Xuất hiện dữ liệu 'nóng', khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất vào tháng 11 tăng vọt
Các hợp đồng hoán đổi cho thấy nhà đầu tư đặt cược rằng có tới 60% Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 11.
- 06-09-2023Quan chức cứng rắn nhất của Fed: Sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9
- 25-08-2023Chỉ bằng một vài ý then chốt, ông Powell khiến sắc xanh của chứng khoán Mỹ "bay màu": FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu cần, giữ chi phí đi vay ở mức cao
- 25-08-2023Quan chức Fed phát tín hiệu được thị trường mong chờ: Lãi suất sắp đạt đỉnh, nhưng vẫn cần tiếp tục tăng
Chứng khoán Mỹ vừa trải qua một phiên giảm điểm khá mạnh sau khi những số liệu cao hơn dự báo của ngành dịch vụ làm dấy lên dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn nữa.
Đóng cửa phiên hôm qua, chỉ số S&P 500 để tuột mốc 4.500 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm gần 1%, trong đó cổ phiếu Apple dẫn dắt đà giảm của nhóm công nghệ do những lo ngại về lợi suất trái phiếu tăng. Ngoài ra, cổ phiếu này còn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tin tức các cơ quan chính phủ Trung Quốc khuyến cáo không sử dụng iPhone trong công việc.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm đã vượt 5%. Các hợp đồng hoán đổi cho thấy nhà đầu tư đặt cược rằng có tới 60% Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 11. Đồng USD tiếp tục tăng giá, khiến Nhật Bản và Trung Quốc đã có hành động can thiệp để bảo vệ tỷ giá.
Mới đây, báo cáo Beige Book của Fed nhận định tăng trưởng của nền kinh tế cũng như thị trường lao động Mỹ đã chậm lại trong tháng 7 và tháng 8. Nhiều doanh nghiệp dự đoán trong ngắn hạn làn sóng tăng lương sẽ hạ nhiệt trên diện rộng.
Cũng trong phiên hôm qua, Viện quản lý nguồn cung (ISM) công bố chỉ số đo lường sức khỏe của ngành dịch vụ chạm mốc cao nhất 6 tháng trong tháng 8, đạt 54,5 điểm, cao hơn dự báo của hầu hết các chuyên gia phân tích. Mức trên 50 điểm thể hiện sự mở rộng.
Nhận định về các con số này, ông Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng tại LPL Financial, cho biết: “Báo cáo về ngành dịch vụ của ISM nhấn mạnh sự vững vàng của mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đáng chú ý là giống như chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá prices paid của ngành dịch vụ đã tăng lên. Dù cần kết hợp thêm nhiều dữ liệu khác để đánh giá xu hướng lạm phát nhưng đây chắc chắn là tin không tốt đối với Fed”.
Chủ tịch Fed Boston Susan Collins cho biết các nhà hoạch định chính sách cần phải kiên nhẫn khi đánh giá các dữ liệu kinh tế để xác định nên làm gì tiếp theo. Có thể vẫn cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Trong khi đó, cựu Chủ tịch Fed St.Louis – James Bullard – cũng nhận định cần phải tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay.
Với một loạt số liệu cao hơn dự báo, từ chi tiêu tiêu dùng đến đầu tư, các chuyên gia kinh tế đã đồng loạt tăng dự báo tăng trưởng GDP. Điều này trái ngược với 3 tháng trước (tức lần gần nhất các nhà hoạch định chính trị cập nhật số liệu), khi họ đều đồng thuận rằng kinh tế Mỹ sẽ khựng lại trong quý này.
Theo Jeffrey Roach, chuyên gia kinh tế trưởng tại LPL Financial, hiện nay Fed đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn: nguy cơ lạm phát dai đẳng và rủi ro chi tiêu tiêu dùng sụt giảm khi tiền tiết kiệm trong dân cạn kiệt.
“Nhìn vào những dữ liệu này, nhiều khả năng Fed sẽ tạm ngừng đưa ra quan điểm diều hâu trong cuộc họp tới. Dẫu vậy, các dữ liệu hiện nay chưa đủ thuyết phục để khẳng định chắc chắn. Các nhà đầu tư vẫn luôn nên tìm kiếm cơ hội trên thị trường, nhưng thời gian tới sẽ không dễ dàng”.
Trong khi đó chuyên gia Ben Jeffery của BMO Capital Markets nhận định báo cáo của ISM chỉ là một trong những dữ liệu quan trọng được công bố trong tuần này. Khi câu chuyện lắng xuống, sự chú ý của nhà đầu tư sẽ quay trở lại với điều cốt lõi là tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường