Xuân Đinh Dậu tản mạn về chu kỳ 10 năm
Mùa xuân Đinh Hợi năm 2007, chứng khoán bùng nổ, Vn Index phi nước đại từ 750 điểm lên thẳng gần mốc 1.200 điểm. Mười năm sau, Xuân Đinh Dậu 2017, thị trường liệu có lặp lại cái "chu kỳ" tăng trưởng kỳ dị đó?
- 28-01-2017Phong thủy năm Đinh Dậu: Ngành nào “ăn nên làm ra”?
- 28-01-2017Hãy tự tin đầu tư, chuyên gia phong thủy đã nói: Chứng khoán sẽ tăng
- 27-01-2017Nếu Tết này chưa sắm ô tô, nhà đầu tư có thể "ngắm" cổ phiếu ô tô cho danh mục năm 2017
Tiết trời trước thềm mùa xuân năm Đinh Dậu nay năm dễ chịu hơn những năm trước. Nắng nhẹ cùng với những làn gió mát khiến lòng người phấn chấn. Riêng đối với các nhà đầu tư chứng khoán, nguyên do có phần đến từ thị trường chứng khoán những ngày giao dịch cuối năm Bính Thân, chỉ số Vn Index đã tiệm cận vùng giá 700 điểm, mức cao nhất kể từ khi thị trường lao dốc năm 2007-2008.
Đã từ lâu lắm rồi, 10 năm kể từ ngày thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ, nhà đầu tư chứng khoán mới có niềm vui như vậy. Dù câu chuyện trên thị trường không thể chỉ nhìn vào bề nổi, nhưng khi Vn Index trong năm 2016 có sự tăng trưởng như năm 2006, khấp khởi trong lòng của nhiều nhà đầu tư cá nhân là sự kỳ vọng mang tên “Chu kỳ 10 năm”.
Hình ảnh nhà đầu tư tập trung tại các sàn giao dịch 10 năm trước đã không còn nữa (nguồn; Internet)
Trên con phố chứng khoán nổi tiếng một thời Nguyễn Công Trứ, Quận 1 nay đã không còn đông đúc như 10 năm trước. Bối cảnh mà nhà nhà, người người đổ xô đi mua chứng khoán đã không còn nữa. Công nghệ hỗ trợ nhà đầu tư đặt lệnh cũng đã được nâng cấp, nhà đầu tư không cần tụ tập tại các sàn để tranh nhau mua bán hàng ngày.
Thị trường đang ngày càng trưởng thành hơn. Nhà đầu tư cũng kinh nghiệm hơn, nghiệp vụ tư vấn của các công ty chứng khoán cũng đã ở một trình độ cao hơn so với những ngày đầu thành lập.
Nếu như 10 năm trước nhà đầu tư chỉ có thể tiếp cận được thông tin khiêm tốn để ra quyết định đầu tư thì nay đã có thể tự mình tìm hiểu về doanh nghiệp bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau nhờ nguồn thông tin đa dạng. Những công cụ, biểu đồ phân tích kỹ thuật với đầy đủ những chỉ báo cho nhà đầu tư ra quyết định.
Bộ mặt của thị trường nay đã khác hẳn so với 10 năm trước. Số lượng công ty niêm yết cũng nhiều hơn, nhà đầu tư cũng nhiều hơn, đa dạng hơn và phương thức giao dịch cũng vậy.
Nếu đúng quy luật “lượng đổi chất đổi” thì vào thời điểm này, nhà đầu tư chứng khoán hiện nay đã không thể dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường như năm 2006-2007 nếu không có lợi thế của riêng mình. Nói như ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD): “Không thể có chuyện người bán rau và chuyên gia đều như nhau”.
Người ta thường nói chu kỳ có tính lặp lại. Thế nhưng ở Việt Nam, chu kỳ lần này là một dấu hỏi lớn vì chưa từng được kiểm chứng khi tuổi đời của thị trường mới chỉ có 16 năm.
Trong khi đó, bối cảnh kinh tế cũng hoàn toàn khác biệt. 10 năm trước, với chính sách thúc đẩy tăng trưởng bằng bơm tín dụng, cung tiền tăng mạnh liên tục trong trong nhiều năm đã khiến một lượng lớn vốn đầu cơ đổ vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Cùng với việc một lượng vốn gián tiếp nước ngoài bơm vào thị trường Việt Nam khi đó có quy mô quá nhỏ bé đã đẩy cổ phiếu lên những mức giá không tưởng.
Thế nhưng, sau khi rơi vào chu kỳ suy thoái chung của thị trường thế giới, thị trường Chứng khoán VN đã không thể gượng dậy như các thị trường khác trong khu vực và đến nay vẫn đang giao dịch thấp hơn đỉnh cũ cách đây 10 năm.
Sự khác biệt của Việt Nam
Các chuyên gia kinh tế cả trong nước và quốc tế đánh giá, Việt Nam vốn đang mang trong mình một tiềm lực rất lớn nhờ những yếu tố như địa lý thuận lợi, tài nguyên, dân số…Thế nhưng, dù cho GDP nằm trong nhóm cao nhất thế giới nhưng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều gì đã kiềm tỏa sức tăng trưởng của Việt Nam trong những năm qua?
Năm 2016, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại so với năm 2015 và thấp hơn kỳ vọng. Đến lúc này, những vấn đề nội tại của Việt Nam đã xuất lộ rõ ràng nhất. Tình hình ngân sách hạn chế và nợ công cao trong khi chi thường xuyên chiếm 70% tổng chi ngân sách nhà nước đang tạo thêm gánh nặng ngân sách và khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, hàng loạt vụ án liên quan đến tham nhũng đã được đưa ra xử lý.
Năm Đinh Dậu 2017 sắp đến được nhiều dự báo sẽ có những tích cực nhưng tăng trưởng GDP chỉ tương đương năm 2016 do Chính phủ còn nhiều việc phải làm để phải khắc phục nhiều khó khăn về nợ xấu, doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn phát triển.
Nhưng đâu đó, bên cạnh những cái xấu thì những tín hiệu tích cực đang được truyền tải đi nhiều hơn.
VN đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động IPO và đưa doanh nghiệp nhà nước lên niêm yết trên sàn chứng khoán, việc mà đúng ra chúng ta nên làm cách đây nhiều năm. Bởi lẽ, hoạt động IPO và niêm yết chứng khoán không chỉ mang lại nguồn ngân sách cho nhà nước, huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư mà còn tăng tính minh bạch, giám sát của xã hội. Từ đó, kiềm tỏa nạn tham nhũng, thất thoát tài sản nhà nước và giải quyết đươc vấn đề nợ công tiếp tục tăng cao.
Câu chuyện của Sabeco và Habeco bị cho là “trốn tránh”niêm yết trên sở giao dịch Chứng khoán Tp.HCM vì những lý do không thuyết phục đã nhanh chóng lên sàn sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là một minh chứng cho quyết tâm cải cách của Chính phủ.
Liệu rằng, những sự kiện như vậy có tạo nên một “hiệu ứng cánh bướm” thúc đẩy sự minh bạch của cả hệ thống doanh nghiệp nhà nước dưới sự giám sát của toàn xã hội?
Các chuyên gia đều nhận định rằng, tiến trình cải cách kinh tế tiếp tục diễn ra mạnh mẽ sẽ tạo những cơ hội cho ngành sản xuất kinh doanh được cải thiện tốt hơn năm 2016. Và các nhà đầu tư quốc tế sẽ đổ tiền vào Việt Nam khi họ nhìn thấy hành động của Chính phủ đối với những lời hứa của một Chính phủ kiến tạo, minh bạch chứ không chỉ là cam kết bằng lời.
Trở lại với chu kỳ 10 năm, kỳ vọng thị trường có sự tăng trưởng đột phá trong năm mới hay không có lẽ cũng không quan trọng bằng sự tăng trưởng bền vững, sự ổn định thực sự của nền kinh tế vĩ mô vốn nhiều năm nay được xử lý bằng những chính sách "đánh đu".
Nếu như những kỳ vọng đó được đáp trả, TTCK Việt Nam có thể tái thiết lập ra một chu kỳ của riêng mình, không còn ngắn ngủi và mong manh như mùa xuân Đinh Hợi của 10 năm trước.
Một sự khác biệt của thị trường chứng khoán đến từ sức bật của một nền kinh tế tăng trưởng bằng chính nội lực, của sự sáng tạo, cạnh tranh của kinh tế tư nhân vốn nhiều năm bị hạn chế bởi các tập đoàn kinh tế nhà nước yếu kém.