MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Hết thông tin hỗ trợ, thị trường có gặp khó?

Các chuyên gia quan ngại thị trường có thể khó khăn hơn trong ngắn hạn khi các thông tin hỗ trợ cạn dần...

Thị trường đã tăng trưởng 2,6% trong tuần lễ báo cáo tài chính quý 2 của nhiều doanh nghiệp lớn xuất hiện. Tuy vậy các chuyên gia cũng quan ngại thị trường có thể khó khăn hơn trong ngắn hạn khi các thông tin hỗ trợ cạn dần.

Đà tăng có dấu hiệu chững lại ở những phiên cuối tuần và thanh khoản có tăng nhẹ nhưng chưa gia tăng trên diện rộng và cũng chưa thu hút được dòng tiền mới. Các chuyên gia cho rằng thị trường đang trong giai đoạn phân hóa mạnh và tiếp cận mức kháng cự nên đà tăng không còn mạnh như khi vừa thoát đáy. Điều quan trọng là thanh khoản có tăng lên chứng tỏ nhà đầu tư đã lạc quan hơn.

Tuy nhiên khi đánh giá trong ngắn hạn, các chuyên gia tỏ ra thận trọng khi các thông tin hỗ trợ không còn nhiều. Kết quả kinh doanh quý 2 đã xong và có chăng chỉ là thông tin chia thưởng, trả cổ tức. Yếu tố có thể kỳ vọng là dòng tiền đầu tư dài hạn quan tâm tới các cổ phiếu đang được định giá thấp trên cơ sở kết quả kinh doanh mới.

Yếu tố bán ròng mạnh trở lại của nhà đầu tư nước ngoài cũng là điều gây khó khăn nhất định cho thị trường. Nguyên nhân khiến dòng vốn này bán ròng vẫn không mới như xu hướng tăng giá của đồng USD, tác động rủi ro của căng thẳng thương mại, nhưng cũng chưa thể kết thúc ngay, do đó xu hướng bán ròng có thể sẽ còn tiếp tục.

Xu thế dòng tiền: Hết thông tin hỗ trợ, thị trường có gặp khó? - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thị trường trải qua tuần lễ công bố kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn. VN-Index cũng tăng trưởng gần 2,6%. Anh chị đánh giá sức mạnh thị trường trong tuần cao điểm này như thế nào?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Theo kịch bản tôi đưa ra cách đây 3 tuần thì chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng 980-990 điểm trong đợt hồi phục này và hiện nay chúng ta còn cách cùng này khoảng 20 điểm nữa. Tuy thị trường vẫn đang trong "uptrend" ngắn hạn nhưng tốc độ tăng trong những phiên gần đây đang có dấu hiệu chững lại và mọi việc không còn dễ dàng như khi điểm số còn ở vùng 900-930 điểm.

Mặt khác, dù thanh khoản thị trường đã có sự cải thiện rõ nét nhưng theo quan sát của chúng tôi thì dòng tiền chưa thực sự quay trở lại diện rộng và không thu hút được dòng tiền mới. Chính vì vậy, việc tăng giá thường diễn ra theo từng đợt ở từng phân lớp cổ phiếu khác nhau, điều này đúng như dự báo của chúng tôi trước đó rằng, đây sẽ là giai đoạn phân hóa mạnh mẽ của thị trường.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Các chỉ số thị trường diễn biến trái chiều trong tuần qua. VN-Index kết thúc tuần tăng 2.57% đạt 959.60 điểm trong khi HNX-Index đóng cửa tuần tăng 0.51% dừng tại 106.24 điểm. Thanh khoản trên cả hai sàn diễn biến trái chiều. Khối lượng khớp lệnh tăng nhẹ 7% so với tuần trước, đạt trung bình gần 192 triệu cổ phiếu/phiên trên sàn HSX.

Dưới sự dẫn dắt của nhóm Large Cap, VN-Index đã dễ dàng vượt đỉnh 956 của tháng 7. Tôi nghĩ thị trường sẽ tiếp tục ở xu hướng tăng ngắn hạn chinh phục ngưỡng tâm lý 1.000 điểm với sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, ngân hàng, bất động sản.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường đã có tuần tăng điểm khá ấn tượng khi mở cửa ở ngưỡng 940,76 điểm và đóng cửa ở ngưỡng 959,6 điểm, tăng 18,84 điểm tăng gần 2,6%. Thị trường đã hồi phục rất mạnh mẽ tuy nhiên kết phiên cuối tuần thị trường vẫn đóng cửa ở dưới đường MA50 mở mức 960 điểm. Đây là ngưỡng kháng cự khá mạnh mà nếu Vnindex vượt qua ngưỡng này trong tuần tới thì thị trường sẽ đi vào xu hướng tăng trong trung hạn.

Thanh khoản cũng ghi nhận sự cải thiện mạnh hơn, tăng 7% so với mức giao dịch ở tuần trước đó. Sự đột biến này đến từ việc kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn có kết quả tốt trong 6 tháng đầu năm. Dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường khi mà thanh khoản của thị trường cơ sở tăng lên đáng kể và dòng tiền đã giảm đi trên thị trường phái sinh. Cho thấy nhà đầu tư đã dần lạc quan trở lại với thị trường.

Xu thế dòng tiền: Hết thông tin hỗ trợ, thị trường có gặp khó? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Nhìn chung tôi đánh giá thị trường tuần vừa qua ở trạng thái giao dịch khá ổn định với việc thanh khoản chung toàn thị trường luôn được duy trì ở mức khá tốt. Khối ngoại tuy vẫn tiếp tục động thái bán ròng tương đối mạnh nhưng lực mua đối ứng đến từ các nhà đầu tư trong nước cũng rất tốt tạo chỗ dựa khá vững cho thị trường. Ngoài ra, chỉ số VN-Index tuy có tăng có giảm nhưng biên độ dao động không lớn cũng là một điểm cộng cho thấy xu hướng hồi phục và đi ngang tích lũy là khá chắc chắn.

Với việc các chỉ báo kỹ thuật đều đồng thuận cho thấy dấu hiệu theo chiều hướng tích cực khi đường MACD đang ngấp nghé muốn vượt lên đường 0; chỉ báo RSI cho thấy thị trường chung đang ở trạng thái mua bán khá cân bằng; chỉ báo Momentum và DMI cũng đều xác nhận tín hiệu đi lên trong bối cảnh chỉ số VN-Index đang tiến tới gần sát và chuẩn bị cắt từ dưới lên đường MA50 tương đương với mức điểm 960.

Trong các phiên giao dịch tới thì ngưỡng điểm này tạm thời sẽ là ngưỡng kháng cự ngắn hạn nhưng nếu thanh khoản cũng như giá trị giao dịch của thị trường tiếp tục duy trì được như tuần vừa qua thì đây sẽ nhanh chóng trở thành ngưỡng hỗ trợ mới trong ngắn hạn của VN-Index.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Xét trong bối cảnh thị trường đang chịu tác động từ nhiều yếu tố không tích cực như mối lo ngại "trade war" và áp lực tỷ giá đang có chiều hướng biến động mạnh trong thời gian gần đây, thì tôi cho rằng, diễn biến của thị trường trong tuần qua là tương đối tốt.

Các chỉ số vẫn đang đứng trên các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, trong khi mặt bằng thanh khoản được duy trì đều đặn ở trên mức trung bình. Dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục có xu hướng dịch chuyển luân phiên qua các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.

Xu thế dòng tiền: Hết thông tin hỗ trợ, thị trường có gặp khó? - Ảnh 3.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là diễn biến đáng chú ý nhất tuần qua. Khối ngoại đã bán ra rất lớn và bán nhiều blue-chips chứ không chỉ tập trung vào một vài mã như trước. Điều này diễn ra trong thời điểm tỷ giá biến động rất mạnh. Liệu đó có phải là lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ra hay không? Nếu không thì có thể hiểu hành động bán lớn của khối ngoại như thế nào?

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Trong tuần qua khối ngoại đã bán ròng hơn 900 tỉ đồng tập trung phần lớn vào nhóm cổ phiếu của Vincom như VIC, VRE, VHM. Ngoài ra trong phiên cuối tuần lực bán của khối ngoại còn tập trung vào một vài blue chip khác như VNM, HPG điều này diễn ra nhiều khả năng do sự biến động của dòng tiền P-note. Đây là dòng tiền khó lường và tốc độ ra vào nhanh nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của thị trường trong ngắn hạn.

Trong 3 năm giao dịch gần đây, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều đến P-Notes hơn là chứng chỉ quỹ ETF cho nên thị trường cũng sẽ rất khó dự đoán được xu hướng của dòng tiền này.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng, chưa có căn cứ rõ ràng để khẳng định việc tỷ giá biến động mạnh trong một vài tuần gần đây là nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng. Nếu nhìn một cách tổng thể, hoạt động bán ròng của khối ngoại vẫn đang nằm trong xu thế rút vốn chung của dòng vốn ngoại khỏi các thị trường mới nổi.

Với những thông điệp phát đi trong cuộc họp ngày 31/07 vừa qua, thì nhiều khả năng FED sẽ sớm tiến hành nâng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới. Như vậy, nhiều khả năng hoạt động bán ròng của khối ngoại sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trong thời gian qua là tổng hòa tác động của nhiều yếu tố, trong đó xuất phát điểm là việc FED tăng lãi suất đồng USD dẫn đến hệ lụy các đồng tiền ở các nền kinh tế khác liên tục mất giá, trong đó có VND. Ngoài ảnh hưởng của tác động tỷ giá, chiến tranh thương mại cũng ảnh hưởng đến dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thậm chí, khi các nhà đầu tư nước ngoài chưa có ý định rút vốn về nước họ cũng có thể xem xét bán ra khi kỳ vọng tăng giá cổ phiếu thấp hơn biến động tỷ giá trong kỳ. Chính vì vậy tôi cho rằng một khi xu hướng tỷ giá còn biến động như hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn bán ròng thêm một thời gian nữa.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Câu chuyện chiến tranh thương mại liên tục có dấu hiệu leo thang kéo theo việc tỷ giá có chiều hướng biến động mạnh và lo ngại FED tiếp tục lộ trình nâng lãi suất trong 6 tháng cuối năm rõ ràng là những tác nhân khiến khối ngoại có động thái bán ròng mạnh trên diện rộng ở hàng loạt các cổ phiếu blue-chips trong tuần vừa qua.

Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng rất có thể khối ngoại lo sợ rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã lên "đến đỉnh" và do đó sẽ khó "bứt phá" cũng như tăng mạnh trở lại như năm 2017 cộng hưởng với việc nền kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2018 có thể bị chững lại do ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp của chiến tranh thương mại cũng như câu chuyện FED nâng lãi suất.

Xu thế dòng tiền: Hết thông tin hỗ trợ, thị trường có gặp khó? - Ảnh 4.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Với quan điểm ngắn hạn, sau đợt báo cáo kết quả kinh doanh tập trung tuần qua, các thông tin hỗ trợ này có thể coi là đã kết thúc. Anh chị đánh giá cơ hội thị trường tăng trưởng cao hơn như thế nào? Liệu thị trường có trông cậy vào yếu tố hỗ trợ nào khác trong tháng 8 không?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Theo Luật chứng khoán, kết quả kinh doanh bán niên phải có báo cáo kiểm toán sau soát xét. Kinh nghiệm của tôi thì thị trường vẫn có những biến động khi xảy ra trường hợp giữa báo cáo kết quả kinh doanh công ty tự lập và báo cáo kiểm toán có độ vênh nhau.

