiếm bồi thường từ Tập đoàn Chisso, chính phủ Nhật Bản và chính quyền địa phương Kumamoto - nơi cấp phép hoạt động cho Tập đoàn Chisso. Tuy nhiên, thời gian xử lý các vụ việc này vẫn vô cùng chậm chạp. Một nhóm nạn nhân năm 1969 đã khởi kiện Chisso với cáo buộc hoạt động cẩu thả gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng phải bốn năm sau tòa án Nhật mới ra phán quyết buộc Chisso đền bù cho các nạn nhân khởi kiện.

Hai cựu lãnh đạo của Chisso, cựu chủ tịch của tập đoàn và người giám sát các hoạt động của nhà máy tại Minamata, cũng đã bị khởi tố hình sự vào năm 1979 với cáo buộc đã góp phần gây ra cái chết và sự tổn hại sức khỏe nghiêm trọng của nhiều người dân Minamata. Cả hai người bị tuyên án hai năm tù giam và phán quyết nhận được sự đồng tình của cả Tòa án Tối cao Nhật Bản. Theo trang Aeon.co, tòa án Nhật cũng buộc Công ty Chisso phải nhanh chóng cải cách mạnh mẽ hệ thống quản lý của mình.

Những khoản bồi thường mà Chisso trả cho các nạn nhân lớn đến mức chính phủ Nhật đã phải hỗ trợ tài chính cho tập đoàn này vào năm 1978, đảm bảo tập đoàn này có thể tiếp tục trả “gánh nặng ô nhục” của họ. Đến năm 1995, chính phủ Nhật đã đệ trình một kế hoạch dàn xếp đền bù cho những ai chưa được công nhận là mắc bệnh Minamata với điều kiện là những nạn nhân này phải bãi kiện. Nhiều nạn nhân đã đồng ý với đề xuất này.

Tòa án Tối cao Nhật Bản năm 2004 cũng đã kết luận chính quyền vùng Kumamoto và chính phủ Nhật cũng phải chịu trách nhiệm. Theo đó, các cơ quan chức trách đã không thực hiện hết nhiệm vụ quản lý của mình và để xảy ra căn bệnh Minamata. Tòa án Tối cao Nhật Bản kết luận kể từ khi hoạt động xả chất thải trái phép của Chisso chính thức được phát hiện vào năm 1959, suốt ba năm trời chính quyền các cấp đã không khuyến nghị người dân ngưng sử dụng cá đánh bắt tại vùng vịnh.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta E. Lynch tuyên bố mức phạt và bồi thường lên đến 20 tỉ USD đối với Tập đoàn BP. Ảnh: SHAWN THEW/EPA
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta E. Lynch tuyên bố mức phạt và bồi thường lên đến 20 tỉ USD đối với Tập đoàn BP. Ảnh: SHAWN THEW/EPA

Đến tháng 4-2010, chính phủ Nhật mới thông qua biện pháp bồi thường cho những nạn nhân nào chưa được chính thức công nhận nhiễm bệnh Minamata. Chisso buộc phải trả gần 3,15 tỉ yen (hơn 28,4 triệu USD) cho ba tổ chức đại diện các nạn nhân này. Năm 2014, tòa án vùng Kumamoto cũng yêu cầu chính phủ Nhật, chính quyền địa phương và Tập đoàn Chisso trả tổng cộng 106 triệu yen (hơn 956.000 USD) cho ba nạn nhân đã khởi kiện.

Đến nay, cuộc chiến pháp lý đòi đền bù của các nạn nhân mắc bệnh Minamata vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Chỉ mới có 3.000 người được chấp nhận là bệnh nhân của căn bệnh Minamata, mặc dù vẫn còn 33.540 người đang tìm kiếm sự công nhận họ mắc căn bệnh này.

Vụ tràn dầu thế kỷ

Đêm 20-4-2010, giàn khoan biển nước sâu Horizon của tập đoàn dầu khí lớn hàng đầu thế giới BP rò rỉ khí ga và phát nổ tại vịnh Mexico. Vụ nổ khiến 11 công nhân giàn khoan thiệt mạng và nhiều người bị thương. Các lực lượng phản ứng khẩn cấp của BP và chính phủ Mỹ phải mất hơn 36 tiếng đồng hồ để kiểm soát đám cháy. Tuy nhiên, hậu quả lớn nhất của vụ nổ chính là tình trạng dầu từ thềm lục địa phun trào không tài nào kiểm soát được. Theo ước đoán vào thời điểm đó của Tập đoàn BP, lượng dầu phun trào khỏi giàn khoan lên đến gần 1.000 thùng/ngày. Còn theo các ước tính của quan chức chính phủ Mỹ, lượng dầu có lúc đạt đỉnh điểm là 60.000 thùng/ngày.

