MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Khó có sóng quý 3, thị trường trông đợi điều gì?

Index chỉ giảm nhẹ 0,3% trong tuần qua nhưng đó lại là sự thoái lui đáng thất vọng khi kết quả kinh doanh quý 3 được công bố ào ạt...

Tuần trước các chuyên gia đã không kỳ vọng nhiều vào "sóng kết quả kinh doanh quý 3" và thị trường tuần qua đã chứng minh điều này. Các con số lợi nhuận tích cực cũng không giúp được nhiều cho cổ phiếu. Trong khi đó một vài cổ phiếu đầu cơ lại "sôi sục" tăng. Các chuyên gia đều cảnh báo tính đầu cơ ngắn hạn và rủi ro rất cao ở các cổ phiếu này.

Không đánh giá cao về triển vọng hưởng ứng thông tin kết quả kinh doanh, các chuyên gia vẫn đánh giá cao kịch bản thị trường tiếp tục đi ngang yếu và điều chỉnh kiểm định các mức hỗ trợ. Nếu kết quả kinh doanh quý 3 không tạo được hiệu ứng tăng, phía trước sẽ là những tháng cuối năm trống vắng thông tin.

Tuy vậy các chuyên gia cũng kỳ vọng vào sự chuyển biến của dòng tiền những tháng cuối năm, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, khả năng Mỹ - Trung hiện thực hóa thỏa thuận giai đoạn 1 và FED cắt giảm lãi suất cũng có thể là thông tin hỗ trợ.

Với quan điểm thận trọng bao trùm, các chuyên gia tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu trung bình thấp.

Nhiều doanh nghiệp lớn đều có chương trình IR hiệu quả, có chế độ công bố thông tin nhanh chóng và kịp thời trong đó có nội dung công bố kết quả kinh doanh cập nhật theo tháng. Chính vì vậy, kết quả kinh doanh quý của các doanh nghiệp này đều không gây bất ngờ. Đó là lý do vì sao không có sóng tăng mạnh khi ra kết quả kinh doanh quý 3.

ÔNG LÊ HOÀNG TÂN

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thị trường hầu như chỉ đi ngang trong tuần này và VN-Index đã không thể kiểm định lại ngưỡng 1.000-1005 điểm như anh chị kỳ vọng tuần trước. Không chỉ thị trường Việt Nam mà có lẽ cả thế giới vẫn nghi ngờ về thỏa thuận Mỹ - Trung. "Cú hích lớn" đã không thành hiện thực và rất nhiều nhà đầu tư có cảm giác chán nản, thất vọng. Anh chị thì sao, cảm nhận thế nào về tuần giao dịch không như ý?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Giai đoạn này nếu nhìn vào chỉ số Index thì nhà đầu tư rất dễ chán nản vì thị trường đã đi ngang quá lâu so với kỳ vọng của nhà đầu tư. Đặc biệt ngưỡng kháng cự tâm lý 1.000 điểm hình như rất khó bị phá vỡ, từ đó tạo nên tâm lý thận trọng tương đối cho số đông nhà đầu tư.

Riêng cá nhân tôi trong giai đoạn vừa qua, chỉ số Index không phải là yếu tố quan trọng trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Thường thì trong giai đoạn thị trường sideway tôi sẽ tập trung nhìn vào các cổ phiếu mình quan tâm hơn là chỉ số. Điều này phù hợp với nhận định về sự phân hóa giữa các lớp cổ phiếu và nhóm ngành.

Cơ hội vẫn có ở các mã có kết quả kinh doanh tốt và tôi hài lòng với kết quả của đầu tư mặc dù tỷ suất lợi nhuận là không quá cao.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích – VietinBank Securities

Tôi không quá ngạc nhiên trước diễn biến giao dịch của thị trường trong tuần vừa qua khi tín hiệu kỹ thuật đã cảnh báo khả năng cao thị trường sẽ bước vào giai đoạn đi ngang tích lũy trong vùng 985 – 1,005 điểm; phù hợp với nhận định đã được đưa ra từ trước đó.

Bên cạnh đó, diễn biến thỏa thuận thương mại mới nhất giữa Mỹ - Trung hầu như không được giới phân tích đánh giá cao và vẫn chưa thực sự đem lại cải thiện tích cực nào trong căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia này, do đó khó có thể là "động lực lớn" giúp thị trường bật tăng điểm vượt chướng ngại được.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tuần giao dịch vừa qua nằm trong kịch bản dự báo của BVSC nên tôi không có nhiều bất ngờ về diễn biến của thị trường.

Khi chưa thể tạo ra cú huých cũng như xung lực mạnh hơn để vượt qua được vùng kháng cự tâm lý 1000-1005 điểm, thì thị trường sẽ còn phải cần thêm thời gian dao động đi ngang tạo nền giá tích lũy và chờ đợi thêm những thông tin hỗ trợ mạnh ở phía trước.

Nhà đầu tư cũng khá thận trọng và khó tìm kiếm lợi nhuận trước diễn biến luân chuyển và phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 của từng doanh nghiệp cụ thể.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

VN-Index tuần vừa qua có sự phân hóa mạnh, thanh khoản đạt 2.850 tỷ đồng (chưa bao gồm giao dịch thỏa thuận), ở mức trung bình. Một phần nhà đầu tư chán nản đã bán bớt cổ phiếu do chưa đạt kỳ vọng, tuy nhiên một phần nhà đầu tư vẫn kỳ vọng về kinh tế Việt Nam nói riêng là lực đỡ thị trường trong các phiên tiếp theo.

Tuần qua những cổ phiếu nóng tăng điểm mạnh đa phần đều là những cổ phiếu có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm không tăng trưởng so với cùng kỳ. Những cổ phiếu này đa phần tăng rất nhanh và mạnh mang lại rủi ro rất cao, do đó việc mua vào những cổ phiếu này cũng mang tính chất lướt sóng ngắn hạn.

ÔNG TRẦN HỮU PHÚC

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

VN-Index ghi nhận một tuần điều chỉnh giảm do áp lực chốt lời trên các cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ số ghi nhận những diễn biến tích cực trong nửa đầu tuần khi tăng điểm tích cực, thậm chí đã có thời điểm chỉ số tiệm cận ngưỡng 1,000 điểm nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh mẽ trên một số cổ phiếu "trụ" như VCB, VNM,…

Tuy nhiên, cuối tuần thị trường chứng kiến áp lực chốt lời gia tăng ở các cổ phiếu bluechips (VHM, VRE, GAS,…) khiến chỉ số không thể giữ được mốc 990 điểm. Thanh khoản tính chung cả tuần không biến động quá lớn so với tuần trước. Kết tuần giao dịch, VN-Index dừng tại mức 989.20 điểm (-0.26%), trong khi HNX-Index dừng tại mức 105.48 điểm (+0.22%).

VN-Index tiếp tục diễn biến giằng co khi thiếu sự đồng thuận từ các cổ phiếu lớn. Các ngành Small Caps tăng điểm như Ô tô phụ tùng, Hàng cá nhân & gia dụng trong khi Dầu khí, Truyền thông, Vật liệu xây dựng vẫn suy yếu. Giá trị giao dịch vẫn chưa cải thiện, quanh ngưỡng 3000 tỷ/ phiên trong khi khối ngoại bán ra cũng là yếu tố khiến thị trường tiếp tục giao động và không rõ xu hướng.

