MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Thận trọng với khả năng điều chỉnh

Thị trường có hai phiên sụt giảm cuối tuần qua nhưng không gây bất ngờ vì khả năng điều chỉnh khi VN-Index đạt tới 680 điểm cũng đã được dự báo...

Tuy nhiên các diễn biến điều chỉnh được đánh giá là thông thường trong một khả năng tăng cao hơn nữa của thị trường. Các chuyên gia cho rằng cần thời gian tích lũy đi ngang hoặc điều chỉnh giảm về khoảng 625 điểm hoặc lạc quan hơn là quanh 660 điểm.

Trong cái nhìn dài hạn về thị trường đến cuối năm, các chuyên gia không thống nhất về triển vọng. Quan điểm tích cực cho rằng thị trường đã vào một xu thế tăng lớn và việc điều chỉnh tạm thời trong xu thế tăng là bình thường và sẽ hướng tới các đích cao hơn.

Ngược lại, quan điểm thận trọng nhìn nhận có nhiều yếu tố tác động lên thị trường những tháng cuối năm. Khả năng kích thích tăng trưởng kinh tế bằng kênh tín dụng không còn rộng rãi như nửa đầu năm, khi áp lực lạm phát tăng lên.

Nguyễn Hoàng: đỉnh cao nhất VN-Index chạm tới trong tuần này là 681,75 điểm, chính xác với các phân tích của anh chị đưa ra tuần trước. Hai ngày cuối tuần áp lực chốt lời rất cao làm nổi lên quan ngại về khả năng thị trường đã tạo đỉnh. Liệu có còn một nhịp tăng nữa tới quanh 700 điểm như dự đoán của anh chị và những gì đang diễn ra chỉ là một nhịp điều chỉnh ngắn trước đi đi cao hơn? Đâu là căn cứ để anh chị tự tin vào kịch bản đó?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng thị trường vẫn còn cơ hội tiếp tục tăng điểm và hướng đến mốc 700-720 điểm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại VN-Index hoàn toàn có thể điều chỉnh về vùng 625-630 điểm hoặc dao động đi ngang với những nhịp tăng giảm đan xen trong vùng 650-680 điểm, trước khi hướng đến các mốc điểm cao hơn.

Thông tin về triển vọng kết quả kinh quý 2 đang dần được công bố với những con số tăng trưởng tích cực của nhóm cổ phiếu blue-chips, lãi suất USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục được FED giữ nguyên trong kỳ họp tháng 7 và các chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán và doanh nghiệp của Chính phủ là những yếu tố được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong thời gian tới.

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Việc dự báo VN-Index sẽ phải đạt mốc 700 điểm khi VN-Index vượt mạnh qua mốc 640 điểm đã được đưa ra từ năm 2014 chứ không phải mới gần đây và việc dự báo thời điểm nào chính xác thị trường sẽ đạt lên điểm cao 700 dường như là công việc rất khó.

Quan trọng nhất là “timing the market” và quyết định nắm giữ cổ phiếu gì ? Một khi thị trường vào giai đoạn “Uptrend” thì các phiên điều chỉnh như 2 phiên giao dịch cuối tuần qua chỉ là tạm thời.

Tuy nhiên tôi phải nhấn mạnh rằng giai đoạn điều chỉnh ở vùng kháng cự mạnh 680 điểm sẽ dài và lâu hơn khi VN-Index giao động ở vùng 660 điểm. Quan điểm của tôi là VN-Index sẽ điều chỉnh ngắn trước khi vươn lên mốc cao hơn.

Yếu tố hỗ trợ có lẽ việc thị trường đã “break-out”, khối lượng giao dịch trên 2 sàn vẫn duy trì ở mức tốt chưa kể đến khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng và điều quan trọng hơn là chu kỳ tăng điểm toàn thị trường đã đến. Điều chỉnh chỉ là tạm thời.

Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Như tuần trước chia sẻ tôi cho rằng thị trường tăng điểm nhưng hàm chứa nhiều cạm bẫy. Thực tế trong tuần có lúc VN-Index vượt 680 điểm nhưng nhiều cổ phiếu đã giảm điểm từ trước đó. Ngay cả những mã khỏe nhất như HSG, HPG cũng có sự điều chỉnh mạnh nhất kể từ đầu nhịp tăng.

Thời gian gần đây mỗi khi nhóm chứng khoán và ngân hàng tăng mạnh, sau đó thị trường rất khó để lên mạnh. Vì vậy, tôi thiên về khả năng thị trường sẽ tạm ngừng nhịp tăng ở đây.

Nguyễn Hoàng: Các cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3 đều có mức tăng giá rất nhanh trong hai tuần gần đây. Nhìn từ các mã ngân hàng, tới chứng khoán, nhất là nhiều mã bất động sản thì mức tăng đều rất tốt. Theo anh chị mức tăng đó liệu có phản ánh trước kỳ vọng cho kết quả kinh doanh hay không?

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Nhiều khi các cổ phiếu tăng điểm được giải thích bởi hàng tá lý do hợp lý như kết quả kinh doanh tốt, tin tức ngành hỗ trợ, điều kiện vĩ mô sáng khởi sắc hơn… và đôi khi cũng không thể giải thích bởi 1 lý do cụ thể nào.

Nếu lý thuyết thị trường hiệu quả cho chúng ta biết thị trường tăng điểm và mọi thông tin được phản ánh vào giá thì lý thuyết phản đối lý thuyết này lại cho rằng thị trường hay cổ phiếu tăng điểm cũng không cần thiết được giải thích bởi lý do hợp lý.

