Xu thế dòng tiền: Ngưỡng 1.000 điểm vì sao đáng sợ đến thế?
Tuần qua thị trường tiếp tục chứng kiến những phiên giao dịch thất bại trong nỗ lực vượt 1.000 điểm của VN-Index...
Tuần qua thị trường tiếp tục chứng kiến những phiên giao dịch thất bại trong nỗ lực vượt 1.000 điểm của VN-Index. Một lần nữa nhà đầu tư lại bán ra rất nhiều tại vùng điểm số này.
Các chuyên gia có những lý giải khác nhau về hiện tượng bán tại mốc 1.000 điểm của chỉ số. Đây là ngưỡng kháng cự có yếu tố tâm lý lẫn kỹ thuật trong một xu hướng tăng ngắn hạn đã khá mạnh kể từ đầu năm 2019. Thị trường trong quá khứ cũng đã gặp khó khăn tại ngưỡng này, kết hợp với mức tăng trưởng lợi nhuận rất khả quan trong thời gian ngắn. Tổng hợp các yếu tố đó đã dẫn đến quyết định chốt lời được đưa ra một cách dễ dàng và dứt khoát.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng một lần nữa nhấn mạnh rằng nhịp điều chỉnh xảy ra là bình thường trong chu kỳ thị trường. Ngay từ tuần trước các chuyên gia cũng đã dự đoán về khả năng này, đồng thời đặt mục tiêu ngắn hạn cho VN-Index trong khoảng 950-960 điểm. Với các diễn biến mới, kịch bản này tiếp tục có xác suất cao sẽ xảy ra.
Đánh giá về thị trường trong ngắn hạn, các chuyên gia đều nhìn nhận khả năng dòng tiền nâng đỡ thị trường đã suy yếu. Bối cảnh thông tin nhìn chung kém tích cực và diễn biến thị trường quốc tế cũng đang xấu đi. Dòng vốn ngoại trên thị trường cũng không còn mạnh như cách đây 2 tuần. Nếu quỹ ETF nội không phát hành thêm được nữa thì sức mua sẽ còn tiếp tục giảm xuống.
Các chuyên gia đã thực hiện cắt giảm danh mục trong tuần qua và hầu hết chỉ còn duy trì tỷ trọng cổ phiếu dưới mức trung bình.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
VN-Index lần thứ 3 đã không vượt qua được mốc 1.000 điểm dù có lúc đột phá đáng kể hôm 7/3. Như vậy nguy cơ điều chỉnh như anh chị dự kiến tuần trước có chậm một chút nhưng cơ bản vẫn đúng. Như thế thị trường đã có tới hai tuần liên tục bị chốt lời mạnh. Anh chị đánh giá khả năng hấp thụ của dòng tiền như thế nào?
Tôi cho rằng dấu hiệu dòng tiền suy yếu cho thấy thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy sau giai đoạn tăng kéo dài vào hai tháng đầu năm 2019, đặc biệt rủi ro ngắn hạn có chiều hướng tăng dần
NGUYỄN VIỆT QUANG
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Theo quan sát của tôi, xu hướng chốt lời diễn ra rất mạnh khi VN-Index tiệm cận vùng 1.000 điểm, đây vừa là ngưỡng kháng cự tâm lý, vừa là ngưỡng kháng cự kỹ thuật. Chính vì vậy, hành động chốt lời của nhà đầu tư khá dứt khoát và quyết đoán.
Trong khi bên bán hành động quyết đoán bao nhiêu thì bên mua lại có xu hướng lưỡng lự bấy nhiêu. Mặc dù có phiên Index bứt qua ngưỡng 1.000 điểm nhưng dòng tiền mới vào không đủ mạnh để giúp VN-Index duy trì trên ngưỡng kháng cự này.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường - Chứng khoán Vietinbank
Tôi đánh giá rằng khả năng hấp thụ của dòng tiền trên thị trường trong giai đoạn hiện tại ở mức trung bình khá. Thanh khoản và giá trị giao dịch trên thị trường nhìn chung ở mức khá ổn và chấp nhận được; quan trọng hơn là có sự cải thiện so với khoảng thời gian trước Tết.
Bên cạnh đó, một điểm tích cực là khối ngoại nhìn chung vẫn đang duy trì vị thế mua ròng trên thị trường mặc dù lực mua đã có phần chững lại. Dòng tiền tham gia vào thị trường tuy có phần thận trọng nhưng vẫn khá ổn định.
Ngoài ra, diễn biến giao dịch ở một số nhóm cổ phiếu hoặc các cổ phiếu có câu chuyện riêng đáng chú ý vẫn đang diễn ra rất sôi nổi và nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng trong tuần vừa qua khả năng hấp thụ của dòng tiền là rất tốt. Đặc biệt trong phiên ngày thứ 2 đầu tuần, với gần 6.000 tỷ rót vào thị trường, cả 3 sàn được bao trùm bởi sắc xanh nhờ sức kéo của các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn.
Tuy nhiên dòng tiền đã có sự suy yếu nhất định khi mà trong phiên cuối tuần thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên trước nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 261 triệu cổ phiếu, trị giá 4.800 tỷ đồng.
Tôi cho rằng dấu hiệu dòng tiền suy yếu cho thấy thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy sau giai đoạn tăng kéo dài vào hai tháng đầu năm 2019, đặc biệt rủi ro ngắn hạn có chiều hướng tăng dần.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Nhìn diễn biến thị trường trong tuần qua có thể thấy, dòng tiền đầu cơ vào các cổ phiếu midcap, penny, cổ phiếu mệnh giá thấp hoạt động khá sôi nổi. Trong khi đó, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu vốn hóa lớn lại có phần dè dặt.
Nếu diễn biến này còn tiếp tục sẽ tạo ra rủi ro cho thị trường bởi đặc tính của dòng tiền đầu cơ là vào nhanh và rút ra nhanh. Lực cầu giá thấp ở các vùng hỗ trợ vẫn được thể hiện tích cực với việc giúp thị trường trụ vững ở các ngưỡng điểm quan trọng như 984-985 điểm và có thể sẽ là 970-980 điểm.
Trong tuần tới, lực cầu tại các vùng hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng đỡ và giúp thị trường tạo được phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại.
Theo tôi, rủi ro điều chỉnh của thị trường đang có chiều hướng gia tăng trong ngắn hạn là bởi sự hội tụ của nhiều yếu tố. Thị trường chứng khoán thế giới đang bước vào nhịp điều chỉnh ngắn sau chuỗi thời gian hồi phục mạnh mẽ trước đó, các thông tin vĩ mô trong nước và quốc tế cũng đang được công bố với kết quả không mấy tích cực
TRẦN XUÂN BÁCH
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN-Index trải qua một tuần giao dịch với nhiều diễn biến giằng co, thể hiện sự tâm lý khá bất ổn của nhiều nhà đầu tư hiện tại. Trong những phiên đầu tuần, chỉ số hồi phục tăng nhẹ với lực cầu khá ổn định sau khi đã ghi nhận phiên điều chỉnh giảm mạnh cuối tuần trước.
Bên cạnh đó, những tiến triển mới trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng phần nào giúp cho tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn. Tuy nhiên, trong những phiên cuối tuần, thông tin về sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như Trung Quốc xuất hiện nhiều trên các mặt báo đã khiến cho lực bán chốt lời áp đảo trên thị trường.
Mặt khác, diễn biến bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong phiên thứ sáu cuối tuần (8/3) khiến cho chỉ số Shanghai Composite ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây cũng phần nào gây ra áp lực tiêu cực lên các chỉ số chứng khoán của Việt Nam.
Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường vẫn duy trì tăng trưởng tốt khi đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu được giao dịch trong tuần vừa qua trên sàn HOSE. Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 5,62 điểm (+0,57%) và đạt 985,25 điểm, còn HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,90%) lên mức mức 108,22 điểm.
Tuần này giá trị giao dịch trung bình sàn HSX đạt khoảng 3.900 tỷ đồng/phiên, giảm so với tuần trước. Một số cổ phiếu vốn hóa lớn như dòng ngân hàng, bán lẻ đều cho dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn. Chỉ báo MACD cho tín hiệu bán, báo hiệu rủi ro thị trường tăng lên. Do đó nhà đầu tư nên hạn chế mua vào mới và quản trị danh mục theo hướng bán ra những cổ phiếu yếu, giữ lại cổ phiếu mạnh.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Không ít nhà đầu tư đang đặt ra câu hỏi ngưỡng 1.000 điểm là gì mà cản trở thị trường nhiều như vậy. Có lẽ câu hỏi đúng hơn là tại sao nhà đầu tư lại quyết định bán ra nhiều như vậy trong hai tuần qua và 1.000 điểm của VN-Index chỉ là sự trùng hợp. Thị trường bị bán mạnh là do hết thông tin hỗ trợ, hay cổ phiếu đã tăng đủ nhiều, hay lý do gì khác, vì những ngày cuối tuần không chỉ các blue-chips bị xả nữa, mà là rất nhiều cổ phiếu còn lại?
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Ngưỡng 1.000 điểm là ngưỡng cản tâm lý và đằng sau nó là một lịch sử những lần chỉ số VN-Index thất bại trong việc duy trì ngưỡng điểm này hoặc đột phá thành công. Với một lịch sử như vậy, tôi nghĩ rất có thể một dạng "phản xạ có điều kiện" đã được hình thành và do đó lại càng làm cho mức điểm này trở thành một rào cản mạnh.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng chắc hẳn mọi nhà đầu tư tham gia vào thị trường cũng đều đã thuộc nằm lòng những lý do khiến chỉ số VN-Index không thể vượt nổi mức 1.000 điểm do thường gặp phải áp lực bán quá lớn. Cho dù có bao nhiêu lý do đi nữa thì hầu hết đều bắt nguồn từ tâm lý sợ hãi quá mức thôi.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN Index đã hai lần gặp ngưỡng 1.000 điểm và thoái lui cho thấy lực bán tại đây khá mạnh. Trong đầu tư chứng khoán, kinh nghiệm cho thấy lịch sử luôn lặp lại do đó việc ngưỡng 1.000 điểm lần trước chưa vượt được thì nhà đầu tư sẽ lo ngại bán ra khi VN-Index sát ngưỡng mục tiêu này.
Thị trường chứng khoán thế giới tuần qua cũng bị giảm điểm do những lo ngại từ dự báo tăng trưởng toàn cầu kém cũng như số liệu về thâm hụt thường mại Mỹ cao nhất trong vòng 10 năm. Trong nước, lực bán tại các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đã làm cho thị trường suy yếu khiến lực cầu tại các cổ phiếu Midcap và Smallcap cũng không thế thay thế được.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Theo tôi, rủi ro điều chỉnh của thị trường đang có chiều hướng gia tăng trong ngắn hạn là bởi sự hội tụ của nhiều yếu tố. Thị trường chứng khoán thế giới đang bước vào nhịp điều chỉnh ngắn sau chuỗi thời gian hồi phục mạnh mẽ trước đó, các thông tin vĩ mô trong nước và quốc tế cũng đang được công bố với kết quả không mấy tích cực.
Trong bối cảnh đó, việc Vn-Index cũng như nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường đều đang đồng loạt tiếp cận các vùng kháng cự mạnh, khiến cho lực cung chốt lời được kích hoạt trên diện rộng và tạo ra hiệu ứng tâm lý lo sợ cho nhà đầu tư trên thị trường trong những phiên cuối tuần qua.
Theo tôi diễn biến thị trường Việt nam hiện đang diễn ra khá đồng điệu với thế giới do đó nhà đầu tư cần cẩn trọng trong thời gian này khi mà xu hướng giảm ngắn hạn đang diễn ra
TRẦN HỮU PHÚC
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Nhiều cổ phiếu đã tăng gần 20% chỉ trong vòng 1 tháng, thậm chí có cổ phiếu còn tăng 30-40% thì việc chốt lời là lựa chọn sáng suốt nhất.
Ngoài ra, có sự trùng hợp khi thị trường trong nước đang "test" ngưỡng kháng cự quan trọng 1.000 điểm thì thị trường thế giới lại có chuỗi điều chỉnh liên tục 5 phiên, từ đó tạo ra tâm lý thận trọng đủ lớn để nhà đầu tư "hạn chế lòng tham" và đề cao nguyên tắc bảo toàn lợi nhuận.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Trên quan điểm kĩ thuật tôi cho rằng thị trường đã tăng khoảng 16% từ vùng đáy 880 điểm do vậy một nhịp điều chỉnh là cần thiết trong giai đoạn này. Đồng thời, thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy sau giai đoạn tăng kéo dài vào hai tháng đầu năm 2019, đặc biệt rủi ro ngắn hạn có chiều hướng tăng dần. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục tăng nhẹ và trong vùng 70 - 80%, đây vẫn là vùng cảnh báo thận trọng và cơ hội tìm kiếm lợi nhuận sẽ trở nên khó khăn hơn.
Đây là thời điểm sóng kết quả kinh doanh cuối năm 2018 đã qua đi và thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý 1 chưa tới dẫn đến không có nhiều thông tin hỗ trợ trong thời điểm này.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Tuần trước anh chị đã đưa ra kịch bản điều chỉnh VN-Index về quanh ngưỡng 950 điểm. Lúc này thị trường chứng khoán thế giới cũng đứng trước nguy cơ điều chỉnh từ độ cao rất đáng kể. Anh chị có lo ngại yếu tố tác động bên ngoài khiến mức điều chỉnh của thị trường trong nước xấu hơn không?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Khi mà thị trường đang tiếp cận vùng kháng cự mạnh thì việc các yếu tố tiêu cực bên ngoài xuất hiện có thể là chất xúc tác giúp kích hoạt áp lực bán chốt lời ở nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường, qua đó khiến cho thị trường có thể đối mặt với nguy cơ bị bán quá đà và rơi về các vùng hỗ trợ sâu hơn dự kiến.
Thị trường đang trong chu kỳ điều chỉnh kỹ thuật thông thường, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo vẫn được xác định tại vùng 945-950 điểm. Khả năng VN-Index sẽ tích lũy và phục hồi khi chạm tới ngưỡng này. Về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất sáng sủa vì thế không cần bi quan quá mức
LÊ HOÀNG TÂN
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi không quá lo ngại trước tác động của thị trường quốc tế đến thị trường Việt Nam khi mà trong khoảng thời gian gần đây sự tương quan giữa thị trường Việt Nam và quốc tế là rất thấp. Điểm duy nhất khiến tôi lo ngại đó là việc khối ngoại đã có dấu hiệu chững lại việc mua ròng trong những phiên gần đây.
Tôi cho rằng trong tuần tới, xu hướng mua ròng của khối ngoại có thể sẽ tiếp tục giảm dần và quay sang trạng thái bán ròng trong những phiên giao dịch tới khi các quỹ ETF không còn huy động thêm chứng chỉ quỹ và đồng USD quay trở lại đà tăng mạnh. Áp lực bán ra từ khối ngoại có thể tác động tiêu cực khá mạnh đến nhà đầu tư trong nước.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường - Chứng khoán Vietinbank
Tôi cũng không loại trừ khả năng này do tâm lý chung của toàn thị trường hiện đang khá căng thẳng và luôn ở trong tình trạng sẵn sàng bán ngay để bảo toàn vốn nếu có thêm thông tin mang tính tiêu cực. Nếu tình huống này xảy ra, có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với các phiên hoảng loạn bán tháo, lại càng khiến thị trường giảm sâu hơn mức dự kiến.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tuần qua thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ảnh hưởng khá nhiều từ thị trường thế giới. Thế giới giảm đồng thời việc khối ngoại tham gia thị trường ở mức thấp, cùng với việc mua bán đan xen chấm dứt đà mua ròng liên tục trước đó, cũng làm cho thị trường mất đi đà tăng trưởng.
Theo tôi diễn biến thị trường Việt nam hiện đang diễn ra khá đồng điệu với thế giới do đó nhà đầu tư cần cẩn trọng trong thời gian này khi mà xu hướng giảm ngắn hạn đang diễn ra.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Hiện tại thị trường đang trong chu kỳ điều chỉnh kỹ thuật thông thường, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo vẫn được xác định tại vùng 945-950 điểm. Khả năng VN-Index sẽ tích lũy và phục hồi khi chạm tới ngưỡng này. Về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất sáng sủa vì thế không cần bi quan quá mức.
Tâm lý chung của toàn thị trường hiện đang khá căng thẳng và luôn ở trong tình trạng sẵn sàng bán ngay để bảo toàn vốn nếu có thêm thông tin mang tính tiêu cực. Nếu tình huống này xảy ra, có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với các phiên hoảng loạn bán tháo, lại càng khiến thị trường giảm sâu hơn mức dự kiến
NGUYỄN HOÀNG VIỆT
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Tuần qua đúng là có nhiều cơ hội chốt lời ngắn hạn rất tốt. Anh chị đã giảm tỷ trọng về mức cân bằng, tuần qua có tiếp tục chốt lời hay không, mức nắm giữ còn bao nhiêu?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tỷ trọng danh mục đầu tư ngắn hạn tôi nắm giữ ở mức 65% cổ phiếu và 35% tiền mặt. Tôi tập trung cơ cấu chốt lời dần danh mục ngắn hạn của mình. Tỷ trọng danh mục đầu tư trung hạn ở mức 41% cổ phiếu và 59% tiền mặt.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi tiếp tục giảm mức nắm giữ cổ phiếu trong tuần qua. Tỷ trọng danh mục tổng của tôi hiện ở mức 35% cổ phiếu.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi cũng như bao nhà đầu tư khác là chọn hành động chốt lời. Mức nắm giữ hiện tại vào khoảng 50% cổ phiếu bằng tiền mặt.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Tạm thời thì tôi đã chốt lời một phần danh mục của mình và hạ bớt tỷ trọng danh mục xuống còn 45%.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu cho thấy những dấu hiệu đi vào giai đoạn điều chỉnh giảm để tích lũy lại sau nhịp tăng kể từ sau kỳ nghỉ tết Âm lịch.
Việc đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc và thêm vào đó là việc chỉ số VN Index liên tiếp thất bại trong việc chinh phục ngưỡng kháng cự 1.000 điểm đang làm cho tâm lý nhà đầu tư dần thận trọng hơn.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng về lợi nhuận nhằm bảo toàn thành quả từ đợt tăng điểm vừa qua và quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới trước khi giải ngân trở lại. Tỷ lệ cổ phiếu khoảng 50% danh mục sẽ là mức an toàn trong giai đoạn thị trường thiếu vắng thông tin.
VnEconomy