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 chờ công bố và cùng với nhiều thông tin chưa rõ ràng chưa tạo sự đồng thuận cho thị trường. Do vậy, theo tôi VN-Index vẫn tiếp tục đi ngang trong khoảng 980 – 1,000 điểm với sự phân hóa theo kết quả kinh doanh quý III để chờ đồng thuận kiểm tra ngưỡng tâm lý 1,000 điểm.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thêm nhiều kết quả kinh doanh quý 3 được công bố tuần này, nhưng cổ phiếu cũng không có diễn biến tích cực một cách rõ rệt, ví dụ FPT, PNJ hay mảng bất động sản... Tuần trước anh chị cũng không kỳ vọng nhiều vào sóng kết quả kinh doanh quý 3. Vậy thị trường có thể trông cậy vào điểm tựa hỗ trợ nào khác trong ngắn hạn nữa không, vì cả 2 tháng tới sẽ không còn mạch thông tin nào đáng chú ý?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Trong thời gian tới, thị trường sẽ chờ đợi sự chuyển biến tích cực hơn của dòng vốn ngoại. Tôi kỳ vọng khối ngoại sẽ sớm kết thúc hoạt động bán ròng và có thể chuyển sang mua ròng trong giai đoạn cuối năm.

Luật chứng khoán sửa đổi nếu được thông qua trong thời gian tới sẽ là một thông tin tích cực mở ra triển vọng sớm nâng hạng cho thị trường Việt Nam trong năm 2020. Yếu tố này nếu có chuyển biến tích cực thì có thể tạo ra được sự hấp dẫn với cả dòng tiền ngoại và nội tham gia vào thị trường trong trung-dài hạn.

Ngoài ra, động thái của FED về khả năng có tiếp tục cắt giảm lãi suất đồng USD trong thời gian tới hay không, cũng như các kết quả mới về cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng sẽ tạo ra những ảnh hưởng nhất định đối với xu thế thị trường trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Nhà đầu tư chưa mặn mà với kết quả kinh doanh quý 3 đang dần công bố do giá các cổ phiếu đã tăng trước đó.

Tôi cho rằng điểm tựa hỗ trợ vẫn còn là việc ký thỏa thuận thương mại thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc vào diễn ra vào tháng 11 tới và kỳ vọng về GDP Việt Nam đạt được khả quan đến hết năm, dù kinh tế chung thế giới gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đều có chương trình IR hiệu quả, có chế độ công bố thông tin nhanh chóng và kịp thời trong đó có nội dung công bố kết quả kinh doanh cập nhật theo tháng. Chính vì vậy, kết quả kinh doanh quý của các doanh nghiệp này đều không gây bất ngờ. Nó chỉ có tác dụng củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu nếu doanh nghiệp hoạt động tốt. Đó là lý do vì sao không có sóng tăng mạnh khi ra kết quả kinh doanh quý 3.

Giai đoạn này, nếu để tìm một điểm tựa hỗ trợ cho thị trường thì tôi kỳ vọng nhiều vào dòng tiền của khối ngoại: kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá tốt với những con số thống kê tuyệt vời, đây là động lực để thu hút thêm vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường thế giới cũng đang có xu hướng ổn định, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ đang tăng, điều này cho thấy dòng tiền có xu hướng dịch chuyển từ phòng thủ sang tấn công, trong đó sẽ có phân bổ cho các thị trường rủi ro hơn như cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ.

Tôi cho rằng điểm tựa hỗ trợ vẫn còn là việc ký thỏa thuận thương mại thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc vào diễn ra vào tháng 11 tới và kỳ vọng về GDP Việt Nam đạt được khả quan đến hết năm, dù kinh tế chung thế giới gặp nhiều khó khăn.

ÔNG NGUYỄN VIỆT QUANG

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích – VietinBank Securities

Chúng tôi nhận định rằng trong hai tháng cuối năm 2019 diễn biến thị trường sẽ khó để cải thiện tích cực lên trong bối cảnh các thông tin tích cực hỗ trợ là khá hạn chế.

Điểm lại một số thông tin hỗ trợ như kỳ vọng kết quả kinh doanh Quý 4 hoặc Dự luật chứng khoán sửa đổi có lẽ cũng không đem lại nhiều tác dụng tích cực nào đáng chú ý khi thực tế đã chứng minh thị trường trong giai đoạn vừa qua không thực sự phản ứng tích cực với các thông tin kết quả kinh doanh khả quan.