Tâm lý nhà đầu tư tăng cao, chu kỳ “uptrend” của thị trường đã tới và …thị trường đã tăng – điều chỉnh và lại tiếp tục tăng điểm tiếp nữa.

Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi nhìn nhận sự tăng điểm này giống như “nước chảy chỗ trũng” nhiều hơn. Các nhóm khác tăng hết rồi thì phải đến lượt chứng khoán và ngân hàng thôi.

Còn câu chuyện kết quả kinh doanh quý lúc nào cũng được đưa ra, hết quý này lại tiếp nối quý khác, nhiều khi nó chỉ là cái cớ dễ dẫn giải.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Về vấn đề này, tôi đồng ý với quan điểm cho rằng thông tin kết quả kinh doanh quý II và triển vọng lợi nhuận nửa cuối năm của các doanh nghiệp đã và đang dần được phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu trong những tuần vừa qua.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu yếu tố này đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu chưa?, thì theo tôi là chưa và sẽ vẫn còn những doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục đà tăng trưởng về giá trong những tháng cuối năm.

Nguyễn Hoàng: Tuần này thị trường đón nhận vài thông tin kém tích cực, đặc biệt là triển vọng tăng trưởng được dự báo là khá thấp trong năm nay. Còn nhớ trước khi xuất hiện thông tin tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm, đã có các phân tích dự báo thị trường có thể lên tới trên 700 điểm với kỳ vọng GDP năm nay đạt tốc độ 6,7%. Với diễn biến mới, anh chị định giá thị trường trong bối cảnh vĩ mô có hợp lý? Những yếu tố vĩ mô nào trong nửa cuối 2016 có thể tác động lên thị trường?

Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

VN-Index vượt đỉnh 8 năm, nhưng tôi thấy vĩ mô không có sự cải thiện nhiều lắm so với cách đây 1 năm hay 6 tháng.

Như vậy là chứng khoán đang chạy xa hơn so với kinh tế. Trong nửa cuối 2016, chính phủ mới có thể có những thay đổi trong chính sách điều hành, khả năng sẽ nới lỏng hơn nhưng sẽ khó có những đột biến có thể tác động tích cực cho thị trường chứng khoán.

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tôi cho rằng tác động của sự kiện Brexit, biến động mạnh của các ngoại tệ: Bảng Anh, Dollar, Yên Nhật cũng như dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường Việt Nam, câu chuyện chính sách tỷ giá sẽ là những yếu tố tác động đến thị trường trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2016.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo tôi, có hai yếu tố vĩ mô sẽ tác động đến thị trường trong nửa cuối năm 2016:

Đầu tiên là tác động từ chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước. Trong “báo cáo nhanh về thanh khoản hệ thống ngân hàng” tháng 6/2016 của BVSC, lượng vốn dư ra trong hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 5 đã lên đến 95.369 tỷ đồng, phần lớn trong lượng vốn này được bơm ra hệ thống ngân hàng chủ yếu qua việc mua vào 8 tỷ USD trong các tháng đầu năm giúp cải thiện dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ngân hàng nhà nước có tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo chiều hướng nới lỏng trong 6 tháng cuối năm hay không. Tôi cho rằng, mặc dù Chính phủ vẫn đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% nhưng với rủi ro lạm phát đang tăng nhanh trở lại (CPI YoY cuối tháng 5 đã đạt mức 2,28% trong khi cùng kỳ năm 2015 mới đạt 0,95%), ngân hàng nhà nước sẽ phải rất thận trọng trong việc điều tiết cung tiền trong giai đoạn nửa cuối năm.

Bên cạnh đó, diễn biến tỷ giá đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường sau sự kiện Brexit cũng sẽ ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô. Nói cách khác, dư địa để ngân hàng nhà nước tiếp tục nới lỏng chính sách sẽ không còn rộng rãi như 6 tháng đầu năm và mặt bằng lãi suất được dự báo vẫn có xu hướng tăng nhẹ.

Thứ hai là chính sách tiền tệ của Mỹ và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Đây là một yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam có được hưởng lợi từ những chính sách này hay không còn phụ thuộc vào biến số tỷ giá nằm trong biến động tương quan với các động tiền khác và tính hiệu quả trong cách điều hành của ngân hàng nhà nước trong thời gian tới. Nếu tỷ giá được vận hành linh hoạt, không có độ trễ và không tạo “kỳ vọng” phá giá từ thị trường, thì dòng vốn ngoại quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam mới duy trì độ ổn định cao.

Nguyễn Hoàng

Anh chị đã dự báo chính xác biến động thị trường trong tuần này, vậy hành động giao dịch là gì, chốt lời và mua lại, hay tăng mua khi điều chỉnh? Mức sử dụng vốn là bao nhiêu?

Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi bán hết danh mục trong phiên thứ 2, lỡ mất nhịp hưng phấn nhất khi VN-Index vượt 680 và hiện vẫn chưa mua vào trở lại.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tuần qua, tôi đã thực hiện một vài hoạt động trading quay vòng cho phần danh mục ngắn hạn nhưng vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục tổng ở mức 80% cổ phiếu (trong đó phần danh mục trung hạn chiếm 20%).

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Tuần qua tôi cũng đã thực hiệu cơ cấu lại danh mục cũng như giảm tỷ trọng cổ phiếu tăng tốt và đạt kỳ vọng kèm theo do dự báo thị trường có thể sẽ gặp điều chỉnh dài ở mốc kháng cự mạnh 680 điểm. Tôi tạm thời chốt lời và giảm tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt về mốc 50%/50%.

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Trở lên trên