Thêm nữa, các doanh nghiệp có thể được nộp muộn báo cáo 45 ngày kể từ ngày cuối cùng hạn nộp báo cáo quý. Theo khảo sát của chúng tôi hiện nay vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa nộp báo cáo và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm vẫn là những thông tin hỗ trợ cho cổ phiếu và thị trường trong tháng 8 này.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Với việc các doanh nghiệp đều đã lần lượt hé lộ kết quả kinh doanh Quý 2, chúng tôi lo ngại rằng diễn biến thị trường trong tháng 8 tới có thể sẽ khá là "khó chịu" khi mà VN-Index vẫn đang kiểm tra lại ngưỡng 960 điểm của đường MA50 trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin hỗ trợ tích cực cộng hưởng với việc tình hình vĩ mô thế giới tiếp tục chuyển mình theo chiều hướng xấu. Bên canh đó, tháng 8 cũng là tháng "cô hồn" nên có thể diễn biến thị trường chung sẽ hơi xấu.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng trong những tuần tới đây bất chấp việc thông tin có lợi về kết quả kinh doanh đã đã kết thúc.

Điểm tích cực là dòng tiền đã quay trở lại và có xu hướng lan tỏa giữa các nhóm cổ phiếu. Đồng thời, chỉ số VN-Index vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy dòng tiền sẽ tiếp tục lan tỏa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt tôi vẫn đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu vẫn duy trì ở mức cao, nhưng nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh trong phiên có thể sẽ còn tiếp tục diễn.

Thị trường hồi phục và đi vào xu hướng tăng mới, khối ngoại bắt đầu có xu hướng mua ròng trở lại trên một số mã cổ phiếu có thể là những thông tin tích cực hỗ trợ thì trường trong tháng 8 này.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng động lực tăng trưởng cho thị trường trong thời gian tới chính là việc các yếu tố rủi ro đang tạo ra tác động không tích cực cho thị trường trong thời gian qua như "trade war", biến động tỷ giá, mối lo lạm phát tăng cao có được giảm thiểu trong thời gian tới hay không.

Trong kịch bản tích cực, có thể kỳ vọng thị trường sẽ hướng đến vùng kháng cự mạnh 980-1.000 điểm ngay trong những tuần tới.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tháng 8 thực sự ít thông tin hỗ trợ, mặc dù còn một vài doanh nghiệp chia cổ tức muộn nhưng tác động là không nhiều. Chưa kể chúng ta sắp bước sang tháng 7 âm lịch, về tâm lý cũng bị ảnh hưởng đôi chút khi cũng có không ít các nhà đầu tư trong nước vẫn còn quan trọng yếu tố tâm linh.

Kỳ vọng duy nhất của tôi giai đoạn này là dòng tiền sẽ quay trở lại các cổ phiếu đang bị định giá rẻ và đây có thể là kỳ vọng duy nhất cho thị trường trong tháng 8.

Xu thế dòng tiền: Hết thông tin hỗ trợ, thị trường có gặp khó? - Ảnh 5.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Cổ phiếu đã tăng giá tốt trong tuần và hẳn anh chị cũng có tăng trưởng danh mục tích cực. Anh chị đã chốt lời chưa, hay vẫn nắm giữ, tỷ trọng danh mục như thế nào?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tỷ trọng danh mục tổng của tôi đã được nâng lên mức 40% cổ phiếu (trong đó, phần danh mục trung hạn chiếm 20%).

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới. Tỷ trọng ngắn hạn của tôi là 65% cổ phiếu/35% tiền mặt. Tỷ trọng trung hạn có thể giữ ở mức 26% cổ phiếu/74% tiền mặt.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Các cổ phiếu trading chúng tôi đã chủ động chốt lãi một phần, riêng về danh mục đầu tư dài hạn tạm thời giữ nguyên và không tăng tỷ trọng.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục đầu tư của mình ở mức 35% và vẫn ưu tiên tập trung vào các cổ phiếu cơ bản với tiềm năng lợi nhuận tốt như HPG, MBB, ACB, …

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục cụ thể là vào nhóm dầu khí khi một số cổ phiếu thuộc nhóm này đã hoàn thành kế hoạch năm và giá cổ phiếu đã về mức thấp lịch sử.

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Trở lên trên