Bên cạnh đó, Dự luật chứng khoán sửa đổi cũng mới chỉ tập trung đẩy mạnh cải thiện tính minh bạch của thị trường vốn chỉ có tác dụng trong dài hạn, trong khi các giải pháp cho ngắn hạn có tác động trực tiếp tới thanh khoản của thị trường hàng ngày vẫn còn khá hạn chế.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

VN-Index và VN30-Index kiểm định đỉnh cũ không thành rồi điều chỉnh 2 ngày cuối tuần. Anh chị cũng đã nhiều lần cảnh báo rủi ro không bứt phá được sẽ có nguy cơ điều chỉnh giảm. Từ góc độ kỹ thuật, anh chị có đánh giá mới với sự cập nhật diễn biến tuần qua hay không?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index tạm chuyển xuống mức Tiêu cực khi đóng cửa dưới ngưỡng MA20 trong khi đó, tín hiệu của VN30 vẫn duy trì ở mức Tích cực.

Chỉ báo MACD cũng cho tín hiệu "Sell signal" do đó chỉ số VN-Index có thể sẽ giảm để kiểm định hỗ trợ mạnh tại 985 điểm, tạo bởi đường MA50 ngày. Đây cũng là cận dưới của kênh tích lũy sideways 985-1000 điểm kéo dài từ giữa tháng 9/2019 cho đến nay.

Thông thường, sau khi chạm hỗ trợ tại 985 điểm, thị trường sẽ có sự hồi phục nhất định trở lại. Ngược lại, nếu phá vỡ mốc 985 điểm, VN-Index có thể sẽ giảm về mốc 968 điểm tương đương MA200.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích – VietinBank Securities

Dưới góc độ kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã và đang hình thành mẫu hình ascending triangle kéo dài từ giữa tháng 7/2019 cho tới thời điểm hiện tại. Đây là mẫu hình cảnh báo cho sự gia tăng thận trọng của nhà đầu tư với sự chậm lại của xu hướng tăng.

Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi quan ngại là khả năng breakout giá xuống của mẫu hình này trong bối cảnh cạnh trên của mẫu hình nằm trong vùng kháng cự mạnh 1,000 – 1,005 điểm của chỉ số.

Nếu chỉ số VN-Index không thể vượt thoát lên khỏi vùng kháng cự này với sự cải thiện tích cực của thanh khoản, kịch bản thị trường sẽ chuyển biến khá xấu khi có thể breakout giảm giá xuống khoảng 5% tính từ mức điểm 990 hiện tại về khoảng ngưỡng 940 điểm.

Điều khiến tôi quan ngại là khả năng breakout giá xuống của mẫu hình này trong bối cảnh cạnh trên của mẫu hình nằm trong vùng kháng cự mạnh 1,000 – 1,005 điểm của chỉ số. Nếu chỉ số VN-Index không thể vượt thoát lên khỏi vùng kháng cự này với sự cải thiện tích cực của thanh khoản, kịch bản thị trường sẽ chuyển biến khá xấu khi có thể breakout giảm giá xuống khoảng 5% tính từ mức điểm 990 hiện tại về khoảng ngưỡng 940 điểm.

ÔNG ĐÀO TUẤN TRUNG

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Về mặt kỹ thuật VN-Index vẫn đang kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ kênh giá dưới của xu hướng hồi từ tháng 2 tới giờ. Chỉ số đang ở cuối kênh giá hồi lên thị trường sẽ có sự rung lắc trong các phiên tiếp theo.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Về góc độ phân tích kỹ thuật, xu hướng hiện nay vẫn là giằng co và tích lũy trong biên độ hẹp từ 980 – 1.000 điểm. Khi nào thị trường vẫn nằm trong kênh biến động này thì các rủi ro là không đáng kể.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng trong việc phân bổ tỷ trọng đầu tư trên tổng tài sản để phòng ngừa rủi ro.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Dưới góc độ kỹ thuật, tôi cho rằng thị trường có khả năng vẫn sẽ tiếp tục biến động theo hướng đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong tuần tới, thậm chí trong cả tuần cuối tháng 10.

Diễn biến đang chú ý trong ngắn hạn có lẽ sẽ là hoạt động tái cơ cấu danh mục quý 3 của các quỹ đầu tư theo chỉ số VN30 sẽ bắt đầu diễn ra trong những tuần còn lại của tháng 10. Hoạt động này có thể khiến các cổ phiếu trong rổ VN30 xuất hiện những phiên biến động mạnh trong ngắn hạn.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Những cổ phiếu tăng tốt nhất tuần qua chỉ là những mã nóng được đầu cơ. Thanh khoản rất cao cho thấy có số đông nhà đầu tư tham gia. Anh chị có hứng thú với những diễn biến đó và tham gia? Tỷ trọng danh mục hiện tại như thế nào?

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích – VietinBank Securities

Tôi không tham gia vào hoạt động giao dịch trên thị trường trong tuần vừa qua mà chỉ đứng ngoài quan sát với tỷ lệ danh mục hiện tại ở mức 45%.

Với chiến lược thận trọng, tôi sẽ chỉ tham gia giải ngân thêm nếu có tín hiệu xác nhận VN-Index vượt vùng kháng cự 1,000 – 1,005 thành công hoặc khi chỉ số về lại các ngưỡng hỗ trợ hấp dẫn hơn.

Xu thế dòng tiền: Khó có sóng quý 3, thị trường trông đợi điều gì? - Ảnh 5.
Trong thời gian tới, thị trường sẽ chờ đợi sự chuyển biến tích cực hơn của dòng vốn ngoại. Tôi kỳ vọng khối ngoại sẽ sớm kết thúc hoạt động bán ròng và có thể chuyển sang mua ròng trong giai đoạn cuối năm.

ÔNG TRẦN XUÂN BÁCH

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Dòng tiền tuần qua có xu hướng tập trung vào các cổ phiếu penny có tính đầu cơ cao, các cổ phiếu này rất rủi ro. Cá nhân tôi không bao giờ mua các cổ phiếu này, đây là nguyên tắc đầu tư chứ không phải là không thể kiếm tiền trên các cổ phiếu đó.

Tỷ trọng hiện nay tôi duy trì ở mức khoảng 50% cổ phiếu và 50% tiền mặt, danh mục tập trung vào các mã tăng trưởng hoặc P/E thấp, doanh nghiệp hoạt động ổn định và lợi tức tiền mặt cao.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Tuần qua những cổ phiếu nóng tăng điểm mạnh đa phần đều là những cổ phiếu có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm không tăng trưởng so với cùng kỳ. Những cổ phiếu này đa phần tăng rất nhanh và mạnh mang lại rủi ro rất cao, do đó việc mua vào những cổ phiếu này cũng mang tính chất lướt sóng ngắn hạn.

Chúng tôi vẫn duy trì danh mục cổ phiếu với trọng tâm là các doanh nghiệp được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý cuối cùng của năm 2019 như các mã đầu ngành nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin, tiêu dùng, năng lượng, tiêu dùng.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi không có hứng thú với những cổ phiếu đầu cơ và duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 30% cổ phiếu trong giai đoạn này.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo tôi nhà đầu tư vẫn nên tập trung vào những cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh tốt, hiệu quả trong năm trong tình hình nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang đối diện sự suy giảm. Nhà đầu tư chọn lọc và mua thăm dò những cổ phiếu của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả khi giá thấp hoặc tới các vùng hỗ trợ. Tỷ trọng danh mục 50% cổ phiếu, 50% bằng tiền.

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Trở lên trên