Xuất hiện áp lực làm giảm giá dầu
Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc bắt đầu chậm lại trong khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng ở nhiều nước trên thế giới đang và dự báo sẽ còn tiếp tục gây áp lực giảm giá dầu.
- 04-12-2020OPEC+ quyết định nâng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày đẩy giá dầu vọt lên cao nhất kể từ tháng 3
- 01-12-2020OPEC+ hoãn việc đàm phán tiếp đến 3/12 vì còn có bất đồng, giá dầu lao dốc
Giá dầu đã liên tiếp tăng trong 5 tuần qua nhờ những thông tin tích cực về vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, trong phiên gần đây nhất 7/12, giá quay đầu giảm do tình hình dịch Covid-19 gia tăng, quan hệ Mỹ - Trung nóng lên và nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm tốc.
Lúc đóng cửa phiên này, dầu Brent giảm 46 US cent (0,9%) xuống 48,79 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 50 US cent (1,1%) xuống 45,76 USD/thùng.
Trên toàn cầu, số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng, buộc hàng loạt các nơi phải thực hiện một đợt phong tỏa nghiêm ngặt mới, trong đó có bang California (Mỹ), Đức và Hàn Quốc. Nhu cầu xăng dầu thế giới sau giai đoạn hồi phục mạnh lại đang có dấu hiệu c hậm lại. Tiêu thụ xăng ở Mỹ trong tuần lễ Tạ ơn sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 20 năm do rất ít người đi du lịch trong dịp này vì đại dịch.
Áp lực giảm giá dầu tăng lên sau khi Hãng tin Reuters đưa tin Mỹ đang chuẩn bị áp loạt trừng phạt mới với khoảng 14 quan chức Trung Quốc liên quan vụ bãi nhiệm các nghị sĩ bất đồng chính kiến ở Hong Kong. Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, những nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, đã liên tục đè nặng lên thị trường trong những năm gần đây.
Thông tin độc quyền của Reuters cho biếtm việc trừng phạt nói trên được cho là một trong những động thái gây sức ép mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Bắc Kinh trong những tuần tại nhiệm cuối cùng của ông Trump. Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng chưa bình luận về thông tin này. Hồi tháng 10, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo các tổ chức tài chính quốc tế có liên quan tới những cá nhân được cho là phải chịu trách nhiệm trong những chính sách siết chặt quản lý của Trung Quốc tại đặc khu Hong Kong sẽ sớm bị trừng phạt.
Tình hình nhập khẩu dầu của Trung Quốc – yếu tố đắc lực hỗ trợ giá dầu thô trong năm nay – xuất hiện dấu hiệu giảm tốc. Nhập khẩu dầu thô vào thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này trong tháng 11/2020 là 45,36 triệu tấn, tương đương 11,04 triệu thùng/ngày, vẫn cao hơn so với 42,56 triệu tấn của tháng 10/2020, nhưng thấp hơn 0,8% so với tháng 11/2019.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 503,92 triệu tấn dầu, tương đương 10,98 triệu thùng/ngày, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thông tin từ Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu tăng trong tháng 11 là do Hải quan nước này tiếp tục phải xử lý lượng dầu nhập khẩu tồn đọng từ những tháng trước, mặc dù các nhà máy lọc dầu độc lập đã giảm mua vào vì đã hết hạn ngạch nhập khẩu.
Một số cảng ở miền đông Trung Quốc đã bị tắc nghẽn kéo dài nhiều tháng kể từ tháng 7 do lượng hàng nhập về cao kỷ lục và thời tiết xấu.
Dự báo nhập khẩu dầu vào Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giảm trong tháng 12 này.
Trong khi đó, về nguồn cung, các chuyên gia trong ngành đánh giá rằng việc OPEC+ tuần qua quyết định tăng sản lượng thêm 500.000 thùng dầu thô/ngày kể từ tháng 1 tới, mặc dù thấp hơn con số dự kiến ban đầu là 2 triệu thùng/ngày, nhưng vẫn là tăng thêm sản lượng, sẽ làm gia tăng áp lực nguồn cung giữa bối cảnh Iran đã chỉ thị cho Bộ dầu mỏ của mình chuẩn bị sẵn sàng để sản xuất và xuất khẩu dầu thô tối đa công suất trong vòng 3 tháng tới.
Fitch Ratings mới đây đã hạ dự báo về giá dầu Brent xuống 45 USD/thùng vào năm 2021, do nhu cầu thị trường tiếp tục yếu, và cho rằng có thể phải tới nửa cuối năm sau.
Kết quả thăm dò mới đây của Reuters đối với 36 chuyên gia cho thấy, giá dầu Brent trung bình năm 2021 sẽ là 49,35 USD/thùng.
Tham khảo: Reuters