Xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Trương Mỹ Lan lãnh án chung thân
HĐXX TAND TP.HCM tuyên án tù chung thân với bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
- 15-10-2024Toàn cảnh dự án dở dang hàng chục năm có trị giá cả “100.000 tỷ đồng” đối diện chợ Bến Thành mà Trương Mỹ Lan mua bán miệng với Bitexco
- 14-10-2024Toàn cảnh dự án 11.000 tỷ tại cảng Sài Gòn, cách Quận 1 chỉ một cây cầu mà Trương Mỹ Lan muốn bán để đền bù
- 11-10-2024Bị cáo Trương Mỹ Lan nói lời sau cùng tại tòa
Chiều 17/10 TAND TP.HCM tuyên án Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tội Rửa tiền, 8 năm tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hình phạt là chung thân.
HĐXX cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu bản án cao nhất và nghiêm khắc nhất trong vụ án. Dựa trên các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ và lời khai của các bị cáo, đủ cơ sở xác định bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội.
Trong đó bao gồm lừa đảo chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng của 35.824 trái chủ thông qua việc phát hành trái phiếu khống, rửa tiền 445.747 tỷ đồng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (tương đương 4,5 tỷ USD).
Theo HĐXX, việc VKS truy tố các bị cáo với các tội danh tương ứng là đúng pháp luật, không oan sai. Bà Lan được xác định là người nắm giữ phần lớn cổ phần của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và có ảnh hưởng chi phối đối với Ngân hàng SCB.
Sau khi được Nguyễn Phương Hồng (nguyên Phó Tổng giám đốc SCB) đề xuất phương án phát hành trái phiếu để giải quyết khó khăn tài chính, bà Lan đã cùng các đồng phạm thống nhất sử dụng bốn công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để thực hiện hành vi phạm tội.
Bị cáo Lan và đồng phạm đã đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu thông qua các công ty này, cùng với việc lập các hợp đồng kinh tế khống để hợp thức hóa việc phát hành. Sau đó, nhóm của bà Lan dùng thủ đoạn gian dối để khách hàng mua trái phiếu, dùng số tiền chiếm đoạt vào các mục đích không đúng với phương án phát hành.
Tòa nhận định rằng quy trình này thể hiện rõ ý thức chiếm đoạt tài sản từ trước khi hành vi phạm tội diễn ra, và việc chiếm đoạt đã hoàn tất khi tiền của các nạn nhân chuyển vào SCB. Dựa trên các chứng cứ và lời khai, HĐXX khẳng định bà Trương Mỹ Lan là người đứng đầu trong việc chiếm đoạt hơn 300.000 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm cao nhất, với mức án nghiêm khắc nhất so với các bị cáo khác.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, với vai trò chỉ đạo nhân viên SCB tư vấn khách hàng mua trái phiếu và ký các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, được xác định là người giúp sức tích cực cho bà Lan, và do đó cũng phải chịu một mức án nghiêm khắc, nhưng thấp hơn bà Lan và cao hơn những người khác.
Về phần dân sự, do một số tài sản và dự án còn thiếu tài liệu rõ ràng, HĐXX quyết định chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ.
HĐXX buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 30.869 tỷ đồng của 35.824 nhà đầu tư.
Ngoài ra, HĐXX tuyên bố giải tỏa lệnh kê biên đối với tòa nhà Capital Place, số 29 Liễu Giai. Tòa nhà này trước đây là một phần của dự án Vinhomes Metropolis, sau đó đã được chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Twin-Peaks, thuộc sở hữu của Tập đoàn bất động sản Singapore Capitaland.
Về các tài sản thu giữ từ các bị cáo, trong đó có hai túi Hermes của bà Trương Mỹ Lan, HĐXX xác định rằng những tài sản này có nguồn gốc từ tiền phạm tội nên quyết định tiếp tục kê biên và thu giữ.
Trước đó, hôm 4/10, VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên chung thân bị cáo Trương Mỹ Lan với 3 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Hôm 11/4, trong phiên xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt chung là tử hình.
VTC News