Vụ tràn dầu tại vịnh Mexico được đánh giá là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đã có thời điểm các lực lượng phản ứng phải huy động đến gần 48.000 nhân lực, hơn 6.500 tàu thuyền, hoạt động trong phạm vi hơn 4.000 km để kiểm soát và thu hồi lượng dầu bị tràn tại vùng vịnh này. Tính đến cuối năm 2014, Tập đoàn BP đã chi hơn 14 tỉ USD và huy động hơn 70 triệu giờ lao động của nhân lực tập đoàn cố gắng khắc phục vụ việc. Phải mất gần ba tháng sau, vào ngày 12-7-2010, Tập đoàn BP mới có thể lấp hoàn toàn miệng giếng dầu.

Trong suốt 87 ngày đó, đã có hơn 500 triệu lít dầu rò rỉ khỏi giếng khoan, theo The Guardian. Vụ việc đã khiến hơn 1.770 km đường bờ biển phía nam nước Mỹ bị ô nhiễm nghiêm trọng, nặng nhất là ba bang Mississippi, Alabama và Florida. Tính đến năm 2015, có hơn 1.100 cá thể cá heo và cá voi mắc cạn, có sự tác động bởi vụ tràn dầu. Một cuộc khảo sát vào cuối năm 2010 cũng cho thấy có hàng trăm ngàn cá thể rùa biển chịu tác hại của vụ tràn dầu.

Tháng 10-2015, sau hơn năm năm trời đấu tranh pháp lý dai dẳng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ - bà Loretta E. Lynch đã tuyên bố Tập đoàn dầu khí BP phải trả mức đền bù cao kỷ lục: hơn 20 tỉ USD. “BP phải nhận hình phạt xứng đáng, bồi thường thích đáng cho những tổn hại mà họ đã gây ra cho môi trường và nền kinh tế vùng vịnh.

Chỉ có mức phạt như thế này mới đủ khả năng thúc đẩy BP và các đối tác chủ động tìm ra cách thức ngăn ngừa các trường hợp tương tự xảy ra về sau” - bà Loretta Lynch cho biết. Tập đoàn BP trước đó cũng đã phải chi ra hơn 5,84 tỉ USD để đền bù cho người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi vụ tràn dầu. Toàn bộ số tiền bồi thường này sẽ được Tập đoàn BP chi trả trong thời hạn 18 năm.

Trả lời tờ The Guardian, bà Loretta Lynch khẳng định: “Mức phạt này không nhằm làm nhụt chí những hoạt động kinh tế hợp pháp. Nó không chỉ nhằm bồi thường cho những thiệt hại về sức khỏe và sự an toàn của người dân mà còn là thông điệp để các công ty khác hiểu rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu các trường hợp này tái diễn”.

Hồ sơ phá hoại môi trường của Formosa

Đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn Formosa dính líu đến các bê bối về hoạt động kinh doanh gây hại đến môi trường. Vào năm 2009, tổ chức bảo vệ môi trường của Đức Ethecon đã trao giải “Hành tinh đen” cho Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan. Đây là giải thưởng nhằm bêu tên các tập đoàn gây hại nghiêm trọng đến môi trường.

Năm 1998, Formosa từng cố thải 3.000 tấn chất thải hóa học ra vịnh Thái Lan, gần cửa biển Sihaoukville, Campuchia. Theo Ethecon, cho tới hôm nay, người dân Campuchia tại đây vẫn còn bị ảnh hưởng sau vụ xả chất thải của Formosa. Còn theo trang mạng của EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ), Formosa vào năm 2012 cũng từng chịu mức phạt đến 13 triệu USD để khắc phục các vấn đề gây ô nhiễm môi trường tại các bang Texas và Louisiana. Hồ sơ môi trường của Formosa cộm cán đến nỗi đã trở thành ví dụ minh họa trong bộ sách giáo khoa Luật môi trường của Barry Hill tại Mỹ.

Theo Trung Nhân

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên